Đào lại kênh đã lấp

Kênh Hàng Bàng đi qua Q.5 và Q.6 (TP.HCM) vốn đã bị lấp từ nhiều năm nay sẽ được đào lại để điều tiết nước, chống ngập.

Kênh Hàng Bàng đi qua Q.5 và Q.6 (TP.HCM) vốn đã bị lấp từ nhiều năm nay sẽ được đào lại để điều tiết nước, chống ngập.

Kênh Hàng Bàng đầy rác thải, đoạn qua khu vực đường Chu Văn An, P.1, Q.6 Kênh Hàng Bàng đầy rác thải, đoạn qua khu vực đường Chu Văn An, P.1, Q.6 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Giải tỏa hàng ngàn căn nhà

Con kênh Hàng Bàng đi qua địa bàn Q.5 và Q.6 trước đây chạy qua chợ Bình Tây, đưa hàng hóa từ miền Tây vào chợ này. Sau năm 1990, một cái cống được xây ở điểm cắt giữa kênh và đường Phạm Đình Hổ khiến ghe thuyền không có lối đi vào chợ Bình Tây nữa. Từ đó, con kênh này bị thu hẹp dần do rác gây ô nhiễm...

Năm 2001, chính quyền đã chọn giải pháp lấp hẳn một đoạn trên 500 m của con kênh này để giảm ô nhiễm. Con kênh Hàng Bàng đoạn còn lại hiện nay đầy rác ứ đọng, nhà cửa xây dựng san sát, lấn chiếm, có nơi không còn nhìn ra hình hài của con kênh nữa. Hiện TP.HCM đang có dự án đào lại kênh Hàng Bàng, sẽ giải tỏa khoảng 30 m hai bên bờ kênh, khơi lại mặt nước rộng khoảng 11 m, đáy rộng khoảng 4 m. Mỗi bên là dải cây xanh rộng khoảng 9,5 m.

Bà Huỳnh Thị Thảo, Chủ tịch UBND Q.5, cho biết TP đã có kế hoạch bố trí kinh phí đầu tư dự án (DA) Cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng. UBND Q.5 đang triển khai các khâu đo vẽ, đền bù giải tỏa… Việc này sẽ thực hiện ngay trong năm nay. Để thực hiện đào kênh Hàng Bàng riêng tại Q.5 có 128 hộ bị giải tỏa trắng.

UBND Q.6 trong báo cáo trình UBND TP.HCM về DA này, cho biết sẽ giải tỏa hoàn toàn 940 căn nhà. Trong giai đoạn 1, DA sẽ thực hiện đoạn từ đường Lò Gốm - Bình Tiên, có 166 hộ dân phải giải tỏa, kinh phí dự kiến 365 tỉ đồng. Giai đoạn 2 từ đường Phạm Đình Hổ - Ngô Nhân Tịnh sẽ có 434 hộ bị giải tỏa, kinh phí thực hiện khoảng 1.000 tỉ đồng. Q.6 đang tổ chức đo vẽ và dự kiến đến cuối năm 2015 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Sau năm 2015 sẽ thực hiện giai đoạn 3, đoạn từ đường Bình Tiên - Phạm Đình Hổ, có tổng cộng 340 hộ bị giải tỏa, kinh phí dự kiến 700 tỉ đồng.

Ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết Sở đã giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư DA, mục tiêu là cải thiện hệ thống thoát nước tại khu vực Q.5 và Q.6, đồng thời tạo cảnh quan đô thị thông qua việc trồng cây xanh hai bên bờ kênh sau khi nạo vét.

Kênh Hàng Bàng đoạn Kim Biên, P.13, Q.5Kênh Hàng Bàng đoạn Kim Biên, P.13, Q.5

Bên cạnh đó, gói thầu K “Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng” thuộc DA Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé -  Đôi - Tẻ, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, sẽ thực hiện từ năm 2015 - 2019. Cụ thể gói thầu này gồm việc cải tạo, khôi phục tuyến kênh hở rạch Hàng Bàng (đoạn từ rạch Lò Gốm - Bình Tiên); xây dựng các tuyến cống thoát nước cấp 2 (tổng chiều dài 11.100 m) và trạm bơm thuộc lưu vực rạch Hàng Bàng, để giải quyết tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, gói thầu còn thực hiện cải tạo kênh Vạn Tượng (từ đường Võ Văn Kiệt - Phan Văn Khỏe).   

Công tác cải tạo kênh rạch quá chậm

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc cải tạo thành công bước đầu rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giải tỏa khu ổ chuột và trả lại dòng nước trong xanh, được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá là một trong những thành tựu lớn nhất và quan trọng nhất của thời kỳ đổi mới tại TP.HCM. Tuy nhiên, công tác cải tạo các hệ thống kênh rạch khác của TP.HCM vẫn đang xúc tiến rất chậm, trong khi tình trạng ngập nước và ô nhiễm trong đô thị ngày càng gia tăng và lan rộng.

Không thể thay rạch bằng cống hộp, hồ

Theo TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm biến đổi khí hậu ĐH Quốc gia TP.HCM, quá trình đô thị hóa đã khiến hàng trăm tuyến kênh, rạch của TP.HCM bị xóa sổ, nhất là các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh như Q.7, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, Q.Bình Tân… Nếu điều kiện kinh phí cho phép có thể nên đào lại các tuyến kênh, rạch đã bị lấp. Quy định hiện nay cho phép các DA dân cư được lấp rạch và thay bằng đào cái hồ có diện tích gấp 1,2 lần là không hợp lý và không giải quyết được vấn đề ngập bởi hồ thì không thể giúp thoát nước như các con rạch.

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết vào thời kỳ Sài Gòn được phát triển theo quy hoạch của Pháp, TP có một mạng lưới kênh rạch hữu hiệu gắn liền với phát triển đô thị và hoạt động dịch vụ thương mại. Thời kỳ đô thị hóa trong thế kỷ 20 trước và sau chiến tranh cho đến thời kỳ đầu đổi mới vào đầu những năm 1990, hệ thống kênh rạch này dần dần bị thu hẹp, trở thành khu ổ chuột trên nước (như rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè), bị san lấp để xây dựng công trình như rạch Hàng Bàng - Bãi Sậy (Q.5 và Q.6), rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh), hoặc không bảo tồn được tốt khu đô thị lịch sử hai bên kênh rạch cũ khi mở đường như rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hũ.

Nhiều lợi ích

Theo ông Sơn, kênh rạch hở kết nối với sông là giải pháp hiệu quả nhất để giúp thoát nước mưa nhanh, chống ngập, cải tạo, làm sạch môi trường nhờ dòng nước chảy và hệ thống cây xanh mặt nước lọc bớt ô nhiễm đường phố. Không những người dân khu vực ven kênh được lợi trực tiếp từ môi trường xanh và sạch, không ngập nước, mà người dân ở khu lân cận cũng được lợi ích từ luồng gió đối lưu dọc theo khu vực kênh để làm mát cho đô thị, nhờ vào sự chênh lệch nhiệt độ thấp của dòng nước và nhiệt độ cao của khu vực đô thị bê tông hóa.  Kênh còn giúp dẫn nước tưới tiêu cho các khu vực xanh của TP.

Một đoạn kênh giờ là đườngMột đoạn kênh giờ là đường

Kế đến là lợi ích về quy hoạch, kiến trúc, giao thông, và lợi ích cộng đồng. Kênh rạch kết hợp với mạng lưới cây xanh dọc bờ kênh làm tăng giá trị kiến trúc cảnh quan cho toàn khu, cho phép phát triển giao thông thủy. Các khu vực dọc theo kênh rạch còn có thể khuyến khích phát triển các khu vực đi bộ hoạt động sinh động trong đô thị, trở thành nơi thư giãn giao lưu và tập thể dục của cộng đồng. Đây là điều rất có ý nghĩa khi TP.HCM đang có diện tích xanh trên đầu người thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế.

Và cuối cùng nhưng lại rất quan trọng, là lợi ích kinh tế có thể đem lại từ hoạt động cải tạo phát triển hệ thống kênh rạch. Đầu tiên là giá trị địa ốc của các khu vực giáp và lân cận kênh rạch sẽ gia tăng đáng kể, nhất là khi được nạo vét, quy hoạch kiến trúc cảnh quan bài bản. Kế đến, tuy việc cải tạo đền bù giải tỏa để trả lại hệ thống kênh rạch tốn kém và chiếm diện tích nhiều hơn là giải pháp cống ngầm, nhưng lợi ích từ không gian đô thị, các hoạt động thư giãn và dịch vụ thương mại ở những khu vực này làm tăng giá trị cho cuộc sống người dân sẽ cao hơn và bền vững hơn nhiều. Kênh rạch hở còn có khả năng nạo vét, cải tạo, mở rộng dễ dàng và ít tốn kém hơn nhiều so với giải pháp thay thế bằng cống hộp. Do đó nếu chính quyền có chính sách phù hợp, cho phép và khuyến khích nhà đầu tư huy động nguồn vốn để tham gia công tác cải tạo phát triển hệ thống kênh rạch, nhưng không chỉ giới hạn trong giới hạn kênh mà còn mở rộng việc cải tạo xây dựng lại khu vực giáp ranh để tạo nguồn thu bù lại cho chi phí đã bỏ ra, thì chắc chắn mọi người có liên quan đều đạt được lợi ích. Trước hết là lợi ích chung của việc cải tạo môi trường sống phục vụ cuộc sống tiện nghi và trong lành cho người dân khu vực cũng như toàn TP. Sau đó là lợi ích của nhà đầu tư trong việc thu hồi lại vốn đầu tư và đạt lợi nhuận hợp lý, và lợi ích của chính quyền trong việc đẩy nhanh các dự án cải tạo môi trường, mà ít phải phụ thuộc vào vốn ngân sách.

Dứt khoát nói không với các dự án lấp rạch

Theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, trên địa bàn TP.HCM hiện có hàng trăm tuyến kênh, rạch bị san lấp để lấy đất phục vụ các DA xây dựng nhà ở, khu dân cư, nhất là ở những quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như Q.2, Q.7, Q.Bình Tân, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh... Các kênh rạch này được chủ DA thay thế bằng cống hộp, nhưng chức năng thoát nước rất kém so với kênh rạch tự nhiên, nhất là những thời điểm mưa lớn hoặc triều cường. Những năm qua TP chủ trương cho phép các chủ DA lấp rạch thay bằng cống hộp nay đã bộc lộ sai lầm rõ rệt. Vì vậy, việc đào lại kênh Hàng Bàng chứng tỏ lãnh đạo TP đã nhận thấy sai lầm trong quá khứ, điều này đáng hoan nghênh. Nhưng quan trọng nhất là từ nay phải dứt khoát nói không với các DA lấp rạch, xử lý thật nghiêm để không lặp lại sai lầm, phải tốn hàng nghìn tỉ đồng để đào lại rạch.

Ông Sanh cho rằng, từ nay chính quyền TP.HCM cần thường xuyên, chủ động hằng năm cho nạo vét kênh, rạch, chứ không nên để đến khi nó bị xóa sổ rồi mới  phục hồi, vừa tốn kém tiền ngân sách vừa bị động trong quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.