Doanh nghiệp nhỏ 'còn quá còi cọc, ốm yếu'

20/10/2016 06:12 GMT+7

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo góp ý cho dự thảo luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Bộ KH-ĐT tổ chức ngày 19.10.

Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2, khóa 14, khai mạc ngày 20.10. Bộ KH-ĐT kỳ vọng luật sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các DN đầu tư nước ngoài tại VN, đánh giá hiện có tới 80% DN siêu nhỏ, còn lại là DN vừa. 9 tháng năm nay, số DN thành lập mới có số vốn chỉ 7,5 tỉ đồng/DN, điều này chứng tỏ tiềm lực tài chính DN rất yếu, khó khăn. "Không đâu như VN, DNNVV không được thế chấp vay vốn tín dụng bằng bất động sản và các tài sản hình thành trên đất đai. Đây là điều khiến họ không lớn lên được", GS Mại nói.
Bà Đặng Thị Điểm, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng bản thân ngân hàng cũng là DN, cũng phải có cách để giảm rủi ro và có quy định riêng. "Về quan điểm thế chấp bất động sản cho vay vốn là ngân hàng phải có quyền xem xét cho vay làm sao bảo toàn vốn. Không tổ chức cá nhân nào can thiệp đến hoạt động của các tổ chức tín dụng nên nhận loại tài sản thế chấp nào là quyền của ngân hàng", bà Điểm nói.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông, luật không bắt ngân hàng làm bằng mọi giá, đã rút điều khoản dành 30% vốn cho các DNNVV nhưng ngân hàng phải có trách nhiệm phê duyệt hồ sơ cho vay DNNVV với điều kiện không thể giống cho “đại gia nghìn tỉ đồng”. Nếu không hỗ trợ DNNVV để “bứt” lên thì không tăng được tầng lớp trung lưu… Đây là hướng phấn đấu của mọi nền kinh tế, để không còn những “tỉ phú cá nhân giàu lên từ quan hệ” gây ra sự bất công của nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.