Giám sát môi trường khu xử lý rác Đa Phước

24/09/2009 00:24 GMT+7

Có nhiều vấn đề các đại biểu HĐND TP.HCM yêu cầu được làm rõ, trong đó tập trung vào tiến độ triển khai, vận hành dự án; việc xử lý nước rỉ rác, vấn đề giá. Song thực tế lại bật ra nhiều nội dung mới.

Theo báo cáo của Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước - tại buổi giám sát môi trường của HĐND TP.HCM hôm qua, đến nay đã hoàn thành và đưa vào vận hành 15/25 hạng mục của dự án; còn lại các hạng mục đang thi công, sẽ hoàn thành vào trước Tết m lịch năm nay. Riêng hạng mục nhà máy xử lý nước rỉ rác thứ 3 sẽ lắp đặt thiết bị vào tháng 3.2010 và trong tháng 7.2010 sẽ vận hành.

Theo ông David Dương, Tổng giám đốc VWS, dự án không chậm tiến độ. Toàn bộ khu xử lý rác Đa Phước có 128 ha, theo hợp đồng thì TP.HCM phải giao đủ diện tích này để VWS xây dựng đồng bộ. Nhưng thời điểm đó, TP.HCM không có đủ 128 ha đất để giao cho VWS, nên dự án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 giao trước 73 ha và giai đoạn 2 là 55 ha. TP.HCM hứa năm 2007 sẽ giao 55 ha còn lại, nhưng đến nay chỉ mới giao có 5 ha.

16,4 USD/tấn rác có hợp lý?

Về vấn đề TP.HCM trả cho VWS 16,4 USD cho mỗi tấn rác liệu có hợp lý? Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nói, cách đặt vấn đề như vậy là không đúng và sự so sánh về giá giữa khu xử lý rác Phước Hiệp - Củ Chi (thuần túy là chôn lấp; vốn đầu tư từ ngân sách) với dự án rác Đa Phước (chôn lấp, tái chế rác, sản xuất phân bón; vốn tư nhân) là khập khiễng.

Theo ông David Dương, giá xử lý rác được tính trong thời gian vận hành là 50 năm, trong đó có tính đến chi phí xử lý trong 26 năm sau khi bãi rác đóng cửa (phải tiếp tục xử lý nước rỉ rác và khí gas phát sinh từ 24 triệu tấn rác của khu chôn lấp). Giá xử lý này bao gồm việc sản xuất phân compost và tái chế rác. "Chúng tôi lo ngại TP chưa có phân loại rác tại nguồn, cuối năm nay đi vào vận hành nhà máy tái chế rác mà chưa có rác được phân loại, thì có nguy cơ nhà máy sẽ bị trùm mền" - ông David Dương lo lắng.

Các đại biểu HĐND cũng đặt câu hỏi vì sao có 2 nhà máy nước rỉ rác đầu tư phát sinh (gồm 1 nhà máy xử lý theo công nghệ thẩm thấu ngược kép và 1 nhà máy xử lý nước mưa lẫn với nước rỉ rác theo công nghệ lọc và hóa chất). Ông David Dương cho biết, lúc đầu dự án chỉ có 1 nhà máy có công suất 1.000 m3/ngày đêm, nhưng do phải nhận rác sớm, nên phải đầu tư ngay 1 nhà máy có công suất 280 m3/ngày đêm để xử lý lượng nước rỉ rác trong thời gian đầu. Sau đó, trong quá trình vận hành, có nhiều ô nước mưa lẫn lộn với nước rỉ rác nên VWS đầu tư phát sinh thêm 1 nhà máy xử lý thứ hai có công suất 3.000m3/ngày đêm.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.