Hàng chục tỉ USD Trung Quốc đổ vào Mỹ La tinh sẽ là vô ích?

20/02/2016 11:47 GMT+7

Trung Quốc bơm hàng tỉ USD vào Mỹ La tinh trong nỗ lực mà nhiều chuyên gia đánh giá là nhằm đối mặt với sức ảnh hưởng của Mỹ. Dù vậy, nhiều tỉ đô la đầu tư của Đại lục đã và đang ít hiệu quả.

Trung Quốc bơm hàng tỉ USD vào Mỹ La tinh trong nỗ lực mà nhiều chuyên gia đánh giá là nhằm đối mặt với sức ảnh hưởng của Mỹ. Dù vậy, nhiều tỉ đô la đầu tư của Đại lục đã và đang ít hiệu quả.

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Theo CNN, chỉ riêng năm ngoái, Trung Quốc đã cấp 65 tỉ USD cho khu vực Mỹ La tinh, số tiền lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này là để chống lại sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Ví dụ điển hình về những tham vọng, cũng như vấn đề, ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Mỹ là kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt dài hơn 5.300 km từ bờ biển Đại Tây Dương của Brazil đến bờ biển Thái Bình Dương của Peru. Khoảng cách đó dài ngang đoạn đường từ thành phố Miami đến Seattle của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay hiện thực hóa tầm nhìn họ có một cách nhanh chóng ở quê nhà. Song khi đến với Mỹ La tinh, tốc độ của họ chậm lại. Dự án đường sắt trên được cho là đầy thách thức, trong đó gồm việc đối phó với các nhóm bản địa và vấn đề về môi trường, bên cạnh chuyện quy mô xây dựng lớn.
Trung Quốc đã từng thử và thất bại với kế hoạch tương tự. Năm 2011, nước này đưa ra kế hoạch “khá tiến bộ” cho tuyến đường sắt nối bờ Thái Bình Dương với bờ Đại Tây Dương ở Colombia, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nói với tờ Financial Times năm đó.
5 năm sau, tuyến đường sắt trên không tồn tại và thậm chí chưa từng được khởi công. Bộ Kinh tế Colombia không trả lời đề nghị bình luận của báo giới.
Dự án đường sắt nhỏ hơn này sẽ là một trong những công trình thể hiện rõ ràng nhất quyền lực của Trung Quốc nhằm đối mặt với Mỹ, tạo sự cạnh tranh trực tiếp với kênh đào Panama. Colombia lẽ ra đã là một nước dễ dàng cho các dự án do có nền kinh tế diễn biến tốt nhất tại Nam Mỹ và tình hình chính trị ổn định.
“Về văn hóa, chúng tôi rất khác nhau và đôi khi cần dựng lại các dự án”, Giám đốc Phòng Đầu tư và Thương mại Colombia - Trung Quốc Julian Salamanca phát biểu.
Từ Mexico đến Brazil, nhiều dự án tư nhân và của chính phủ Trung Quốc bị chậm trễ lâu, bị đình chỉ hoặc không bao giờ được khởi công. Khác biệt văn hóa, tình trạng quan liêu và tham nhũng là vài lý do cho thực trạng trên.
Trung Quốc “nhận ra rằng một số dự án kết thúc ở các điểm chính trị bất ổn” chuyên gia kinh tế Alejandro Werner thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay.
Quan điểm của ông Werner là có lý. Đại lục đổ nhiều tiền vào Brazil và Venzuela, hai nước đều chìm sâu trong suy thoái kinh tế và có tình trạng bất ổn chính trị gia tăng. Brazil đang đứng giữa giai đoạn suy thoái dài nhất từ những năm 1930 và Venezuela được cho là nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới. IMF dự báo lạm phát ở Venzuela tăng vọt đến 720%.
Trung Quốc nhắm đến Venezuela vì nhờ trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, quốc gia Nam Mỹ được coi là đối tác năng lượng dài hạn. Từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc cho Venezuela vay 65 tỉ USD, nhiều hơn bất cứ nước nào trong khu vực Mỹ La tinh, theo tổ chức phi lợi nhuận Đối thoại Liên châu Mỹ.
Dù vậy, số tiền trên không đem lại nhiều điều. Venezuela vẫn khốn đốn vì sức khỏe nền kinh tế. Giờ đây, Trung Quốc cố gắng để tình hình nước bạn không tệ hơn. “Họ đang cho vay tiếp để bảo vệ các khoản vay trước đó”, Giáo sư Kevin Gallagher chuyên về quan hệ Trung Quốc - Mỹ La tinh thuộc Đại học Boston (Mỹ) nhận định.
Một người đàn ông chỉ ra các thị trấn sẽ chịu ảnh hưởng khi kênh đào (đường màu đỏ) được xây dựng qua Nicaragua - Ảnh: Bloomberg
Hiện Đại lục đang có nhiều dự án bị cản trở. Doanh nghiệp tư nhân HKND của Đại lục công bố kế hoạch xây kênh đào đi qua Nicaragua vào năm 2013. Đây là một nỗ lực nhằm thách thức kênh đào Panama do Mỹ hậu thuẫn.
Tháng 11.2015, HKND cho hay họ sẽ không khởi công cho đến cuối năm 2016. Giới chuyên gia rất hoài nghi về việc liệu kênh đào này có thành hình hay không.
Năm 2014, giới chức Mexico trao một dự án đường sắt cao tốc cho một nhóm doanh nghiệp Trung Quốc nhưng sau đó rút lại vì dư luận phản đối. Năm 2011, Trùng Khánh Grain Group công bố dự án 2 tỉ USD để xây dựng nhà máy chế biến đậu nành lớn ở nông thôn Brazil. Báo cáo mới công bố cho thấy vị trí xây dựng nhà máy này vẫn đang là bãi đất trống.
Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn đạt được một số thành công nhất định ở Mỹ La tinh khi thiết lập quan hệ mạnh mẽ với khu vực giàu tài nguyên. Mexico mới đây đang gợi ý để nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, tài trợ cho sân bay mới tại Mexico City.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.