Nhạt dần những ruộng muối trăm năm

16/07/2016 08:17 GMT+7

Có tuổi nghề trên dưới trăm năm, nhưng những đồng muối của H.Cát Hải, TP.Hải Phòng nay xơ xác, tiêu điều vì người làm muối không sống được với nghề.

Về xã Đồng Bài, từng là một trong những vùng muối trọng điểm của H.Cát Hải những ngày nắng chói giữa hè, nhưng chúng tôi không còn thấy cảnh diêm dân nơi đây nhộn nhịp ra đồng chang cát, thu muối. Gần 10 ha ruộng muối của xã nay chỉ là những bãi đất cỏ mọc cao ngang người, chòi muối bỏ hoang.
“Trông vào ruộng muối thì chết đói!”
9 giờ sáng, chị Lưu Thị Anh (43 tuổi, xóm Trung, xã Đồng Bài) đã từ ruộng muối về nhà. Đây là gia đình duy nhất của xã còn giữ nghề làm muối. “Nhà có 3 người, tôi vì sức khỏe yếu, chồng đi làm xa, bố mẹ đã ngoài 80, không đi làm thuê cho người ta được nên mới phải bám lấy ruộng muối”, chị nói.
Đón chúng tôi vào nhà, cụ Hoàng Thị Giải (82 tuổi, mẹ chồng chị Anh) cho biết, vài năm gần đây, thu nhập từ làm muối của nhà bà không nhiều. Ngày nào nắng to, 3 người cùng ra đồng mới làm được 100.000 đồng. Phải ngày râm mát, vất vả lắm mới kiếm được 50.000 đồng/ngày. Chị Anh từng đi làm công nhân may, nhưng sau khi sinh con thì sức khỏe kém hẳn nên không đi làm được nữa, phải ở nhà làm muối với bố mẹ chồng, được đồng nào hay đồng ấy.
Đứng giữa đồng muối nắng chang chang, chúng tôi xem vợ chồng cụ Giải xúc từng xẻng cát tãi ra ruộng. Cụ bà lại nói: “Ruộng các cụ để lại, tấc đất là tấc vàng, cả làng này bỏ hết, nhà tôi có 3.500 m2, tôi tiếc nên vẫn làm”. Cách làm muối ở Cát Hải vẫn theo phương pháp truyền thống, không giống như ở miền Trung, miền Nam và cần có sức khỏe. “Một người bình thường có thể làm một mình ba chạt cát, nhưng nhà tôi toàn người yếu, mỗi ngày làm được một chạt là đã thở không ra hơi rồi”, chị Anh cho biết. Theo chị Anh, lúc giá muối cao thì có thể bán được 200.000 đồng/tạ, lúc thấp thì chỉ 100.000 đồng. “Cả nhà cứ túc tắc làm thôi. Mà cũng không trông mong gì vào ruộng muối này, trông vào có mà chết đói”.
Giống như ở Đồng Bài, thôn Minh Tân, xã Nghĩa Lộ, H.Cát Hải cũng chỉ còn gia đình ông Đặng Văn Séc (59 tuổi) đang làm muối. Nhà ông Séc có 1.700 m2 ruộng muối, “Năm vừa rồi cả nhà vất vả lắm mới bán được 10 triệu tiền muối, hiện vẫn còn 1 tấn tồn trong kho chưa bán được”, ông Séc chia sẻ. Nói về những khó khăn của làng nghề, ông Séc lắc đầu: “Làm không được tiền, mà bỏ cũng không xong”.
Nghề trăm năm không ra tiền cũng bỏ
Trên ruộng muối xã Đồng Bài, chúng tôi bắt gặp cụ bà 88 tuổi tên Cầu. Bà kể từ bé đã theo các cụ ra đồng làm muối, nhưng “bây giờ già rồi tôi không làm được nữa, các con cháu cũng chẳng chịu được vất vả của cái nghề này nên đành để cỏ mọc hoang đồng bãi”. Theo cụ Cầu, chục năm trước, ruộng muối ở đây lúc nào cũng tấp nập, nhà có bao nhiêu người ra đồng làm muối hết. Muối nhà nào nhà nấy mang ra kho hợp tác xã chất thành đống trắng phau, nhà nào làm khỏe có thể được 300.000 - 400.000 đồng/ngày.
Ông Nguyễn Văn Đáng, Trưởng thôn Minh Tân, xã Đồng Bài cũng là một trong những người tâm huyết với nghề muối ở Cát Hải. Ông Đáng lý giải: “Nghề muối bây giờ cực kỳ khó khăn, bà con làm ra nhưng muối không bán được, công sức đội nắng mấy ngày trời thu về chỉ vài chục nghìn thì còn ai thiết tha nữa?”.
Ông Đáng còn phân tích: một phần là hệ thống mương máng dẫn nước vào đồng bây giờ bị hư hỏng hết, các ô phơi, đường ống phải cải tạo thường xuyên nhưng bà con không có tiền để đầu tư. Phần nữa, đường ô tô xuyên đảo Cát Hải từ khi thi công đến nay cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước dẫn vào các ruộng muối. Những ngày mưa, đất cát tràn xuống gây tắc cống, bà con không có nước để sản xuất. Trưởng thôn Đáng cho biết, mỗi hộ làm muối mỗi năm chỉ thu được 8-10 triệu, chưa kể nhiều nhà làm ra còn không bán được. Trong khi đó, trung bình cứ 3 năm phải cải tạo các ô phơi một lần, chi phí khoảng 15 triệu đồng cho 100 m2. Đó là nguyên nhân khiến câu chuyện về những “núi muối” trắng, bà con tấp nập ra đồng đêm ngày làm việc nay chỉ còn trong ký ức.
Không làm muối nhưng… không biết làm gì
Trên địa bàn đảo Cát Hải có một đơn vị tiêu thụ khá nhiều muối, đó là Công ty cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cát Hải, mà người dân địa phương quen gọi là xí nghiệp nước mắm Cát Hải. Cơ sở này mỗi năm tiêu thụ hàng nghìn tấn muối cho việc sản xuất nước mắm. Nhưng nguồn muối mà doanh nghiệp này sử dụng lại được nhập từ miền Trung.
Cảnh vắng vẻ, tiêu điều trên đồng muối Cát Hải Ảnh: Mê Linh
Cảnh vắng vẻ, tiêu điều trên đồng muối Cát Hải. Ảnh: Mê Linh
Ông Đoàn Hữu Đà, Chủ tịch UBND xã Đồng Bài giải thích: “Muối Cát Hải mặn, đậm đà hơn so với muối miền Trung, miền Nam nên khi sử dụng dễ bị hao, nhanh tan và lẫn nhiều tạp chất. Thêm nữa, nếu huy động cả huyện làm muối cũng không đủ sản lượng nên xí nghiệp nước mắm họ không thể mua muối trên chính tại quê hương mình”.
Khó khăn nữa với người làm muối ở Cát Hải là đất ở đây nhiễm mặn nên khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế. H.Cát Hải từng vận động, khuyến khích bà con chuyển đổi mô hình kinh tế như đào ao nuôi thủy sản nhưng diện tích đất của từng hộ gia đình quá nhỏ lẻ, hoặc thử trồng táo như ở P.Bàng La, Q.Đồ Sơn, Hải Phòng, một địa phương từng có nghề làm muối rất nổi tiếng của TP.Hải Phòng, song chưa có điều kiện. Với nghề muối truyền thống, ông Đà thốt lên: “Không làm sao duy trì được nữa!”.
Quay trở lại ruộng muối, giữa những bãi cỏ mọc cao, chúng tôi thấy các thành viên trong gia đình cụ Giải đang thu hoạch mẻ muối đầu tiên trong ngày. Hình ảnh cụ bà đã ngoài 80, dáng người nhỏ bé, cặm cụi bên những ô nề khiến chúng tôi xúc động. Thấy chúng tôi, bà Giải lại nói: “Mình cố thế này chứ thanh niên chúng nó theo làm gì”. Không có lối đi nào cho diêm dân Cát Hải, những thanh niên trai tráng ở đây hằng ngày lại lên phà ra thành phố làm thuê, bỏ hoang những ruộng muối mà cha ông để lại cho những người cao tuổi. Để sự hoang phế, để cỏ lá phủ kín ký ức về những cánh đồng muối chất cao, người mua kẻ bán nhộn nhịp năm nào...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.