Nuôi cá chim vây vàng ở Phú Quốc

11/11/2016 14:00 GMT+7

Trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện Phú Quốc (Kiên Giang) vừa nuôi thử nghiệm thành công cá chim vây vàng trong lồng bè, mở ra triển vọng phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Vật nuôi đầy triển vọng
Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa đối tượng thả nuôi, góp phần phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển, Trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện Phú Quốc nuôi thử nghiệm cá chim vây vàng tại hộ ông Trần Quốc Trung (ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu). Cá chim vây vàng thịt thơm ngon, tốc độ sinh trưởng nhanh, ít bị nhiễm bệnh, có khả năng nuôi với mật độ cao trên biển hoặc trong khu vực nước mặn, lợ. Đây là đối tượng nuôi mới, được thả trong lồng vuông cải tiến rộng 50 m2, với số lượng 500 con (tương ứng 10 con/m3 nước). Qua gần một năm thả nuôi, tỷ lệ sống của cá đạt trên 90%, không xảy ra dịch bệnh; cá đạt trọng lượng từ 0,5 - 0,7 kg/con; sau 10 - 12 tháng nuôi đạt tổng sản lượng từ 2,8 - 3 tấn cá thành phẩm. Với giá bán hiện nay từ 160.000 - 180.000 đồng/kg sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, mô hình nuôi cá chim vây vàng thương phẩm được Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, bước đầu cho thấy cá thích nghi tốt với vùng biển Phú Quốc nên tăng trưởng khá nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp. Còn theo ông Trung, cá chim vây vàng dễ nuôi, sau khi xuất bán hết sẽ tiếp tục bắt thêm con giống để thả nuôi vì tiêu thụ thuận lợi do thương lái đến tận bè thu mua, sau khi trừ chi phí đạt khoảng 50% lợi nhuận.
Nhân rộng mô hình
Ông Trung cho biết quy trình nuôi cá chim vây vàng tương tự như các loại cá khác. Ngoài chăm sóc đúng kỹ thuật, cách cho ăn, xử lý nguồn nước theo hướng dẫn của kỹ sư, cần chú ý khâu vệ sinh lồng bè để bảo đảm môi trường nuôi sạch, thông thoáng, có vậy cá mới phát triển, tỷ lệ sống cao, đạt năng suất. Ngoài ra, mỗi tuần phải rửa rong sạch sẽ; 1 - 2 tháng phải sang cá qua lồng khác, đưa lồng lên phơi để chết vi khuẩn bám vào.
Theo ông Trực, cá chim vây vàng là loại cá biển dễ thích nghi với điều kiện môi trường, lớn nhanh, có giá trị kinh tế cao. Đây chính là điều kiện cơ bản để phát triển, tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi. Trong tương lai, đối tượng này có khả năng thay thế cho những loại cá nuôi lồng bè kém hiệu quả tại Phú Quốc. Tuy là loại cá mới nhưng thực tế cho thấy khách du lịch rất thích thưởng thức, từ đó tạo tiền đề đảm bảo nguồn tiêu thụ từ việc cung cấp cá cho du khách khi đến tham quan du lịch trên huyện đảo.
Theo ông Lê Thanh Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Quốc, chủ trương của Phú Quốc những năm tới đây phải thực hiện mô hình sản xuất sản phẩm nông, ngư nghiệp phục vụ du lịch. Trong đó khuyến khích ngư dân sản xuất trên biển, duy trì, phát triển nghề nuôi trồng hải sản gần bờ; đồng thời tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển một số loài động vật có nguồn gốc hoang dã như: hươu, nai, heo rừng, cá sấu, ba ba nhằm tạo thêm sản phẩm phục vụ du lịch và tăng thu nhập. Tăng cường phối hợp giữa “4 nhà” trong các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tránh rủi ro cho nông dân và mô hình nuôi cá chim vây vàng cũng nằm trong quy trình đó. Ngoài việc đa dạng loại hình nuôi trồng, còn thu hút khách tham quan, thưởng thức những món ăn tại nhà vườn tạo công ăn việc làm cho người dân trên đảo.
Có thể nói, việc nuôi thử nghiệm thành công cá chim vây vàng thương phẩm tại huyện Phú Quốc có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tập quán canh tác, góp phần đa dạng, phong phú thêm đối tượng nuôi; đồng thời tận dụng tối đa diện tích mặt nước biển, tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.