Nuôi thủy sản khép kín trên bãi bồi

29/06/2017 07:35 GMT+7

Đến xã Đồng Phú, H.Long Hồ (Vĩnh Long) hỏi nhà Ba Tấn thì ai cũng biết bởi gia đình ông hiện có mô hình nuôi thủy sản khép kín với dây chuyền sản xuất thức ăn, 11 bè cá ven sông Tiền, 7 công đất vườn đang cho trái, thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

Ông Ba Tấn (Nguyễn Văn Tấn, 60 tuổi, ngụ ấp Phú Mỹ 1) kể có được như hôm nay gia đình ông phải trải qua thời gian dài lận đận trên vùng đất bãi bồi này. Sau khi tốt nghiệp Trung học sư phạm ở Vĩnh Long, ông về dạy học ở xã Đồng Phú gần 10 năm. Do đồng lương giáo viên không đủ sống, ông xin nghỉ việc. Năm 1989, vợ chồng ông mua được 2,5 công đất bãi bồi để cất nhà, hằng ngày đăng lưới, giở chà kiếm cá bán lấy tiền nuôi con, sinh sống qua ngày. Do sống trên vùng đất bãi bồi, ngoài việc tìm kế mưu sinh, vợ chồng ông còn chịu khó lặn hụp dưới sông bưng từng cục đất nâng nền, lập vườn trồng cây…
Đến năm 2010, khi nguồn cá ngày càng cạn kiệt, nhờ có số vốn trong tay, ông mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm cá bằng bè trên sông. Ban đầu là cá điêu hồng, sau đó đến cá chim trắng, cá tra... “Có lẽ tôi có duyên với nghề nuôi cá trên sông nên mấy vụ đầu đều trúng đậm. Nhờ vậy, tôi quyết tâm cho mấy đứa con vào đại học để sau này hỗ trợ phần nào ước mơ của tôi”, ông Tấn chia sẻ.
Kỹ sư, dược sĩ cùng cha nuôi cá
Năm 2012, người con trai lớn của ông Ba Tấn là Nguyễn Lê Trung tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Sau mấy năm làm việc ở TP.HCM, nghe lời khuyên của cha, anh Trung quyết định về quê lập nghiệp, chung tay thực hiện mô hình nuôi thủy sản khép kín của gia đình.
Theo ông Ba Tấn, để giảm chi phí, tăng lợi nhuận khi mở rộng nuôi cá bè, ông đã đào một cái ao rộng 1.200 m2 để ươm cá giống. Tuy nhiên, vẫn còn cái khó là giá thức ăn rất cao. Khi người con trai lớn trở về quê thì ý tưởng về một dây chuyền sản xuất thức ăn được hình thành.
Để thực hiện kế hoạch này, đích thân kỹ sư Trung sang Đài Loan tìm hiểu công nghệ và đặt hàng. Ngoài ra, một số thiết bị của dây chuyền được nhập khẩu từ Ấn Độ và một số quốc gia khác. Thay vì phải thuê chuyên gia lắp đặt, với chuyên ngành được học, anh Trung đã tự nghiên cứu lắp đặt các thiết bị và vận hành thành công dây chuyền sản xuất hiện đại. Với sự hỗ trợ của em trai là dược sĩ Nguyễn Thành Nghĩa (ra trường năm 2015), phụ trách tính toán phối trộn nguyên liệu, cân đối dinh dưỡng, đảm bảo các tiêu chuẩn để cho ra sản phẩm thức ăn viên đạt yêu cầu. Đến nay, dây chuyền sản xuất thức ăn cho cá của anh Trung có khả năng làm ra 250 - 300 kg/giờ, giá thành thấp hơn thị trường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Sau nhiều tháng nghiên cứu sản xuất thử nghiệm, hiện sản phẩm đảm bảo trên 80% các yêu cầu đặt ra và đang tiếp tục hoàn thiện. “Việc tận dụng những sản phẩm nông nghiệp sẵn có như khoai lang, bắp, phụ phẩm thủy sản để sản xuất thức ăn vẫn có thể làm được đối với cá chim trắng, tai tượng và hiện chúng tôi phối trộn, chế biến thức ăn dạng này bằng hệ thống riêng”, dược sĩ Nghĩa phấn khởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Phú, nhận xét mô hình chăn nuôi khép kín của ông Ba Tấn rất hiệu quả. Ngoài việc chăm chỉ, sáng tạo và mạnh dạn đầu tư trong chăn nuôi, ông Ba Tấn còn là người có lòng với quê hương, đã hiến 1.200 m2 đất vườn đang cho trái để làm đường giao thông nông thôn bao quanh 4 xã cù lao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.