Ồ ạt tăng diện tích, cam rớt giá liên miên

24/03/2018 06:56 GMT+7

Dù đang trong thời điểm tiêu thụ thuận lợi nhất nhưng giá bán cam sành, cam V2 ở Tuyên Quang và Bắc Giang lại giảm khiến nông dân thiệt hại nặng.

Giá thấp nhất 4 năm qua
Tháng 3 hằng năm là thời điểm cuối vụ thu hoạch cam sành ở Tuyên Quang, nhưng khảo sát tại nhiều vùng trồng loại cây này, giá bán tại nhà vườn còn kém xa so với thời điểm cuối vụ những năm trước.
Ở thủ phủ cam sành H.Hàm Yên (Tuyên Quang), anh Lương Văn Đại, chủ vườn cam tại xã Tân Thành, cho biết giá cam cuối vụ bán sô tại vườn được thương lái thu mua từ 10.000 - 15.000 đồng/kg; còn thời điểm nhu cầu tăng mạnh như dịp trước Tết Mậu Tuất, cam sành Hàm Yên chỉ 8.000 - 10.000 đồng/kg, bằng 2/3 so với cùng thời điểm năm 2017. Chưa khi nào cam sành Hàm Yên lại có giá bán thấp như năm nay, khi có thời điểm cam chín nhiều, nông dân thu hoạch rộ, giá bán tại vườn chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Theo anh Đại, thời điểm cam sành được giá nhất là năm 2015 khi lên tới 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau đó giá loại trái cây đặc sản này cứ thấp dần khiến thu nhập của các hộ trồng cam cũng giảm đáng kể. Năm 2017, diện tích trồng cam đem về cho gia đình anh Đại khoảng 400 triệu đồng thì năm nay chỉ đạt trên 200 triệu đồng. “Khi cam còn được giá, diện tích trồng phát triển quá nhanh, hàng chục quả đồi trước đây trồng cây khác đều được chuyển sang trồng cam, đến nay bắt đầu cho thu hoạch nên lượng cung quá nhiều khiến giá bán rẻ”, anh Đại nói.
Còn tại H.Lục Ngạn (Bắc Giang), giống cam V2 bắt đầu vào mùa thu hoạch nhưng giá thương lái thu mua tại vườn loại đẹp chỉ 30.000 - 31.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg so với mùa vụ năm 2017. Cũng vì những mùa vụ trước, cam V2 được giá nên nhiều hộ dân phá bỏ vải thiều chuyển sang trồng loại cam này. Ước tính, trong 3 năm trở lại đây, toàn xã Tân Mộc của huyện này có khoảng 200 - 300 ha chuyển sang trồng cam V2. “Dù thời điểm thu hoạch cam V2 nhiều loại trái cây khác như cam đường, cam Vinh, bưởi… đã hết nhưng giá cam vẫn giảm là dấu hiệu cho thấy loại quả này sẽ còn đối diện nguy cơ được mùa mất giá những năm tới”, anh Thành, một nông dân trồng cam ở Tân Mộc, lo lắng.
Diện tích đã vượt quy hoạch đến năm 2020
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đại Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho rằng giá cam giảm do lượng cung quá nhiều. Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia chế biến cam làm nước ép, khoảng 70% sản lượng cam toàn tỉnh được đưa đi tiêu thụ trái tươi ở các thị trường lớn như Hà Nội và các tỉnh phía nam. Theo ông Thành, đề án phát triển cam sành tại Tuyên Quang đến năm 2020 chỉ có 5.255 ha, nhưng hiện diện tích trồng cam đã lên tới 7.730 ha, trong đó 4.300 ha đang cho thu hoạch. Dự báo, diện tích cam sành cho thu hoạch tăng lên, giá bán loại quả này sẽ còn giảm mạnh. “Dù đã công bố quy hoạch đến các địa phương, nhưng thực tế rất khó kiểm soát vì không thể áp dụng các biện pháp hành chính để can thiệp, không cho nông dân trồng cam. Nếu càng trồng nhiều thì giá càng giảm, nông dân thua thiệt. Chúng tôi lấy nội dung này tăng cường tuyên truyền, thuyết phục người dân đầu tư nâng cao chất lượng quả cam thay vì mở rộng diện tích”, ông Thành nói. Về lâu dài, theo ông Thành, UBND tỉnh Tuyên Quang đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến để giữ giá cam ổn định.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND H.Lục Ngạn Cao Văn Hoàn “trần tình” cái khó của công tác quản lý hiện nay là nông dân thấy cây gì được giá thì trồng ồ ạt khiến khó tránh khỏi giá bán rớt. Theo quy hoạch, nhóm cây có múi (cam, bưởi, quýt) tại H.Lục Ngạn đến năm 2020 trong khoảng diện tích 5.000 ha nhưng thực tế đến cuối năm 2017 diện tích đã vượt quy hoạch vài trăm héc ta. Trong khi đó, những giống cây ăn quả này cũng phát triển rất mạnh ở các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình... “Để ứng phó với tình trạng giá trái cây giảm trong những năm tới, ngoài kiểm soát về diện tích, các cơ quan chuyên môn đang tích cực hỗ trợ người dân cải tiến kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng của trái. Ngoài ra, UBND H.Lục Ngạn khuyến khích các nhóm nông hộ thành lập các hợp tác xã ký hợp đồng, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, dán tem nhãn chứng nhận sản phẩm an toàn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Địa phương cũng đang vận động người dân trồng giống mới, xen kẽ nhiều loại cây, trồng rải vụ nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, tránh dồn vào một thời điểm khiến giá rớt”, ông Hoàn nói.
Năng lực chế biến mới đạt 4% sản lượng
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho rằng giá nhiều loại trái cây như cam, bưởi giảm do chưa rải được vụ, nên tập trung thu hoạch trong một thời điểm. Ngay từ tháng 10.2017, Cục đã có khảo sát và tăng cường cảnh báo các địa phương có tình trạng tăng trưởng “nóng” về nhóm cây có múi khi hiện nay diện tích cây ăn quả có múi đã đạt 70.000 ha. Dù chưa đạt kịch trần quy hoạch là 75.000 ha đến năm 2020, nhưng dự báo thời điểm đạt ngưỡng quy hoạch thì giá còn giảm sâu. Trong khi đó, sản lượng trái cây chế biến trong năm 2017 chỉ đạt 800.000 tấn/năm (chiếm 4%) so với tổng năng suất là 22 triệu tấn. “Trong năm 2018, với 8 nhà máy chế biến được vận hành tổng công suất chế biến từ 1 - 1,2 triệu tấn/năm, hy vọng giá bán trái cây sẽ dần được sẽ cải thiện”, ông Sơn kỳ vọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.