Phải hết sức bình tĩnh với TPP

10/10/2015 07:02 GMT+7

Chiều 9.10, ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP - Thứ trưởng Bộ Công thương, đã chủ trì họp báo về việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP.

Chiều 9.10, ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP - Thứ trưởng Bộ Công thương, đã chủ trì họp báo về việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP.

Ngoài thuế, giá hàng hóa còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác - Ảnh: Diệp Đức MinhNgoài thuế, giá hàng hóa còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác - Ảnh: Diệp Đức Minh
Bộ Công thương cho biết, theo tính toán của các chuyên gia độc lập, trong điều kiện kinh tế thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của VN tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020, tăng thêm 33,5 tỉ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỉ USD năm 2025. Đây là các kịch bản so sánh với khi VN chưa tham gia TPP.
Giảm thuế, tổng thu vẫn tăng
Đối với ngân sách, Bộ Công thương cũng ước tính hiệp định trên không gây ra tác động lớn và đột ngột về thu ngân sách. Khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu ngân sách có thể bù lại từ các sắc thuế khác. Thực tế, việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO và theo 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực nhưng không ảnh hưởng tiêu cực tới thu ngân sách. Tổng thu hằng năm vẫn tăng đáng kể từ năm 2006. TPP yêu cầu các nước nỗ lực xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là hình thức trợ giúp gián tiếp cho doanh nghiệp (DN) trong nước được mua nguyên liệu với giá rẻ.
Ông Khánh cho biết VN đồng ý nguyên tắc này nhưng phải theo lộ trình hợp lý, đồng thời đề nghị bảo lưu thuế xuất khẩu một số mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô, than đá... Có mặt tại cuộc họp, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - thành viên đoàn đàm phán TPP, chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta đưa ra nhiều dự báo tác động, công bố với nhiều số liệu về tăng trưởng GDP, về xuất khẩu. Điều đó có thể không sai nhưng nó không phản ánh được biến động trên thị trường thế giới, không phản ánh được thái độ của Chính phủ hay phản ứng của chúng ta”. “Những ngày qua, chúng ta sống cảm xúc quá nhiều. Thắng một trận bóng đá thì tung hô, thua một trận thì chê bai. Phải hết sức bình tĩnh với TPP”, ông Tuyển khuyến nghị.
Dù vậy, ông Tuyển cũng dự báo: “Trong TPP, cơ hội cho xuất khẩu là có, quan trọng là có nắm bắt cơ hội được không. Nhưng có khả năng nhập siêu lúc đầu là tăng. Vì DN FDI vào nhiều, đó là hiện tượng bình thường”.
Theo ông Tuyển, khi VN vừa gia nhập WTO, năm 2007, vốn FDI vào VN đạt tới hơn 60 tỉ USD, tăng gấp 3 lần năm 2006. “Nhưng tôi tin rằng, tương lai, xuất khẩu sẽ hơn nhập khẩu”, ông Tuyển nói.
Chưa hẳn hàng hóa đã rẻ
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của nhiều DN đối với TPP là những cam kết cụ thể về việc giảm thuế cũng như lộ trình thực hiện đối với từng ngành hàng. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Khánh đã phải liên tục nhấn mạnh: “Không thể nói cụ thể hơn vì đây là thỏa thuận bí mật. Mọi thông tin chỉ có thể được công khai rõ hơn khi TPP được ký kết chính thức”. Ông cũng cho biết, VN là quốc gia gần như sớm nhất tổ chức họp để công bố thông tin về việc kết thúc đàm phán TPP. “Nói về tác động thuế giảm, giá hàng hóa trong TPP có giảm không thì không thể khẳng định được ngay, bởi lẽ, giá cả hàng hóa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sức mua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), các khoản thuế, phí nội địa khác”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết, đối với mặt hàng ô tô, TPP có cam kết về việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nhưng tốc độ giảm thuế có sự khác nhau giữa các chủng loại xe. Ô tô cũng có một quy tắc tương tự như quy tắc xuất xứ từ sợi của dệt may. Nghĩa là, một số linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu trong một chiếc ô tô ra sao để được giảm thuế.
Đối với mặt hàng dược phẩm, quan điểm của VN là duy trì thuế thấp để người dân được tiếp cận sớm. TPP có đưa ra lộ trình và các DN dược ở VN hoàn toàn có thể đủ thời gian để chuẩn bị. Với ngành chăn nuôi, đúng là sẽ gặp khó khăn nhưng đây không phải là lần đầu tiên hội nhập của ngành này. Ngành nông nghiệp đã có quá trình chuẩn bị kể từ khi VN gia nhập ASEAN rồi đến WTO, cũng đã có ít nhất 10 năm. Việc xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm ngành này đã được cân nhắc kỹ.
Ngành dệt may cũng sẽ không quá phụ thuộc vào quy tắc “xuất xứ từ sợi” bởi còn có danh mục “nguồn cung thiếu hụt”, tức là sẽ được nhập một số chủng loại vải, sợi từ nước ngoài TPP để làm ra sản phẩm mà vẫn được hưởng ưu đãi trong TPP. “Chúng tôi tin rằng đã có cách tiếp cận đúng, nắm bắt cơ hội mang lại để nền kinh tế sẽ mạnh hơn”, ông Khánh nói.
Ý kiến
Lo cho nhà nước nhiều hơn doanh nghiệp
Cơ hội tự nó không biến thành lợi ích trên thương trường, không tự nó biến thành sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng thách thức tới đâu thì tùy thuộc khả năng phản ứng của chúng ta. Nếu không nhấn mạnh điều này, chúng ta sẽ vỡ mộng hoặc bi quan. Tôi không lo cho DN, tôi lo nhiều cho nhà nước. Bộ máy của DN chịu sức ép cạnh tranh lớn, sẽ buộc phải thay đổi cải cách. Sẽ có anh sắp chết nhưng có anh trưởng thành. Nhưng bộ máy nhà nước mà không thay đổi, trì trệ thì cực kỳ nguy hiểm.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên đoàn đàm phán TPP
Phải hiểu kỹ về TPP
Tôi đã đi khảo sát, tiếp xúc với nhiều DN nhưng đến 70 - 80% chưa đón nhận được thông tin chính xác, với TPP, tôi sẽ phải làm cái gì. Muốn đạt được lợi ích thì bạn phải hiểu kỹ về TPP. Ai cũng nói về TPP nhưng nếu ta hỏi DN vừa và nhỏ, bao nhiêu đơn vị có thể hiểu sâu sắc, toàn phần về TPP? Tôi đánh cuộc rằng, người chỉ hiểu 1/3 thôi đã là quá hạnh phúc rồi. TPP quá cao cấp nhưng cần hiểu theo nghĩa một người dân bình thường.
Bà Nguyễn Hồng Thanh,Phó trưởng ban Kết nối cộng đồng DN, Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.