Pháp đánh giá Việt Nam là nền kinh tế quan trọng của Đông Nam Á

07/09/2016 17:26 GMT+7

Trong diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt ngày 7.9 tại TP.HCM nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp, một quan chức cấp cao chính phủ Pháp cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế quan trọng của Đông Nam Á.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) ngày 7.9 tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt nhằm giúp doanh nghiệp hai bên có cơ hội thảo luận về thị trường Việt Nam và các cơ hội hợp tác.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt, bà Martine Pinville, Quốc vụ khanh Pháp phụ trách Thương mại, Thủ công, Tiêu dùng và Kinh tế xã hội và đoàn kết, cho biết: “Tôi rất vui được dự diễn đàn tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp. Tôi cảm ơn các bạn đã tổ chức sự kiện này, giúp nhiều công ty Việt Nam và Pháp, đặc biệt là những công ty tháp tùng Tổng thống Francois Hollande, có cơ hội tìm kiếm các đối tác mới”.
“Năm ngoái, tôi đã đến Việt Nam và nhận ra mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Pháp sẽ giúp mối quan hệ đó tiến xa hơn nữa. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế quan trọng của Đông Nam Á. Tôi hoan nghênh chủ trương mở cửa và hiện đại hóa của chính phủ Việt Nam”, bà Pinville cho biết thêm.
“Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng 6%, một nền kinh tế vĩ mô bền vững và quá trình đô thị hóa làm tăng nhu cầu về giao thông. Đất nước này sẽ có khoảng 100 triệu dân vào năm 2020. Việt Nam cũng là một đất nước rất cởi mở: cởi mở qua số lượng các hiệp định tự do thương mại được ký kết gần đây”, ông Nicolas du Pasquier, Chủ tịch CCIFV cho hay.
“Theo nghiên cứu mới nhất của World Bank (Ngân hàng Thế giới) và Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, GDP của Việt Nam sẽ tăng tưởng gấp 10 lần, từ 190 tỉ USD lên đến 1.800 tỉ USD vào năm 2035”, bà Đặng Minh Phương, CEO - nhà sáng lập Công ty MP Logistics kiêm Chủ tịch CEO Club tại Việt Nam, lưu ý, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Pháp nói riêng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt ở TP.HCM ngày 7.9 Ảnh: Độc Lập
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, nói: “Pháp là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Sắp tới, việc triển khai hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam và Pháp thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác kinh tế đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước”.
“Quan hệ kinh tế TP.HCM - Pháp ghi nhận những bước phát triển tích cực về đầu tư, tính đến hết tháng 7.2016, Pháp có 185 dự án với tổng vốn đầu tư gần 848 triệu USD, đứng thứ 10 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư ở TP.HCM”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
“Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu TP.HCM - Pháp đã đạt 746 triệu USD vào năm 2015, tăng 8,5% so với năm 2014. Trong bảy tháng đầu năm 2016, trao đổi thương mại TP.HCM - Pháp đạt hơn 423 triệu USD”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội phát triển, nguồn nhân lực dồi dào và chính sách thu hút đầu tư mở rộng, TP.HCM đang là một địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn ở Việt Nam”.
Cũng tại diễn đàn, các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác.
Tập đoàn dược phẩm Pháp SANOFI và công ty dược Việt Nam Vinapharm ký thỏa thuận mở rộng và củng cố quan hệ đối tác giữa hai bên vốn được thiết lập từ năm 1993. Công ty thức ăn gia súc NEOVIA Việt Nam, tập đoàn Grimaud, công ty Boucher, và Hội Chăn nuôi Việt Nam ký kết thỏa thuận thành lập một chuỗi chăn nuôi heo bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Các doanh nghiệp Việt - Pháp cũng đã thảo luận về các chủ đề: triển vọng nền kinh tế Việt Nam và quan hệ kinh tế Pháp - Việt; hợp tác Pháp - Việt trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế.
CCIFV đi vào hoạt động từ năm 1989 và đến nay có hơn 280 thành viên bao gồm các công ty tầm trung và những tập đoàn lớn, cung ứng các dịch vụ giúp các doanh nghiệp Pháp muốn phát triển và thâm nhập thị trường Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.