Quảng cáo trên xe buýt cần gì ‘thí điểm’

09/11/2015 06:14 GMT+7

Sau gần 23 năm cấm quảng cáo trên trên xe buýt , lãng phí hàng ngàn tỉ đồng, đến tháng 10.2015, UBND TP.HCM phê duyệt đề án... thí điểm.

Sau gần 23 năm cấm quảng cáo trên trên xe buýt, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng, đến tháng 10.2015, UBND TP.HCM phê duyệt đề án... thí điểm.

Xe buýt mang biển số tỉnh (Đồng Nai, Long An) thoải mái quảng cáo ngay khi lưu thông tại TP.HCM, trong khi xe buýt biển số TP.HCM bị cấm quảng cáo (ảnh nhỏ) - Ảnh: Diệp Đức MinhXe buýt mang biển số tỉnh (Đồng Nai, Long An) thoải mái quảng cáo ngay khi lưu thông tại TP.HCM, trong khi xe buýt biển số TP.HCM bị cấm quảng cáo (ảnh nhỏ) - Ảnh: Diệp Đức Minh
Cụ thể, TP sẽ thực hiện thí điểm quảng cáo trên 10 tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá. Thời gian thí điểm 1 năm, từ ngày 21.10.2015.
Theo đề án do Sở GTVT TP trình, vị trí quảng cáo là hai bên thân xe, kể cả cửa và kính xe, nhưng không được vượt quá 50% diện tích bề mặt vỏ thân xe buýt. Hình thức, nội dung và màu sắc quảng cáo sẽ do Sở VH-TT quy định cụ thể, đảm bảo nguyên tắc: Chỉ quảng cáo hàng Việt; ưu tiên hàng VN chất lượng cao; nội dung quảng cáo sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt; hạn chế sử dụng màu đỏ, các màu sắc trùng lặp với các hệ thống biển báo giao thông. Giá cho thuê quảng cáo sẽ được đấu giá, Sở Tài chính ban hành giá sàn làm cơ sở để tổ chức đấu giá.
10 năm trước, khi còn làm ở Sở GTVT, tôi đã trình đề án quảng cáo trên xe buýt. TP có thể thu được ít nhất 100 tỉ đồng/năm từ việc cho thuê quảng cáo bên ngoài xe buýt. Thế nhưng, đến nay mới cho thí điểm là quá chậm
Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM
Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP, cho biết đến nay có rất nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm đến việc thuê quảng cáo trên xe buýt. Tuy nhiên, do còn trải qua nhiều thủ tục nên trung tâm vẫn chưa tổ chức đấu thầu, chưa nhận hồ sơ tham gia đấu thầu.
“Lạ lùng quá”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quý Cáp, Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM, cho biết trước năm 1992, TP đã có quảng cáo trên xe buýt. Tuy nhiên, không hiểu sao đến năm 1992 bắt đầu cấm. “UBND TP và các sở ngành, hiệp hội quảng cáo… đã họp lên họp xuống rất nhiều lần. Rồi đã có nhiều đề án lập ra, nhưng cuối cùng vẫn không triển khai. Luật không cấm, các tỉnh, thành khác như Hà Nội đã làm hàng chục năm nay. Quảng cáo trên xe buýt là một việc hết sức bình thường, không có lý do gì để phải làm thí điểm”, ông Cáp bức xúc và nêu sự bất hợp lý: “Ngay tại TP.HCM, xe taxi quảng cáo thoải mái. Xe buýt chẳng qua to hơn taxi, hơn 20 năm nay lại không được quảng cáo. Tôi thấy lạ lùng quá”.
Ông Cáp cũng cho rằng, những lo ngại về an toàn giao thông là không có cơ sở vì cả thế giới và các tỉnh thành khác trong nước đều đã làm mà không gặp sự cố nào. “Vì vậy, không nên áp đặt từ trên xuống phải làm thế này, thế kia, để rồi các DN quảng cáo không thể thực hiện được. Khi đó, những quy định được ban hành sẽ không có giá trị”, ông Cáp phân tích.

Luật không cấm, các tỉnh, thành khác như Hà Nội đã làm hàng chục năm nay. Quảng cáo trên xe buýt là một việc hết sức bình thường, không có lý do gì để phải làm thí điểm

Ông Nguyễn Quý Cáp, Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM, cũng cho rằng không nhất thiết phải thí điểm, vì sẽ mất thời gian, gây chậm trễ. Hơn nữa, quảng cáo trên xe buýt sẽ do khách hàng - những nhà quảng cáo quyết định lựa chọn tuyến, xe. Ông Hải cho rằng, trong đề án thí điểm không cho quảng cáo nhãn hàng nước ngoài trên xe buýt là sai lầm. “Nếu chỉ dành cho nhãn hàng trong nước thì số lượng khách hàng quảng cáo sẽ rất thấp. Chỉ nên hạn chế quảng cáo những nhãn hàng có thể gây mất mỹ quan hoặc nhạy cảm (như đồ lót), các sản phẩm bình thường không nên cấm để không bị giảm nguồn thu”, ông Hải đề nghị.
Lãng phí hàng ngàn tỉ đồng
Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM, kể: “10 năm trước, khi còn làm ở Sở GTVT, tôi đã trình đề án quảng cáo trên xe buýt. TP có thể thu được ít nhất 100 tỉ đồng/năm từ việc cho thuê quảng cáo bên ngoài xe buýt. Thế nhưng, đến nay mới cho thí điểm là quá chậm”.
Ông Nguyễn Quý Cáp tính toán, mỗi xe buýt khi được quảng cáo bên ngoài thân xe sẽ đem lại khoản thu bình quân 50 triệu đồng/năm. Hiện có khoảng 80% lượng xe buýt của TP có thể thực hiện cho thuê quảng cáo bên ngoài thân xe (số còn lại xe nhỏ, xe đã xuống cấp, không phù hợp cho quảng cáo). Với tổng số gần 3.000 xe, nếu được thực hiện quảng cáo sẽ đem về cho TP khoảng 120 tỉ đồng/năm. Tính sơ bộ, TP đã thất thu hàng ngàn tỉ đồng vì cấm quảng cáo trên xe buýt hàng chục năm qua.
Tiến sĩ, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng việc trì hoãn quảng cáo trên hệ thống xe buýt không chỉ gây lãng phí tiền cho nhà nước mà còn gây lãng phí cho xã hội. Bởi việc quảng cáo sẽ làm cho xe buýt đẹp, sạch hơn (vì DN chủ xe có tiền và có trách nhiệm để đầu tư, trang trí xe). Ngoài ra, không quảng cáo trên xe buýt còn khiến TP mất đi nguồn lợi về du lịch. “Đến giờ thì không còn bàn về vấn đề lãng phí nữa vì ai cũng thấy, mà phải quy trách nhiệm cụ thể cá nhân, đơn vị gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm”, ông Phạm Sanh nói.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề nghị không nên chỉ quảng cáo trên 10 tuyến với số lượng 156 xe, mà cần cho quảng cáo đại trà trên tất cả xe. Về vị trí, không nên chỉ cho quảng cáo bên ngoài thân xe mà cần cho quảng cáo bên trong xe. Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc makerting của một tập đoàn sản xuất nước giải khát lớn ở VN, cũng đề nghị nên cho quảng cáo rộng rãi trên hệ thống xe buýt chứ không cần phải thí điểm. Việc này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích: không chỉ giảm gánh nặng trợ giá từ ngân sách mà đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về quảng cáo, quảng bá hình ảnh của DN, nhất là trong giai đoạn hội nhập mạnh với thế giới như hiện nay.
“Quảng cáo trên xe buýt, TP.HCM càng chậm trễ chừng nào thì sẽ đánh mất cơ hội của mình chừng đó”, ông Việt nói.
Trợ giá xe buýt ngàn tỉ mỗi năm
Theo HĐND TP, trung bình hằng năm ngân sách TP trợ giá xe buýt hơn 1.000 tỉ đồng. Thế nhưng hiệu quả xe buýt chưa đạt như mong muốn. Lượng khách giảm rõ rệt. TP xác định mục tiêu hết năm 2015, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân TP nhưng hết năm 2015 chỉ đạt 600 triệu lượt khách, chưa đến 10% nhu cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.