Rủi ro giấc mộng định cư ở Mỹ

“Chỉ cần bỏ ra hơn 600.000 USD sẽ được cấp thẻ xanh định cư tại Mỹ ”, lời mời chào hấp dẫn này đã và đang thu hút được nhiều cá nhân bỏ tiền tỉ tham gia.

Chỉ có điều, các công ty này đều “lờ” đi những rủi ro trên con đường thực hiện giấc mộng Mỹ.
Trong tháng 6 vừa qua, nhà chức trách Mỹ thông báo điều tra công ty quản lý vùng bang Vermont và dự án khu phức hợp Jay Peak khi kết quả sơ bộ cho thấy, chủ dự án dùng sai mục đích hơn 200 triệu USD và bỏ túi khoảng 50 triệu USD để tiêu xài cá nhân. Điều này khiến nhiều người đổ vốn vào dự án lo ngại bị mất tiền, trong đó có không ít người Việt. Tất nhiên, giấc mơ định cư theo dạng đầu tư cũng không còn.
Phí “ngốn” hơn 100.000 USD


Các nhà đầu tư tại VN không biết ai đang quản lý dự án mình đầu tư và ai đang quản lý tiền của mình. Câu chuyện tại khu dự án Jay Peak đã cho thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư có thể gặp trong việc đầu tư ra nước ngoài

TS Nguyễn Văn Thuận

Trong vai người đang có nhu cầu và tìm hiểu về hoạt động đầu tư định cư tại Mỹ theo chương trình EB-5, chúng tôi đã được nhân viên công ty I. đặt văn phòng tại Q.1 (TP.HCM) giới thiệu một dự án bất động sản và gọi đây là “cơ hội có 1 không 2”, bởi dự án này được bảo lãnh hoàn trả toàn bộ số tiền đầu tư cho khách hàng sau thời hạn 5 năm.
Cụ thể, khách hàng sẽ đầu tư vào dự án này dưới hợp đồng cho vay vốn là 500.000 USD (hơn 11 tỉ đồng), kèm theo phí quản lý dự án 50.000 USD (hơn 1,1 tỉ đồng) và nhận được mức lãi suất cam kết là 0,25%/năm. Sau thời gian 5 năm, khách hàng sẽ được hoàn trả số tiền 500.000 USD cho vay. “Nếu như một nhà gồm bố mẹ và 2 con, thì cứ tính trên đầu người là hơn 100.000 USD mà có được thẻ xanh là lời to rồi. Dự án này rẻ hơn so với các chương trình như du học, đăng ký kết hôn...”, nhân viên nói.
Để thuyết phục khách hàng, nhân viên này cho biết chương trình EB-5 đã được chính phủ Mỹ gia hạn đến hết tháng 9.2016 và sau đó có thể sẽ tăng mức đầu tư từ 500.000 USD hiện nay lên khoảng 800.000 USD (hơn 17 tỉ đồng). Đại diện công ty I. khẳng định sau 18 tháng, nếu hồ sơ của nhà đầu tư bị Sở Di trú Mỹ từ chối cấp visa, phía dự án sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đầu tư cho khách hàng trong thời gian 30 ngày, bao gồm cả 50.000 USD phí quản lý dự án hay phí tư vấn cho phía luật sư từ Mỹ và công ty tư vấn... Tương tự, một nhân viên tư vấn của công ty luật N. (TP.HCM) chuyên tư vấn về định cư ở Mỹ cũng hối thúc: “Bây giờ chị tham gia làm hồ sơ thì vẫn kịp cho gói 500.000 USD”.


Chương trình EB-5 được quốc hội Mỹ áp dụng từ năm 1990 với mục tiêu kích thích nền kinh tế Mỹ thông qua việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động Mỹ. Chương trình di cư EB-5 sẽ trao thẻ xanh (cư trú có thời hạn) cho những người nước ngoài đầu tư ít nhất 500.000 USD và tạo ra 10 việc làm ở Mỹ. EB-5 được xác định chỉ dành riêng cho các nhà đầu tư vào trung tâm vùng do Sở Di trú (USCIS) của Mỹ chỉ định.

Tuy nhiên, 500.000 USD chỉ là khoản đầu tư tối thiểu vào các dự án tại Mỹ, còn để hoàn tất hồ sơ, người tham gia sẽ còn phải đóng rất nhiều loại phí khác nhau, tổng cộng lên tới trên 100.000 USD. Đơn cử như 50.000 USD phí quản lý dự án, 20.000 USD (hơn 450 triệu đồng) phí tư vấn làm hồ sơ và 15.000 USD (gần 350 triệu đồng) phí tư vấn của luật sư tại Mỹ, phí dịch thuật bộ hồ sơ từ 1.500 - 2.000 USD (35 - 45 triệu đồng), phí chuyển tiền đầu tư từ VN sang Mỹ hơn 13.700 USD (khoảng 300 triệu đồng)... Tổng cộng, mức phí trọn gói để làm một hồ sơ EB-5 tại công ty I. lên tới 605.000 USD (hơn 13 tỉ đồng). Ở công ty luật N., ngoài suất đầu tư 500.000 USD, nhà đầu tư đóng thêm phí quản lý dự án 50.000 USD, phí luật sư 12.000 USD (hơn 260 triệu đồng). Hai loại phí này sẽ được trả lại 50% nếu hồ sơ không được chấp nhận. Các khoản phí không được hoàn trả gồm phí tư vấn, phí luật sư, phí dịch thuật... vào khoảng 25.000 - 30.000 USD (khoảng 550 - 650 triệu đồng).
Rủi ro “sân sau”
Một luật sư tại TP.HCM phân tích các dự án kêu gọi vốn trong chương trình EB-5 thường thông qua một công ty chịu trách nhiệm quản lý vốn gọi là General Partner (GP), hoạt động độc lập với nhà phát triển dự án. Do đó, tiền của nhà đầu tư không được chuyển thẳng vào dự án mà thông qua Công ty GP. Nói cách khác, nhà phát triển dự án không có mối quan hệ trực tiếp với nhà đầu tư EB-5 và dự án cũng không biết nhà đầu tư là ai. Như vụ khu phức hợp Jay Peak bị điều tra, chủ dự án dùng sai mục đích hơn 200 triệu USD và bỏ túi khoảng 50 triệu USD để tiêu xài cá nhân vì GP được xem như “sân sau” của chủ đầu tư dự án nên họ toàn quyền sử dụng vốn và đây là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư.
Ngoài hình thức đầu tư cho vay vốn vào một số dự án bất động sản như trên, nhà đầu tư có thể rót vốn trực tiếp để làm một cổ đông trong một vài dự án nhỏ như mở nhà hàng, kinh doanh ẩm thực ăn uống nói chung. Nhưng hình thức đầu tư này khá rủi ro cho việc được cấp thẻ xanh 10 năm là khá cao. Nếu 6 tháng nhà hàng thua lỗ thì không thể duy trì việc làm để lấy thẻ xanh dài hạn sau 2 năm. Thực tế tại Mỹ, kinh doanh ẩm thực ăn uống là một trong những ngành có cạnh tranh và rủi ro cao nhất.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận (thuộc Trường ĐH Tài chính - Marketing), từ khâu chứng minh tài sản, tính pháp lý của dự án... đều có rủi ro khiến hồ sơ đầu tư không được chấp thuận dù phải trả nhiều tiền phí. Đặc biệt, việc chuyển tiền sang Mỹ theo những con đường “chui” khiến nhà đầu tư có thể bị mất hoàn toàn số tiền hơn 600.000 USD. “Giả sử mọi việc suôn sẻ, thì không ai dám đảm bảo dự án đó sẽ được vận hành thông suốt trong thời gian 5 năm. Đặc biệt các nhà đầu tư tại VN không biết ai đang quản lý dự án mình đầu tư và ai đang quản lý tiền của mình. Câu chuyện tại khu dự án Jay Peak đã cho thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư có thể gặp trong việc đầu tư ra nước ngoài”, TS Thuận nói.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định rủi ro lớn nhất cho các cá nhân người VN là làm thế nào để chuyển tiền đầu tư vào Mỹ khi không có giấy phép đầu tư? Nhiều công ty tư vấn ở VN sau khi nhận phí môi giới thì xem như hết trách nhiệm, khách hàng có được cấp visa định cư vào Mỹ hay không là một câu chuyện khác. “Ngay cả trong trường hợp đã có visa và được cấp thẻ xanh 10 năm hay lâu hơn, nếu phía Mỹ phát hiện có gian lận sẽ thu hồi thẻ xanh, trục xuất ra khỏi Mỹ hoặc thậm chí bị truy tố vì gian lận nhập cư và rửa tiền”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Mức đầu tư định cư tại Úc, Canada
 Úc có chương trình định cư theo diện visa 188 - Đầu tư và đổi mới kinh doanh. Nhà đầu tư và các thành viên gia đình sẽ được cấp visa tạm trú với thời hạn 4 năm và sau đó có thể gia hạn hoặc được cấp visa thường trú vĩnh viễn. Trong đó, nếu là doanh nhân bảo lãnh thì phải cam kết sở hữu cổ phần tối thiểu 10% tại một doanh nghiệp đang hoạt động tại Úc (nếu đã niêm yết) hoặc sở hữu 30% cổ phần nếu doanh nghiệp đó có hằng năm trên 400.000 AUD... Thứ hai là dạng đầu tư bảo lãnh thì nhà đầu tư phải cam kết đầu tư 1,5 triệu AUD vào trái phiếu bang mà mình được bảo lãnh. Số tiền đầu tư này phải được duy trì suốt thời hạn 4 năm... Thứ ba là đầu tư trọng yếu khuyến khích các nhà đầu tư có khả năng đầu tư tối thiểu 5 triệu AUD vào các khoản đầu tư theo chỉ định của chính phủ Úc.
Một số tỉnh bang của Canada cũng có chương trình khuyến khích đầu tư định cư cho người nước ngoài nhưng số lượng đơn mỗi năm được xét duyệt khá hạn chế. Như chương trình nhập cư Quebec 2016 yêu cầu nhà đầu tư phải sở hữu tổng tài sản trị giá tối thiểu 1,6 triệu CAD, cam kết khoản đầu tư trị giá 800.000 CAD trong thời gian 5 năm, có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm quản lý cấp cao trong 5 năm gần nhất ở một doanh nghiệp tư nhân...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.