Thành phố may mặc Ấn Độ và tham vọng vượt Việt Nam, Trung Quốc

02/09/2016 14:02 GMT+7

Nhà sản xuất quần áo Ấn Độ T.R. Vijaya Kumar cho rằng đây là thời điểm để quốc gia Nam Á vượt lên trên Việt Nam, Bangladesh và thậm chí Trung Quốc trong ngành công nghiệp dệt may thế giới.

Theo Bloomberg, T.R. Vijaya Kumar là người chuyển mình hoạt động kinh doanh áo lót nhỏ của gia đình tại miền nam Ấn Độ thành hãng xuất khẩu hàng dệt may có 1.700 nhân viên, đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh số đến năm 2020. Khi nhắc đến quê nhà Tiruppur - vốn thường được gọi là thủ đô hàng dệt kim ở Ấn - tham vọng của ông Kumar thậm chí còn lớn hơn: tăng gấp ba lượng hàng xuất khẩu và tạo ra 500.000 việc làm mới.
“Trung Quốc kế tiếp sẽ là thành phố Tiruppur. Chi phí sản xuất đi lên ở Trung Quốc. Họ đang dần loại bỏ dệt may. Cơ hội sẽ đi đến các nước khác, vì thế chúng tôi cần nắm bắt nó”, ông Kumar nói tại văn phòng công ty CBC Fashions của ông.
Vấn đề ở đây là các quốc gia châu Á khác đang bỏ xa nước này. Xuất khẩu dệt may 17 tỉ USD của Ấn Độ chỉ bằng khoảng một nửa so với Bangladesh hồi năm ngoái, còn 3,7% thị phần thị trường toàn cầu thì đứng sau con số 5,1% thị phần của Việt Nam.
Ông T. R. Vijaya Kumar Bloomberg
Thu hẹp khoảng cách là chuyện quan trọng: May mặc là một ngành công nghiệp dùng nhiều lao động, trong lịch sử từng giúp nhiều nền kinh tế đang phát triển chuyển mình khỏi nông nghiệp. Kinh tế Ấn Độ cần tạo ra 80 triệu việc làm đến năm 2025 để theo kịp với dân số trẻ đang phát triển nhanh.
Đến nay, thất bại lớn nhất của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là ông không có khả năng thúc đẩy công ăn việc làm. Chính phủ của ông gần đây công bố gói hỗ trợ 1 tỉ USD dành cho các nhà sản xuất quần áo và dệt may, bao gồm các khoản trợ cấp thuê mướn, hoàn thuế và nới lỏng các quy định làm thêm giờ với mục tiêu tạo ra 10 triệu việc làm, thúc đẩy xuất khẩu thêm 30 tỉ USD trong ba năm tới. ICRA, doanh nghiệp địa phương của Moody’s Investors Service cho rằng mục tiêu trên đầy thách thức khi nhu cầu ở các nước nhập khẩu đang chậm lại.
“Cánh cửa sổ cơ hội đang hẹp và Ấn Độ cần hành động nhanh nếu họ muốn lấy lại khả năng cạnh tranh và thị phần trong ngành may mặc”, cố vấn kinh tế Arvind Subramanian của Bộ Tài chính Ấn Độ và Rashmi Verma, Bộ trưởng Dệt may Ấn Độ, cho biết. Thêm vào thách thức trên là vết nhơ trong danh tiếng của ngành. Tháng trước, hãng Target chấm dứt hoạt động làm ăn 90 triệu USD với Welspun India vì hãng dán nhãn khăn trải giường rẻ hơn là loại vải cotton Ai Cập cao cấp.
Nước nào là "Trung Quốc mới" trong xuất khẩu hàng may mặc? Bloomberg
Một nhược điểm chính đối với dệt may Ấn Độ là năng suất lao động, vốn thấp hơn gần ba lần so với Trung Quốc. Điều này xuất hiện một phần vì các nhà sản xuất quần áo có xu hướng không đăng ký và nhỏ hơn so với các nước cạnh tranh, hạn chế việc sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại và năng lực nhận nhiều đơn hàng lớn, theo nghiên cứu sẽ được tạp chí Asian Economic Policy Review công bố.
Khoảng 78% công ty Ấn Độ tuyển dụng ít hơn 50 lao động, trong khi ở Trung Quốc, chỉ có 15% doanh nghiệp như thế, theo ông Subramanian. Điều này có nghĩa là rất nhiều trong số họ vẫn nằm dưới ngưỡng thuế và quy định của chính phủ, thường được giới chuyên gia gọi là nền kinh tế “không chính thức”. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Bangladesh có số nhân công may mặc được tuyển dụng chính thức nhiều hơn 15 lần so với số nhân công may mặc không chính thức, trong khi số liệu này ở Ấn chỉ là gấp 7 lần.
Một trong những chủ doanh nghiệp dệt may nhỏ ở Ấn Độ là Venkatachalam Babu, người điều hành hoạt động kinh doanh dùng 12 nhân viên, trong đó có 2 thành viên gia đình. Công ty của ông sản xuất đồ lót và quần trẻ em từ vải thừa ông mua từ các nhà xuất khẩu. Vì thị trường ngoại quốc là ngoài tầm với, Babu muốn nhanh chóng mở rộng thị trường nội địa. Song ông chia sẻ: “Chúng tôi muốn phát triển lớn, nhưng vấn đề là thiếu lao động”.
Xưởng may mặc ở Ấn Độ Bloomberg
Câu nói này có thể gây ngạc nhiên khi Ấn Độ là quốc gia có hơn 1,2 tỉ người. Trăn trở của Babu cũng được bốn nhà sản xuất ở Tiruppur lặp lại. Kế hoạch hành động của ông Kumar gọi thực trạng thiếu lao động tay nghề cao là “mối đe dọa lớn nhất cho sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may” và đề nghị xây dựng 100.000 ngôi nhà, ký túc xá cho 300.000 người.
Vẫn còn một lý do nữa cản bước Ấn Độ. Tập trung vào sản phẩm may mặc bông hạn chế mức tiếp cận của họ vào thị trường quần áo mùa đông, trong khi bên mua cho rằng quốc gia Nam Á chậm hơn và ít tin cậy hơn vào Việt Nam hay Trung Quốc, theo báo cáo của WB. Ở nước láng giềng Bangladesh, hàng may mặc chiếm 80% lô hàng xuất khẩu và mức lương tối thiểu hằng tháng ở đây thấp hơn 30% so với lương ở Ấn là 105 USD. Các nhà xuất khẩu ở Bangladesh cũng không phải trả thuế cho Liên minh châu Âu (EU).
Dù vậy, các chủ doanh nghiệp như ông Kumar vẫn kỳ vọng: “Để cạnh tranh, chúng tôi cần đưa startup mới tới Ấn Độ, chúng tôi cần giảm chi phí hoạt động. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang yêu cầu Thủ tướng tổ chức cuộc họp ở New Delhi. Cũng như ở Tiruppur, chúng tôi cần tạo ra nhiều cụm sản xuất hơn ở Ấn Độ”.
Ông Venkatachalam Babu Bloomberg
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.