Thị trường tài chính-tiền tệ: Lãi suất tăng, mừng hay lo?

04/07/2006 10:29 GMT+7

Thị trường tài chính - tiền tệ trong nước 6 tháng đầu năm nay đang chịu tác động trực tiếp từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất USD. Đến nay hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn để giữ chân khách hàng.

Vốn thừa, lãi suất vẫn tăng

Mặc dù các ngân hàng thương mại quốc doanh đã từng thỏa thuận thống nhất về lãi suất như khống chế mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng không vượt quá 0,7%/tháng và 6 tháng là 0,65%/tháng nhưng đến nay có không ít ngân hàng đã vượt rào.

So với đầu năm, lãi suất VNĐ tăng 0,06% đến 0,18%/năm ở tất cả các kỳ hạn huy động vốn; lãi suất ngoại tệ tăng từ 0,1%-0,5%/năm. Các mức kỳ hạn không cam kết (13 tháng, 7 tháng, 5 tháng...) liên tục được các ngân hàng đẩy lên. Nhiều ngân hàng còn đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi như kỳ phiếu, trái phiếu… với mức lãi suất hấp dẫn để thu hút nguồn tiền gửi.

Nắm bắt tâm lý khách hàng, nhiều ngân hàng còn rộng tay mở các chương trình khuyến mãi với giải thưởng, quà tặng hấp dẫn cho khách hàng mở sổ tiết kiệm mới, hoặc có sổ tiết kiệm đáo hạn và gửi lại. Sau gần 2 tháng triển khai chương trình khuyến mãi đợt 1 vui cùng World Cup, Eximbank đã huy động gần 650 tỷ đồng và đợt 2 (sau 3 tháng) Eximbank huy động được trên 816 tỷ đồng. Và kể từ 3/7, Eximbank quyết định tăng lãi suất huy động tiền gửi USD đối với cá nhân ở tất cả các kỳ hạn với mức tăng thêm 0,25% - 0,6%/năm so với biểu lãi suất cũ.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, 6 tháng đầu năm nay hoạt động tín dụng trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng theo xu hướng chậm dần so với các năm trước đây. Dư nợ tín dụng tăng 8,1% so với đầu năm nhưng so với 6 tháng cùng kỳ là 15%. Huy động vốn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao cho thấy tình trạng vốn khả dụng của các ngân hàng đang dư thừa song lãi suất trên thị trường vẫn tăng cao. Việc các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất là điều dễ hiểu vì từ lâu có sự chênh lệch lãi suất giữa khối ngân hàng quốc doanh và cổ phần, đã khiến một nguồn vốn huy động đáng kể bị chuyển dịch. Nhiều ngân hàng thừa nhận đôi khi chưa muốn tăng lãi suất, song để tránh tình trạng khách hàng bỏ sang ngân hàng khác, họ buộc phải chỉnh sửa chính sách của mình.

Cạnh tranh lãi suất: Lợi và hại

Đúng như dự đoán của các chuyên gia, tối 29/6/2006, FED đã quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25%, lên mức 5,25%. Đây là lần thứ 4 từ đầu năm đến nay FED tăng lãi suất USD để kiềm chế lạm phát. Điều này sẽ tiếp tục tạo sức ép khiến các ngân hàng trong nước phải điều chỉnh lãi suất USD tương ứng. Hiện nay các ngân hàng trong nước đã tăng lãi suất ngoại tệ nhưng vẫn còn thấp hơn lãi suất của FED.

Nếu các ngân hàng tăng sớm, họ có cơ hội huy động được vốn giá rẻ. Giới ngân hàng nhận định với việc tăng lãi suất, ưu thế của USD đang ngày càng rõ dần. Tốc độ huy động vốn bằng ngoại tệ chắc chắn sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Mặt khác lãi suất ngoại tệ cũng gây sức ép, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động tiền đồng nếu không muốn có sự chuyển dịch từ tiền đồng sang ngoại tệ.

Bên cạnh đó, theo quy luật vào thời điểm cuối năm các doanh nghiệp sẽ bước vào chu kỳ sản xuất kinh doanh trọng điểm. Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và dân cư thường tăng rất mạnh. Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng, các ngân hàng phải tìm mọi cách để tăng vốn huy động, và tăng lãi suất là biện pháp thường được các ngân hàng sử dụng.

6 tháng đầu năm nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất chủ đạo, trong đó lãi suất cơ bản duy trì ở mức 8,25%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ của các ngân hàng tăng thêm 0,12%-0,24%/năm, trong đó lãi suất cho vay tăng thấp hơn lãi suất huy động. Theo ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, nhìn chung vốn huy động qua các ngân hàng tăng cao do nhà nước điều chỉnh việc thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp, trong đó có chính sách điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi qua ngân hàng nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên việc tăng lãi suất của FED sẽ là áp lực rất lớn đối với lãi suất trong nước, nhất là đối với lãi suất nội tệ. Vì vậy, các ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này qua việc phân tích, dự báo để có thể chủ động kế hoạch kinh doanh hiệu quả. “Cạnh tranh là động lực phát triển của các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên cũng cần hạn chế hiện tượng cạnh tranh về lãi suất để thu hút khách hàng tiền gửi, vay tiền… Vì chính điều này sẽ làm giảm hiệu quả chung của hoạt động ngân hàng và người phải gánh chịu cuối cùng là các doanh nghiệp và nền kinh tế….” - ông Minh nói.

Theo Thanh Thiên/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.