Tự tạo cơ hội: Nuôi cá chình trong bể xi măng

15/09/2016 05:42 GMT+7

Mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng của ông Trần Văn Tin dù đang trong giai đoạn nuôi thử nghiệm song đem lại hiệu quả kinh tế khá lớn.

Ông Trần Văn Tin (49 tuổi, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam) nói về cơ duyên đến với con cá chình: “Một lần xem chương trình nhà nông làm giàu, tôi thấy mô hình nuôi cá chình rất có hiệu quả trong bể xi măng, nên thử làm. Ban đầu, tôi bàn với vợ mạnh dạn đầu tư hơn 50 triệu đồng xây 3 bể xi măng trong vườn nhà để nuôi cá”.

tin liên quan

Tự tạo cơ hội: Nuôi lươn, chình trên cát
Với lợi thế là vùng biển, có nguồn thủy hải sản tươi phong phú, rẻ... cùng với diện tích vườn rộng, anh Hồ Phú bỏ ra hơn 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống bể nuôi hơn 150 m2 để nuôi lươn và cá chình thương phẩm.
Ông Tin cho biết 3 bể xi măng có tổng diện tích gần 200 m2, thả nuôi 20 kg giống cá chình. Cá giống chủ yếu lấy từ tự nhiên, chưa sinh sản nhân tạo thành công ở nước ta nên việc tìm giống loại cá này là rất khó. Vì vậy, ông phải đích thân vào tận Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Nha Trang mua con giống.
Cũng theo ông Tin, cá chình có đặc tính là sống dưới tầng đáy, sau khi ăn thì ngủ. Với đặc điểm sống về đêm nên hầu như ban ngày cá không bao giờ xuất hiện. “Chúng thường ăn vào 5 giờ sáng và 19 giờ tối, chỉ ăn trong vòng 1 giờ đồng hồ. Vì vậy khi xây bể nuôi cá chình, người nuôi thường phải bỏ các ống nước rộng để cá chình cư trú”, ông Tin chia sẻ.
Để tránh chất tạp gây ô nhiễm, ông Tin cho nước qua một bể lọc, lắng trước khi đưa vào bể nuôi. Bể nuôi phải đảm bảo luôn luôn không được thiếu hoặc thừa nước, thiếu ô xy. Trên bể có mái che, có lưới để giảm bức xạ, xung quanh có che chắn để ánh nắng không rọi vào nhiều, ban đêm cá chình thường ra khỏi hang đi ăn khắp bể nên có thể tranh thủ sục khí 100% để cung cấp ô xy cho chúng.
Ngoài ra, phân thải, thức ăn thừa lắng ở đáy mỗi ngày ông đều dùng bàn cào gom lại và xả ra ngoài để giữ môi trường nước trong lành. Sau mỗi lần loại bỏ tạp chất, phải cho vào bể 20% nước vốn có, đảm bảo độ trong của nước luôn ở mức 40%. Cứ 5 - 7 ngày là phải tiến hành thay nước bể một lần để hạn chế tảo sinh sôi nảy nở gây thiếu hụt nguồn ô xy cho cá.
Sau gần 3 tháng nuôi, nhờ chịu khó cần cù, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cá chình được chăm sóc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nên phát triển khá nhanh. Hiện tại, đàn cá chình có trọng lượng trung bình 2,5 lạng/con. “Do mới nuôi thử nghiệm, để tránh rủi ro, tôi chọn mua giống có trọng lượng 20 con/kg với giá 1,5 triệu đồng để dễ chăm sóc. Sau thời gian nuôi khoảng 4 - 5 tháng thì phải tách đàn, phân loại những con lớn nhỏ để dễ chăm sóc, đảm bảo sao cho 1 m2 có 5 - 6 con sinh sống. Cá chình là loại rất dễ nuôi, ít dịch bệnh hơn so với một số loại cá khác, sau một năm nuôi có thể đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg/con”, ông Tin chia sẻ.
Cũng theo ông Tin, thời gian một tháng đầu thì thức ăn chính của cá là bột công nghiệp, khoảng hơn một tháng sau có thể cho ăn cá tạp, tôm tép được cắt nhỏ, phù hợp với trọng lượng của cá. “Tôi vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm nên đến nay đàn cá vẫn phát triển tốt, chưa có dấu hiệu gì đáng lo ngại cả. Cá nuôi từ 7 - 9 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng 1 - 1,5 kg/con”, ông Tin nói và cho biết thêm Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Nha Trang đã cam kết đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá 400.000 - 450.000 đồng/kg. Với mức giá này và nuôi với số lượng như hiện tại, trừ chi phí ông có thể thu về hơn 500 triệu đồng/năm.
Hiện nuôi cá chình đang có triển vọng lớn mang lại hiệu quả kinh tế, nên mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng của ông Trần Văn Tin đang là địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Nếu bạn đọc có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm có thể đến địa chỉ: thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam. Điện thoại liên hệ: 01676617770.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.