Tự tạo cơ hội: Nuôi cá trong bể xi măng

Từ hộ nghèo, bà Lê Thị Sim đã vươn lên làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt trong bể xi măng.

Cũng giống như bao gia đình khác ở địa phương, vợ chồng bà Sim ở thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, H.Tuy An, Phú Yên) trước kia chỉ làm ruộng và quanh năm cái nghèo đeo bám. Cho đến một lần, bà Sim theo bạn bè đi làm thuê ở H.Phú Hòa (Phú Yên), thấy người dân ở đây phát triển mô hình nuôi cá trê, cá lóc trong hồ xi măng có thu nhập khá, nên về bàn với chồng chuyển hướng làm ăn.
Năm 2004, vợ chồng bà xây một cái hồ khoảng 20 m2, mua cá trê giống về thả nuôi, sau 4 tháng xuất bán, lãi được 7 triệu đồng. Thấy có thu nhập nên vợ chồng bà xây thêm 2 hồ và nuôi thêm cá lóc. Bình quân sau một vụ nuôi khoảng 6 tháng đối với cá lóc và hơn 3 tháng đối với cá trê, gia đình bà thu lãi gần 20 triệu đồng. Liên tiếp nhiều vụ nuôi, vụ nào cũng trúng nên vợ chồng bà mạnh tay đầu tư mở rộng quy mô. Sau 12 năm phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, hiện gia đình bà có tất cả 15 hồ nuôi với tổng diện tích khoảng 700 m2. Trong đó, 2 hồ chuyên để nuôi ươm cá giống, 4 hồ cá lóc, còn lại để nuôi cá trê.

tin liên quan

Nuôi cá tra trong bể xi măng
Điểm khác biệt quan trọng giữa ao nuôi theo dự án trên với ao nuôi truyền thống là áp dụng công nghệ tuần hoàn nước và sục khí ô xy trong ao, hệ thống lọc sinh học...
Theo bà Sim, sở dĩ dành riêng 2 hồ để ươm cá giống vì giai đoạn này cá còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên phải tách nuôi để dễ chăm sóc, giảm tỷ lệ hao hụt. Ngoài ra, để nuôi cá thành công, việc đảm bảo môi trường nước trong hồ không bị ô nhiễm là rất quan trọng. Vì vậy, bà đã đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước đến tận các hồ. Trong đó, hồ nuôi cá lóc mỗi ngày thay nước 2 lần. Đặc biệt, nguồn nước thải từ các hồ nuôi cá lóc sẽ được đưa qua hồ nuôi cá trê, cách làm này giúp tận dụng hết nguồn thức ăn còn thừa. Nhờ vậy, khi cho cá ăn, có thể tăng lượng thức ăn nhiều hơn, giúp cá mau lớn.
Hiện nay, mỗi vụ nuôi, bà Sim thả khoảng 12.000 con cá lóc giống và khoảng 200 kg cá trê giống. Sau 6 tháng nuôi thu hoạch được 1 lứa cá lóc với sản lượng khoảng 2 tấn. Còn cá trê nuôi 3 tháng/lứa, xuất bán quanh năm, ước sản lượng khoảng 6 tấn/năm. Bà Sim tâm tình: “Nhờ tôi có thâm niên nuôi cá nên các thương lái tìm đến tận nhà mua và cũng nhờ đó mà hiện giờ đầu ra ổn định. Cá lóc có giá 55.000 đồng/kg, cá trê 35.000 đồng/kg thu mua tại nhà. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng”.
Không dừng lại ở đó, vừa rồi, khi H.Tuy An triển khai mô hình nuôi chình bông nước ngọt trong hồ xi măng, bà Sim cũng tiên phong nuôi thử nghiệm. Hiện bà dành ra 4 hồ lớn để nuôi 15 kg chình giống. Để hội đủ tiêu chuẩn tham gia mô hình, bà đã cải thiện lại hồ đạt độ cao cần thiết, đáy hồ cho lót bùn, lắp đặt hệ thống sục bọt khí tạo ô xy, hệ thống mái che... Chình lớn khá nhanh nhưng chi phí nuôi cao vì loài cá này rất kén ăn, chỉ ăn ròng cá rô phi hoặc trùn quế. Sau gần 10 tháng nuôi, chình đạt trọng lượng từ 0,8 - 1 kg/con, trọng lượng bình quân của một con chình thương phẩm có thể đạt 2 - 3 kg (sau 2 năm nuôi). Theo bà Sim, để chình phát triển tốt, ngoài việc đảm bảo nguồn thức ăn, người nuôi phải thường xuyên theo dõi màu nước, bình quân khoảng 3 - 5 ngày nên thay nước một lần. Lượng nước thay ra khoảng một nửa mực nước hồ. Nếu giá chình thương phẩm ổn định ở mức 460.000 đồng/kg như hiện nay thì nuôi chình bông sẽ cho lợi nhuận cao hơn nuôi cá lóc và cá trê.
Ông Biện Ngọc Min, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ, nhận xét: Từ một hộ nghèo ở địa phương, bà Sim đã biết chuyển đổi cách làm ăn, vươn lên làm giàu từ nghề nuôi cá nước ngọt. Đây là mô hình điểm để nhiều hộ dân ở địa phương học tập làm theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.