Vì ông Trump nhiều doanh nghiệp Mỹ phải đi giữa lằn ranh mỏng manh

06/02/2017 13:05 GMT+7

Khi Starbucks hứa sẽ thuê 10.000 người tị nạn, những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tẩy chay. Khi Uber bị cáo buộc lợi dụng sắc lệnh của Tổng thống để làm lợi, người dùng ồ ạt bỏ dùng ứng dụng.

Hai ví dụ trên cho thấy việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ. Mối bất hòa này buộc nhiều doanh nghiệp phải đi giữa lằn ranh mỏng manh.
“Nhiều doanh nghiệp từng rất cố gắng để giữ thế trung lập giờ đây không còn làm được như thế. Vấn đề lớn nhất là bất cứ điều gì họ nói đều có thể bị hiểu sai”, chuyên gia thương hiệu Bruce Turkel cho biết.
Một ví dụ là nhà sản xuất đồ thể thao New Balance. Hãng bị kéo vào ''tâm bão'' sau khi CEO Matt LeBretton lên tiếng một cách đầy lạc quan sau cuộc bầu cử. “Chúng tôi cảm thấy mọi thứ đang đi đúng hướng”, ông LeBretton phát biểu. Câu nói này làm cư dân mạng Twitter phẫn nộ. Nhiều người dùng Twitter kêu gọi tẩy chay mạnh New Balance, buộc thương hiệu phải bước vào kiểm soát thiệt hại.
“Với tư cách là những người sản xuất giày cho các khách hàng mang nó, chúng tôi tin vào hành động dựa trên sự toàn vẹn tối đa và hoan nghênh tất cả các tầng lớp trong xã hội”, công ty cho biết.
Hãng nước giải khát PepsiCo cũng vấp phải phản ứng dữ dội tương tự theo hướng ngược lại. Hai ngày sau khi có kết quả bầu cử, CEO PepsiCo Indra Nooyi nói rằng toàn bộ nhân viên hãng “đang trong cảnh tang tóc”. Phản ứng đến ngay lập tức khi trang web bảo thủ là The Gateway Pundit viết : “Đây có thể là thời điểm tốt để bỏ qua các sản phẩm của Pepsi”.
CEO PepsiCo Indra Nooyi Reuters
Những lời kêu gọi tẩy chay thường ồn ào trên các diễn đàn internet như Reddit và 4Chan, cũng như trên mạng xã hội Facebook và Twitter. Một số nguồn khác thì đưa ra các đợt phản đối có vẻ chỉn chu hơn.
Trang The Grab Your Wallet là một ví dụ. Ra mắt vào tháng 10, trang lập ra danh sách các doanh nghiệp bị nghi ngờ là ủng hộ ông Trump vì lãnh đạo doanh nghiệp đóng góp vào chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ hoặc vì hãng có làm ăn với gia đình ông Trump. Danh sách “tẩy chay” dài đó có chuỗi cửa hàng Macy’s, chuỗi bán lẻ Walmart và hiệu bia Yuengling.
“Các thương hiệu luôn có tính chính trị, song bây giờ người tiêu dùng có thể nhìn thấy nhiều hoạt động dạng này hơn và đang đưa ra quyết định dựa trên thông tin này”, theo nhà đồng sáng lập The Grab Your Wallet Shannon Coulter.
Dù vậy việc đánh giá tác động của đợt tẩy chay là khá khó vì lời kêu gọi đưa vào danh sách đen các doanh nghiệp cụ thể thường bị lạc giữa vô vàn thông tin trên mạng xã hội. “Người tiêu dùng có trí nhớ cực kỳ ngắn”, chuyên gia tiếp thị Merry Carole Powers cho biết.
Dù vậy, một số công ty lại sợ sẽ mất khách nếu tiếp tục giữ im lặng. Nordstrom, chuỗi cửa hàng bán lẻ, mới đây thông báo sẽ ngừng bán dòng sản phẩm thời trang của con gái lớn ông Trump, bà Ivanka Trump.
Logo Uber và Lyft Reuters
Chuyên gia thương hiệu Bruce Turkel cho hay: “Nếu bạn im lặng, bạn sẽ không có được gì. Bạn phải tìm ra đối tượng của bạn là ai và giá trị của họ là gì”. Theo nhận định này, Uber có vẻ như đã tìm ra chiến lược.
Trước tiên, Uber tách biệt doanh nghiệp ra khỏi sắc lệnh cấm tạm thời người tị nạn và khách du lịch đến từ các quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi nhập cảnh vào Mỹ. Song sau đó hãng bị chỉ trích vì cáo buộc tận dụng cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm của tài xế taxi New York, hứng chịu làn sóng hủy đăng ký. Khi tài xế taxi đình công từ chối đón khách tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy, Uber không những tiếp tục hoạt động mà còn giảm giá.
Lyft, hãng đối thủ của Uber, nhanh chóng đứng ngoài chuyện ủng hộ lệnh cấm của Tổng thống Mỹ. Công ty cam kết tặng 1 triệu USD cho Liên minh Tự do Dân sự Mỹ, nhóm đệ đơn kiện chống lại sắc lệnh của ông Trump. Chiến lược này đem lại kết quả: ứng dụng Lyft lần đầu tiên được tải nhiều hơn Uber trên nền tảng iOS.
CEO Uber Travis Kalanick sau đó cố gắng xoay chuyển tình hình bằng cách rời nhóm tư vấn kinh doanh của ông Trump, cho hay “sắc lệnh làm tổn thương nhiều cộng đồng trên khắp nước Mỹ”.
Nhiều thương hiệu khác cũng đang dần lên tiếng. Đơn cử, hãng bia lớn Budweiser dự kiến sẽ phát sóng quảng cáo dựa trên câu chuyện nhập cư, nhắm đến những khó khăn mà nhà sáng lập người Đức của hãng từng đối mặt khi ông vừa đặt chân đến Mỹ hồi thế kỷ 19.
Phía nam biên giới Mỹ, xu hướng tiêu dùng lại ít bị chia rẽ hơn. Ở Mexico có một cuộc vận động kêu gọi người dân tẩy chay toàn bộ hàng mang hiệu Mỹ để phản đối các biện pháp chống lại Mexico của Tổng thống Donald Trump.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.