TNO

Kinh nghiệm bay khỏe

04/05/2014 11:33 GMT+7

(iHay) Bên cạnh mệt mỏi, máy bay đôi khi khiến bạn nhiễm bệnh bởi nhiều nguy cơ dưới đây.

(iHay) Không chỉ làm bạn mệt mỏi, máy bay đôi khi khiến bạn nhiễm bệnh ngay khi còn chưa kịp háo hức đặt chân tới vùng đất mới.

Bay khỏe 1 

Một số lưu ý dưới đây, do các chuyên gia về y tế và hàng không đưa ra, đăng tải trên trang web y tế webMD và báo Medical Today sẽ giúp bạn khởi đầu các chuyến du lịch xa một cách thuận tiện hơn, khỏe khoắn hơn.

Bước vào thiên đường... vi khuẩn

Một cuộc nghiên cứu từng được đăng tải trên tạp chí nghiên cứu sức khỏe môi trường cho thấy, “cơ hội” để lây cảm trên máy bay ở mức cao hơn bình thường đến 100 lần. Nơi dễ “dính chưởng” nhất vẫn là những chỗ có nhiều người rờ tay vào nhất, chẳng hạn nắm đấm ở cửa buồng vệ sinh, vòi nước, nút xả bồn cầu... Hãy dùng một miếng khăn giấy khi chạm những chỗ đó, nhất là sau khi bạn đã rửa tay xong. Tương tự, hãy tránh chạm vào các thành ghế khi đi về chỗ. Nếu bạn không thể tránh, hãy rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn ngay. Nếu bạn đang bị cảm, hãy hắt hơi vào cánh tay thay vì bàn tay, khi xì mũi hãy dùng khăn giấy và nhớ rửa sạch tay bằng xà phòng ngay sau đó để giảm lây lan.

Việc ngồi san sát với người khác trong một quãng thời gian rất lâu, có khi lên đến vài chục giờ cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu một người bị cảm cúm ngồi cách bạn 3 ghế mà ho về bất kỳ hướng nào, bạn cũng có nguy cơ lây bệnh. Hãy dùng dung dịch nước muối xịt mũi trước và sau chuyến bay. Các chuyên gia y tế giải thích không khí quá khô trên máy bay làm khô màng nhầy trong mũi, từ đó làm giảm khả năng đề kháng trước viêm nhiễm của mọi người. Hãy dùng nước muối để giữ ẩm mũi. Vitamin C cũng giúp gia tăng sức đề kháng.

Coi chừng yếu trước khi kịp chơi

Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc liệu đi máy bay, nhất là trên các chuyến đường dài có làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hay không. Đó là chứng bệnh có thể gây tử vong do cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu, phổ biến nhất là ở chân. Cũng giống như bạn, máu đông cũng thích... đi du lịch, lần này là thám hiểm lá phổi, làm tắc mạch phổi. Một số cuộc nghiên cứu chứng minh rằng nguy cơ DVT tăng gấp đôi ở những chuyến bay dài từ 4 giờ trở lên. Nguyên nhân quan trọng nhất là do việc bất động quá lâu ở một tư thế, vậy nên chứng bệnh còn có cái tên “hội chứng vé máy bay hạng phổ thông” này cũng xảy ra trên những chuyến tàu xe đường dài. Hãy tranh thủ đi lại trên máy bay và đừng ngồi nhiều trong thời gian chờ transit. Loại vớ y khoa bó chặt có thể làm giảm nguy cơ DVT. Uống nhiều nước là một lời khuyên hữu ích khác, bởi ngoài chuyện nó giúp bạn đối phó với không khí rất khô trên máy bay, nó còn khiến bạn thường xuyên phải... vào nhà vệ sinh, có nghĩa là bạn đang vận động.

Bay khỏe 1 

Nguy cơ DVT sẽ tăng cao ở những người trên 60 tuổi, từng mắc chứng bệnh này, trong gia đình có người từng mắc, béo phì, đang mang thai, vừa mới mổ... Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn thuộc nhóm kể trên và sắp đi máy bay đường dài.

Thể dục máy bay

Gợi ý trên nghe có vẻ kỳ quặc và khó thực hiện nhưng không phải là không thể. Vận động không những làm giảm nguy cơ máu vón cục mà còn giúp bạn giảm đau nhức, giảm mỏi mệt, giảm stress và sự chán nản thường thấy trên các chuyến bay dài. Nhiều hãng hàng không đã đưa khuyến cáo vận động và kéo giãn cơ thể trong hướng dẫn bay của họ. Các bài tập đơn giản như luân phiên nhấc gót chân/ngón chân lên xuống, nhấc cẳng chân, đùi lên/xuống cũng giúp tăng cường lưu thông máu, từ đó giảm máu vón cục. Ngoài ra, hãy chọn chỗ thích hợp, chẳng hạn khoảng không gần toilet để đứng nhón gót.

Lưng là nơi thường phải “chịu trận” nhiều nhất khi bạn phải ngồi quá lâu. Hãy kéo giãn cột sống bằng cách cúi ngực xuống về phía đùi, giữ trong 5 giây rồi từ từ ngồi thẳng dậy. Lập lại vài lần mỗi giờ đồng hồ. Để tập tay, hãy đưa tay song song về phía trước, thả lỏng bàn tay gập xuống, sau đó nắm chặt tay lại, giữ trong vài giây. Bung mạnh các ngón tay ra, xòe rộng các ngón hết cỡ rồi lại nắm chặt tay.

Cài 2 tay lại với nhau ở sau đầu, khuỷu tay mở rộng về phía hai bên. Từ từ kéo khuỷu tay về phía sau để vận động phần vai. Hãy tranh thủ tập động tác này khi vị khách ngồi bên cạnh bạn rời khỏi ghế hoặc tại những khoảng trống trên máy bay. Để tập cổ, tiếp tục cài 2 tay ở sau đầu, từ từ kéo đầu về phía ngực trong khi giữ thẳng lưng. Hãy kéo đến khi bạn cảm nhận sự kéo căng ở sau gáy, giữ lại vài giây trước khi từ từ ngẩng đầu lên. Lặp lại vài lần như thế.

Sợ bay

Hội chứng này phổ biến hơn bạn tưởng. Nhiều hãng hàng không đã tổ chức các khóa học về cách đối phó với hội chứng này. Bạn có thể tham khảo trên mạng. Đừng choáng ngợp về các vụ tai nạn máy bay ồ ạt trên

báo chí. Đó thật ra vẫn là loại phương tiện thuộc loại an toàn nhất. Vấn đề chỉ là máy bay rơi luôn là đề tài khai thác triệt để của báo giới, trong khi tai nạn với các loại phương tiện giao thông khác thì không.

Hãy kéo bản thân ra khỏi nỗi sợ hãi bằng cách nghe nhạc, xem phim, chơi game, nói chuyện với các hành khách khác, ăn uống thay vì căng thẳng nghe tiếng động cơ, theo dõi thời tiết, lịch trình chuyến bay... Thư giãn bằng cách tập trung vào hơi thở mỗi khi quá căng thẳng cũng rất hữu ích.

Đổi múi giờ

Đó là điều rất khó chịu với nhiều người, nhất là khi sự chênh lệch múi giờ quá lớn. Nếu có thể, hãy dần dần điều chỉnh theo múi giờ ở điểm đến từ vài ngày trước khi bạn lên máy bay. Ở điểm đến, hãy cố gắng ở ngoài trời càng nhiều càng tốt vào ban ngày. Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp cơ thể bạn điều chỉnh đồng hồ sinh học. Viên hoóc môn bổ sung melatonin có thể giúp cải thiện sự khó chịu này.

Cuối cùng, nếu bạn dễ say xe, gừng có thể giúp ích. Còn nếu bạn bị ù tai, đau tai do thay đổi độ cao, áp lực không khí, nhai kẹo cao su, ngáp hoặc dùng các loại dược phẩm làm thông mũi, nước muối có thể cải thiện tình hình.

Kiều Oanh
Ảnh: Shutterstock

>> Những sao Việt khoái ghế thương gia khi đi máy bay
>> Sao Hollywood kể chuyện thót tim khi đi máy bay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.