Hãng Bloomberg hôm qua đưa ra nhận định nhiều quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế hàng đầu trong khối ASEAN đã có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn đóng góp lớn cho phát triển kinh tế nhiều năm qua, đang có dấu hiệu suy giảm. Theo số liệu mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), 5 nước có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đều tăng trong quý 1 năm nay là Malaysia, Thái Lan, VN, Singapore và Indonesia. Nhiều nước trong khu vực đều có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm so cùng kỳ năm ngoái, trừ VN.
Mỹ lấy lại vị thế
Bloomberg dẫn lời giới chuyên gia nhận định rằng Mỹ đang lấy lại vị thế dẫn đầu trong giao thương với ASEAN từ năm 2007, sau khi để thị trường Trung Quốc và Nhật vượt mặt về nhu cầu hàng hóa. “Mỹ là một trong ít thị trường có nhu cầu hàng hóa đang tăng trưởng. Mỹ từng là động lực phát triển kinh tế của châu Á trước khi bị Trung Quốc cạnh tranh và giờ Mỹ đang trở lại”, bà Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Natixis chi nhánh Hồng Kông nhận định. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng giá USD tăng đã thúc đẩy Mỹ nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn từ khu vực châu Á, trong khi tiêu dùng trong nước cũng tăng trưởng tốt.
Theo chuyên gia kinh tế Singapore Song Seng Wun, kim ngạch xuất khẩu của đảo quốc sư tử sang Mỹ tăng 10% trong quý 1 so với cùng kỳ năm rồi một phần là nhờ xuất khẩu dược phẩm và dụng cụ y khoa tăng. Xuất khẩu của VN sang Mỹ cũng tăng đến 21% trong cùng thời điểm. “VN có hàng hóa đa dạng đáp ứng nhu cầu với nhiều mặt hàng tiêu dùng giá rẻ, chẳng hạn như vải vóc”, ông Wun nhận định.
|
Điểm sáng Đông Nam Á
Trong một báo cáo đưa ra tại Washington ngày 4.10, Ngân hàng Thế giới dự báo các nước Đông Nam Á vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của các nền kinh tế trong khu vực trong giao thương với thế giới. Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, được đưa ra 2 lần mỗi năm, cho thấy các nước đang phát triển trong cả khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% năm 2016 và 5,7% giai đoạn 2017 - 2018.
Đối với VN, Ngân hàng Thế giới nhận định tăng trưởng sẽ suy giảm trong năm nay do bị hạn nặng nhưng “vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình” và sẽ tăng trở lại mức 6,3% trong năm tới, cao hơn so với mức chung toàn khu vực. Tỷ lệ giảm nghèo của VN vẫn tiếp tục giảm nhưng sản xuất nông nghiệp sụt giảm đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn và ảnh hưởng đến sinh kế của các nông hộ. Viễn cảnh trung hạn của VN vẫn tích cực, nhưng Ngân hàng Thế giới khuyến nghị cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khóa và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa để khắc phục các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trung hạn.
Cùng với dự báo lạc quan về kinh tế VN, Đông Nam Á sẽ là điểm sáng của cả khu vực. Philippines có thể sẽ dẫn đầu với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,4% trong năm nay. Kinh tế Indonesia sẽ tăng dần từ 4,5% trong năm nay lên 5,5% vào năm 2018 nhờ tăng đầu tư công và thành công trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư và tăng thu nhập. Tuy nhiên, láng giềng Malaysia sẽ có mức tăng trưởng dự báo giảm xuống còn 4,2% trong năm nay từ mức 5% năm ngoái do bối cảnh chung của tình trạng giảm cầu về dầu lửa và hàng chế tạo giảm toàn cầu. Theo dự báo, tăng trưởng sẽ vẫn duy trì tốt tại Campuchia, Lào và Myanmar.
Bình luận (0)