Kinh tế Qatar có dấu hiệu bất ổn vì căng thẳng ngoại giao

12/06/2017 17:40 GMT+7

Căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và một số nước Ả Rập đang tạo ra sự bất ổn về kinh tế cho quốc gia này.

Việc Ả Rập Xê Út, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cắt đứt ngoại giao với Qatar đã khiến cho không khí của nền kinh tế nước này “chùng xuống” đáng kể. Nhiều nhà đầu tư đang dần dần rút tài sản của mình ra khỏi Qatar. Các nền kinh tế toàn cầu khác cũng ngày càng trở nên thận trọng hơn khi hợp tác với quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt kể từ khi tỷ giá hối đoái quốc gia và xếp hạng tín nhiệm của Qatar từ Moody’s và S&P bị suy giảm.
Theo hãng thông tấn Sputnik, dòng tiếp xúc vốn quốc tế của Qatar khá lớn, với hơn 9% tổng số vốn hóa của thị trường chứng khoán nước này do các bên quốc tế nắm giữ, ước tính khoảng 150 tỉ USD. Tuy nhiên, sau sự phẫn nộ của một số quốc gia Ả Rập, thị trường chứng khoán Qatar đã suy giảm tới 9,7%. “Chúng tôi không thể biết khi nào sẽ có cổ phiếu mới, dường như đang có một cuộc khủng hoảng xảy ra ở đây”, một nhân viên tại Doha Exchange, cho biết.
Những ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột ngoại giao cũng đã lan sang cả lĩnh vực tài chính và giao dịch tiền tệ của Qatar, khi hàng loạt ngân hàng thuộc các quốc gia trong cùng khu vực đã bắt đầu ngừng giao dịch đồng riyal Qatar. Trong các giao dịch quốc tế, tỷ giá hối đoái của Qatar ngày càng trở nên không ổn định. Và điều này đã khiến ngân hàng trung ương Qatar phải hỗ trợ tỷ giá hối đoái bằng cách chi tiêu nguồn tiền dự trữ, bao gồm 34 tỉ USD dự trữ ngoại hối, trái phiếu và dự trữ kim loại quý của Cơ quan đầu tư Qatar. Được biết, nếu tỷ giá của đồng riyal Qatar so với đồng USD không phải là 3,64 đổi 1 USD, thì sự thiệt hại của thị trường tiền tệ nước này được dự đoán sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Song, thách thức lớn nhất cho nền kinh tế Qatar về lâu dài vẫn là tình trạng giao thông, đặc biệt là ở đường biển, đường hàng không, bị phong tỏa do lệnh cấm từ UAE và Ả Rập Xê Út. Phần lớn sự vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu của Qatar đều đi qua Jebel Ali, một cảng lớn ở Dubai. Do đó, các công ty hoạt động phụ thuộc vào các tuyến thương mại trong vùng Vịnh để đến Qatar sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng đáng kể. “Chúng tôi xác nhận rằng chúng tôi sẽ không thể đưa hàng hóa Qatar vào và ra khỏi Jebel Ali”, Maersk, hãng khai thác vận chuyển container lớn nhất thế giới cho hay.
Theo một số nhà quan sát, công dân Qatar đang lo lắng về tình trạng thiếu lương thực khi các kho dự trữ hàng hóa hiện nay chỉ có thể cung cấp đủ trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, các quan chức Qatar lại tỏ ra khá lạc quan về vị thế của một trong những nước giàu có nhất thế giới, đồng thời tự tin cho biết tình hình hoạt động kinh doanh sẽ quay trở lại bình thường trong vòng vài ngày tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.