Nguy cơ chiến tranh tiền tệ châu Á

12/08/2015 08:38 GMT+7

Động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc lập tức gây mất giá các đồng tiền châu Á, mở ra viễn cảnh chiến tranh tiền tệ trong khu vực.

Động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc lập tức gây mất giá các đồng tiền châu Á, mở ra viễn cảnh chiến tranh tiền tệ trong khu vực.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ châu ÁGiới phân tích hoàn toàn bất ngờ về động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 11.8 bất ngờ phá giá nhân dân tệ (NDT) 1,86% so với USD, theo AFP. Đây cũng là mức giảm giá sâu nhất trong một ngày kể từ khi Trung Quốc cải cách tiền tệ theo hướng từ bỏ chính sách neo tỷ giá vào USD mà thay vào đó duy trì chế độ tỷ giá dựa vào rổ tiền tệ. Trung Quốc giải thích rằng quyết định phá giá tiền tệ là một phần của kế hoạch cải tổ cách thức kiểm soát tỷ giá hối đoái.
Trong tuyên bố chính thức, PBOC cho hay trong khi mục tiêu là giữ NDT “về cơ bản là ổn định”, các động lực khác của thị trường sẽ đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế nước này, có nghĩa là tăng cường sự dẫn dắt của thị trường đối với kinh tế. PBOC trấn an rằng phá giá là biện pháp chỉ xảy ra một lần, nhưng BBC dẫn lời các nhà phân tích quan ngại rằng Bắc Kinh có thể lặp lại hành động này trong tương lai.
Việc Trung Quốc đột ngột giảm giá nội tệ đã lập tức gây sức ép đối với các thị trường thế giới, như Đài CNBC của Mỹ đã giật tít: Không gì chọc giận cùng lúc cả Mỹ lẫn châu Á như phá giá NDT. Trên thực tế, nó kích hoạt đợt bán ra ồ ạt các đồng tiền châu Á nghiêm trọng nhất trong gần 7 năm qua. Khi NDT mất giá 1,86% so với USD, won của Hàn Quốc, đô la Singapore, đô la Úc đều giảm hơn 1% giá trị. Theo CNBC dẫn lời giới phân tích, chiến tranh tiền tệ mới tại châu Á là một trong các hậu quả đáng sợ nhất theo sau quyết định trên của Trung Quốc. Trong khi đó, USD tăng giá so với các đồng tiền khu vực khác, giao dịch với giá 124,81 yen so với mức 124,72 vào ngày trước đó.
Trong 12 tháng qua, NDT trở nên mạnh hơn so với các tiền tệ châu Á và euro, tăng 17% so với đồng yen và 23% so với euro. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu của nước này vào EU và Nhật Bản lần lượt giảm 4% và 11%, do hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Số liệu đáng báo động hơn nữa là tổng sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 7 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, việc phá giá NDT trước mắt có thể giúp xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phá giá NDT. Các nhà phân tích chỉ ra mục tiêu dài hạn hơn của Trung Quốc nhằm biến NDT thành đồng tiền dự trữ trên toàn cầu.
Vào cuối năm nay, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) dự kiến sẽ tuyên bố liệu có đồng ý kết nạp NDT vào câu lạc bộ các loại tiền tệ dự trữ chính thức gồm USD, euro, bảng Anh và yen hay không. Trước đây, IMF yêu cầu Trung Quốc linh hoạt về tỷ giá hối đoái, cho phép giá trị của nội tệ được điều chỉnh theo đà tăng trưởng kinh tế, nên đây có thể là một bước đi của Trung Quốc nhằm thuyết phục IMF. Tuy nhiên, động thái này có thể đẩy khu vực vào chiến tranh tiền tệ mới, theo nhận định của nhiều chuyên gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.