Khi hệ đèn laser xanh bật sáng, một số 0 cách điệu, vuông vức ngay lập tức hiện ra tại cột mốc số 0 đặt trên quảng trường có tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội). Số 0 đó đúng hơn là một ô cửa. Nhìn vào đó, công chúng sẽ thấy những hình ảnh của quá khứ, của huyền thoại gắn với hồ Gươm ùa về. Cổng ánh sáng nối trục tượng đài Lý Thái Tổ, Km số 0, hồ Gươm - tháp Rùa là vậy. Hiện đại nhưng kết nối với quá khứ, không chiếm không gian nhưng lại chứa đựng ăm ắp cả cảm xúc lẫn thông tin. Đó là một trong những thiết kế của KTS Phạm Trung Hiếu, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Ông còn có những công trình khác mà ở đó luôn có chỗ cho câu chuyện di sản, câu chuyện về giấc mơ hiện đại.

Thiết kế Cổng ánh sáng của ông và đồng nghiệp ở ĐH Kiến trúc Hà Nội đã được giải, sau đó được công chúng bình chọn để hiện thực hóa thành Km số 0 tại Hà Nội. Giải thưởng này khiến người ta nhớ lại một kiến trúc khác từng được giải của ông và học trò, đó là thiết kế nhà thờ tại mỏm đá ở Na Uy. Vì sao ông lại chọn gắn với các di sản kiến trúc và kiến trúc lấy cảm hứng từ di sản?

Tôi luôn thấy mình gần gũi với giá trị cũ, đến đình đền chùa luôn cảm giác như về nơi thân thuộc từ lâu. Tôi phát hiện ra sự gần gũi đó từ lúc vào trường kiến trúc và bắt đầu đi vẽ ghi. Còn trước đó, tôi chỉ thích lịch sử thôi. Như phần lớn bọn con trai, tôi thích những câu chuyện lịch sử chiến tranh. Những chiến tích nhà Trần 3 lần đại thắng quân Nguyên, nhà Lý bình Tống, phạt Chiêm...; sau này thì say mê với chiến thắng Điện Biên Phủ. Đến khi học ĐH Kiến trúc, tôi nhận thấy mình thích những công trình lịch sử để lại.

Có phải ông kém thích nghi nên thích những thứ ít thay đổi?

Giá trị mới cũng nhiều điều tốt đẹp. Nhưng tôi cảm nhận những giá trị tốt đẹp cũ sâu sắc quá. Tôi mong có những công trình mới mang cả giá trị đương đại lẫn giá trị di sản.

Ông làm tôi nhớ đến nhà thờ Tin lành trên mỏm Pulpit Rock (Na Uy) mà nhóm học trò do ông hướng dẫn đưa ra phương án ý tưởng. Một thiết kế nhà thờ mới nhưng lại “vô hình”, chỉ là kiến tạo hình ảnh 3D để du khách cảm nhận qua không gian hiện thực ảo. Còn hiện trạng mỏm núi của nhà thờ đó, một không gian thiên nhiên nổi tiếng ở Na Uy vẫn được giữ nguyên tuyệt đối. Nếu so với hình dung về một nhà thờ Tin lành truyền thống thì phương án đó quá bất ngờ?

Đó là một biểu hiện của việc tôn trọng di sản thiên nhiên. Tôi vẫn nói nhiều lần về việc người KTS nên lùi lại trước KTS tài hoa nhất là tạo hóa. Nếu thiên nhiên đã tạo nên dấu ấn phi thường thì con người nên tôn trọng và tôn vinh dấu ấn đó. Công việc này cũng đã rất khó và mang nhiều ý nghĩa. Đừng cố gắng tạo thêm những cấu trúc không phù hợp hoặc không thực sự cần thiết. Với trường hợp cụ thể của đồ án trên, ý tưởng chủ đạo vẫn là tôn trọng di sản thiên nhiên. Đề cao di sản thiên nhiên lên cao nhất thì giải pháp không tác động gì về vật chất, nhưng vẫn phải tạo ra dấu ấn đã làm nảy sinh phương án dùng công nghệ là điều tất yếu.

Sau này cổng ánh sáng đặt tại Cột mốc số 0 ở Hà Nội mà ông và đồng nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội thiết kế cũng thực thực ảo ảo, xưa xưa nay nay như vậy. Sử dụng ánh sáng laser, ông có sợ sau này sẽ trở nên lạc hậu khi các công nghệ nối nhau ra đời không?

Phương án này được cấu tứ khá nhanh vì địa điểm thiết kế - hồ Hòan Kiếm - đã là đối tượng nghiên cứu của bộ môn Bảo tồn trong một khoảng thời gian dài. Nhóm thiết kế của chúng tôi kết hợp được chuyên môn giữa bảo tồn, kiến trúc và điêu khắc. Chúng tôi có những cộng sự trong nhóm là chuyên gia về vật liệu như họa sĩ Thái Bình và họa sĩ Bình Minh để có thể đưa ra ý tưởng và đảm bảo tính khả thi.

Phần ảo của công trình do ánh sáng đảm nhiệm, giúp cột mốc trở thành một tác phẩm nghệ thuật công cộng có tính tương tác cao. Khuôn hình được định hướng để du khách có cảm giác nhìn qua một lát cắt thời gian về quá khứ tráng lệ, đẹp đẽ của kinh thành Thăng Long.

Công nghệ ánh sáng Laser Plasma Hologram, theo quan điểm của tôi, sẽ không lạc hậu. Yếu tố quan trọng nhất ở đó không hẳn là công nghệ, mà ở những biểu tượng lịch sử do ánh sáng truyền tải thông điệp. Những giá trị đó vẫn luôn bền vững, công nghệ ở đây đang đóng vai trò công cụ thể hiện.

Năm nay, mọi người thấy ông trở đi trở lại Điện Biên Phủ liên tục. Công trình đền thờ ở đó của ông đã bắt đầu từ ý tưởng nào?

Tôi đang thực hiện công tác giám sát tác giả công trình “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ”. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chính là một thời kỳ lịch sử tôi đã rất yêu thích. Tôi rất thích tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của đại văn hào Nga Lev Nikolayevich Tolstoy. Với tôi, Điện Biên Phủ - một phần nào đó - chính là câu chuyện chiến tranh và hòa bình trên thực tế ở VN.

Hầu như khắp các tỉnh, thành đều có đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, cấu trúc chủ yếu theo mô hình đình, đền, chùa truyền thống. Đình chùa của VN đẹp và hài hòa cảnh quan xung quanh. Khi áp dụng nguyên mẫu, xây dựng lại tại các địa phương khác nhau để thờ các anh hùng liệt sĩ sẽ tách rời cảm nhận về địa điểm, sự kiện, đối tượng được thờ cúng với bản thân công trình.

Tại chiến trường Điện Biên Phủ, rất nhiều chiến sĩ Điện Biên là những người không theo tôn giáo nào. Dù là công trình tâm linh, chẳng nhẽ lại mượn toàn bộ ngôn ngữ kiến trúc của một tôn giáo để kiến tạo nên đồ án? Tôi suy nghĩ nên sử dụng ngôn ngữ kiến trúc giản dị, cô đọng kết hợp những yếu tố tự nhiên tạo nên dấu ấn địa điểm, xét về cảm nhận chung sẽ truyền cảm hơn, nhân văn hơn, không quá phụ thuộc một ngôn ngữ kiến trúc tôn giáo nào, thì sẽ dễ gần gũi, đồng cảm hơn với đông đảo du khách thuộc nhiều thế hệ.

Rồi sau đó, ông thiết kế ra sao?

Tôi đã cân nhắc và thiết kế tối giản dựa trên lý thuyết Kiến trúc dẫn dắt cảm xúc. Ở đây, công trình được đặt trên đồi F liên thông đồi A1. Nếu có thể giữ được toàn bộ thung lũng Mường Thanh, tức là TP.Điện Biên Phủ trước đô thị hóa, thì đó chính là một bảo tàng tại chỗ lý tưởng. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị trong quá khứ đã khiến chúng ta mất đi cơ hội đó.

Song, chúng ta vẫn còn 7 dãy đồi đã được Bộ VH-TT-DL bảo tồn tôn tạo cho du khách tham quan. Vị trí đặt đền thờ những anh hùng liệt sĩ hy sinh nhưng chưa được quy tập được UBND tỉnh Điện Biên quy hoạch đặt ở đồi F. Đây là điểm đến cuối trên tuyến tham quan những đồi di tích khác tại thung lũng Mường Thanh. Nơi đó họ sẽ xây dựng được cảm nhận riêng mình khi tri ân với những người lính đã ngã xuống.

Cảm nhận đó là gì, thưa ông?

Cảm nhận về bầu trời Mường Thanh. Một hình ảnh điện ảnh có thể giúp hình dung rõ về cảm nhận này: đó là hình ảnh người lính trong phim Khi đàn sếu bay qua. Người lính ngã xuống, trong khoảnh khắc giã từ cuộc sống, họ nhìn lên bầu trời thăm thẳm và cái nhìn ấy như gửi gắm linh hồn vào bất diệt. Tôi nghĩ, điện ảnh Liên Xô xưa cũng là một di sản tinh thần với người Việt. Có nhiều thế hệ gắn bó với nó, với lý tưởng cao đẹp và hình tượng nghệ thuật mà nó xây dựng.

Trong đồ án này, bầu trời Mường Thanh chính là nơi trung chuyển, nơi gửi về những tín hiệu thông linh giữa người sống và những người đã khuất. Du khách đi qua các không gian đóng mở nhiều lớp với ngôn ngữ ẩn dụ của cây, của mặt nước, qua sân tưởng niệm với 56 cây đèn cao vút tạo hình ngôi sao 5 cánh, cảm nhận mây trời Mường Thanh qua bóng phản chiếu trên mặt nước phẳng lặng, qua một đường hầm dốc, tối với 9 ô cửa lấy sáng tương đương 9 năm của cuộc kháng chiến trường kỳ... Khi cảm xúc đã chín, cũng chính là lúc họ tới được đền chính.

Gần đây ông có dự án nào liên quan đến di sản?

Tôi quan tâm đến các di sản đô thị. Nó cũng là câu chuyện thời sự ở Hà Nội hiện nay, nhất là sau khi Hà Nội đã được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo. Bây giờ là lúc TP.Hà Nội cần thúc đẩy một mạng lưới các không gian sáng tạo mà nền tảng dựa trên nền hệ thống di sản đô thị. Ví dụ như hệ thống di sản công nghiệp, cần định hướng cụ thể xem sẽ làm gì với các nhà máy đã có lộ trình di dời khỏi Hà Nội. Liệu chúng có thể trở thành các không gian sáng tạo được không, có thể kết nối chúng để trở thành một thành tố cho nền kinh tế sáng tạo trong tương lai? Nó sẽ trở thành đề tài rất thách thức khi các không gian cá tính và thu hút cộng đồng đó có thể hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững. Nó đồng thời cũng có cơ hội đóng góp thêm những giá trị mới cho thành phố Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!

Báo Thanh Niên
15.08.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.