Ông chủ trẻ
Quê ở Bình Định, Huỳnh Phi Châu vào TP.HCM học Đại học Kinh tế và làm công việc tư vấn kinh doanh cho một công ty sau khi ra trường. Tích lũy được một số vốn kha khá, anh lập ý định kinh doanh. Trải qua thời sinh viên (SV) khốn khó, phải ở trong các phòng trọ ọp ẹp nên anh rất hiểu tình cảnh của SV ở quê nghèo lên phố thị.
Châu bàn bạc với ba mẹ xây dựng một KTX cho SV xa nhà trên mảnh đất mình có, cũng như lấy giá rẻ để giúp họ có chỗ ở ổn định. Mẹ anh bảo: "Làm gì giúp cho người nghèo khổ thì con cứ làm". Vâng lời mẹ, anh bắt tay vào xây dựng KTX tư nhân đầu tiên ở thành phố. Tháng 12.2006, anh động thổ xây dựng 10 phòng đầu tiên. Đến nay, trước nhu cầu của SV các trường gần đó như: ĐH Văn Lang, ĐH Công nghiệp 4, ĐH Bách Việt, CĐ Vinhempic... khu KTX của anh tăng dần lên 12, 20, 25 rồi 34 phòng khang trang với cơ ngơi 1 trệt, 2 lầu và 240 SV đang trọ học. Được như ngày hôm nay, Châu cho biết có sự hỗ trợ hết mình của Chủ tịch phường 5 (Q.Gò Vấp), của cảnh sát khu vực và công ty điện lực khi lấy giá điện ưu đãi cho SV trong những ngày đầu khốn khó. Chính sự quan tâm của địa phương đã tiếp thêm nghị lực cho anh phải lập ra môi trường trọ học bài bản.
Phòng trọ như khách sạn
Phòng net trong khuôn viên KTX |
Tại KTX, SV còn có một phòng net riêng để khỏi phải ra ngoài nếu có việc lấy tài liệu trên mạng, hay giải trí bằng việc chơi game những ngày cuối tuần, mà mỗi giờ chỉ có 2.000 đồng. "Ngày trước, mỗi khi cần tài liệu học tập là tụi mình phải chạy khắp nơi để tìm tiệm net nên bây giờ mình phải giúp các em có điều kiện học tập. Thêm nữa nếu ở trong phòng mà truy cập internet để chơi game vào ngày cuối tuần thì sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác nghỉ ngơi, nên tôi làm thêm một phòng net riêng để các em tiện sử dụng", anh Châu tâm sự.
Để đảm bảo sức khỏe cho SV ở trọ, anh Châu đã mời dì Ba - một đầu bếp theo các SV ở đây là "number one" - đảm trách việc nấu ăn. Mỗi phần ăn chỉ có 6.000 đồng nhưng ngon và sạch sẽ. "Phải chăm chút vấn đề ăn ngon, hợp vệ sinh thì SV mới có sức học hành", ông chủ trẻ bảo vậy.
Để SV xả stress sau giờ học, anh Châu lập ra CLB Hát với nhau để cho SV có chỗ giải trí, hiện đang tổ chức mỗi tuần một lần. CLB do 15 thành viên trong "phố" trọ đảm nhiệm và cũng là đại diện cho quyền lợi của các bạn SV. CLB này đang xúc tiến các hoạt động ngoại khóa bằng cách mời chuyên viên ở Nhà văn hóa Phụ nữ TP về giảng giải các chuyên đề như: Sức khỏe và an toàn tình dục tuổi vị thành niên; tọa đàm về chứng khoán; du lịch dã ngoại, cắm hoa... Tất cả các hoạt động đều có phần thưởng và giấy khen, rất ấn tượng. Bạn Quách Đoàn Chung - SV ĐH Hồng Bàng, đã ở tại KTX này ngay từ đầu nói: "Nếu một ngày phải xa nơi này chắc mình buồn lắm. Chính sự thân thiện của anh Châu và các bạn trong KTX làm tụi mình đỡ nhớ quê xa. Chỉ có 185.000 đồng/tháng mà đầy đủ tiện nghi, lại không sợ mất cắp như ở bên ngoài".
Sắp tới, 15 thành viên CLB cùng với ông chủ trẻ tên Châu sẽ cho ra mắt thư viện thật yên tĩnh để các bạn SV có chỗ học tập nghiêm túc và tập trung. Nguồn sách ngoài mua ra sẽ do các SV photocopy lại từ trường mình đang học. Đó là ước mơ bấy lâu nay của anh Châu cũng như Ban quản lý KTX.
Nội quy "thép"
Để trọ trong KTX, chỉ SV có thẻ mới được vào ở. Mỗi bạn phải có 2 thẻ SV đã photocopy, giấy tờ xe (nếu có), phải kê khai tài sản... để Ban quản lý KTX làm lý lịch cá nhân và dễ dàng quản lý.
Trong 14 điều nội quy của KTX dán tại mỗi phòng quy định: "Không được ra vào KTX sau 23 giờ, không ăn nhậu, không mở nhạc to, không chửi thề...". Theo đó, nếu ai vi phạm 3 lần sẽ bị thanh toán hợp đồng và bị trục xuất. Nội quy "thép" là thế, nhưng bạn nào đi làm thêm buổi tối có thể xê dịch giờ về KTX tới 24 giờ, nhưng phải có xác nhận của nơi làm. Để tránh mất cắp, xe máy được dán tem xanh của KTX, xe đạp dán tem vàng và ở phòng bảo vệ có hình của tất cả thành viên trong 34 phòng trọ. SV nào mang tài sản ra ngoài, bảo vệ có quyền chặn lại hỏi để tránh tình trạng xấu sau mỗi trận thua cá độ bóng đá.
Thông thường SV phải đóng tiền vào ngày 5 mỗi tháng, nhưng nếu ba mẹ gọi lên xác nhận mùa màng thất bát thì anh Châu có thể "khoanh vùng" cho trả sau. Chính kỷ luật đó đã giúp phòng trọ dần đi vào ổn định, trật tự. Ông chủ này bảo mỗi đêm phải suy nghĩ làm sao cho các em SV đi sau mình được yên tâm học hành mà lúc nào cũng ăm ắp tình người. Bạn Mai Hồng Phẩm, SV trường CĐ Vinhempic cho biết: "Nhờ ở đây mà mình vừa tốt nghiệp ĐH Công nghiệp 4 để học văn bằng 2. "Phố trọ" này có sự thân thương giữa các SV. KTX đã lập ra CLB do chính tụi mình hoạt động nên rất vui".
Anh Châu bảo rằng vẫn còn bao dự định chưa làm được cho SV. Chẳng hạn, nếu có một nguồn vốn của Nhà nước cho vay với lãi suất thấp, anh sẽ giảm giá trọ từ 185.000 đồng xuống thấp hơn nữa, bởi hiện nay với lãi suất vay ngân hàng để đầu tư cho KTX quá cao, bắt buộc anh phải cân đối thu chi và phải thu 185.000 đồng. "Nếu có thêm phòng, mỗi em đóng chừng 150.000 đồng/tháng, vì còn nhiều em khổ lắm" - anh Châu nói.
Hà Tiên
Bình luận (0)