Kỳ 4: Cấm là ngọn, lắng nghe mới là gốc

26/01/2013 00:35 GMT+7

Bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc điều hành Công ty TGM, chuyên về lĩnh vực đào tạo kỹ năng sống, đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh việc có nên cấm học sinh sử dụng mạng xã hội.

>> Kỳ 3: Đừng quá áp đặt giới trẻ

Trong những ngày vừa qua tôi đã theo dõi rất kỹ loạt bài trên Báo Thanh Niên và dư luận xung quanh vấn đề này. Bản thân công ty chúng tôi cũng sử dụng Facebook như một kênh thông tin để chia sẻ, lắng nghe… Tôi đã từng tự hỏi: “Tại sao mọi người lại thích mạng xã hội như vậy? Không chỉ các em học sinh, sinh viên mà cả những người lớn tuổi. Tôi cũng được nghe một người lãnh đạo cũ của mình chia sẻ quan điểm của ông về Facebook và tôi thấy, mặc dù năm nay ông đã gần 60 tuổi nhưng vẫn thực sự hứng thú khi được “là chính mình” ở trên đó.

Kỳ 4: Cấm là ngọn, lắng nghe mới là gốc 

Tôi nghĩ, bất kỳ một thứ nào đó là “của xã hội”, thì đều có những giá trị tích cực và chưa tích cực. Trong trường hợp vấn đề “chưa tích cực” có nguy cơ bị lây lan thì chúng ta cần có biện pháp để ngăn chặn. Theo những gì tôi được biết, con người có một số nhu cầu như: “được ghi nhận”, “được lắng nghe”, “được tôn trọng”… và trong trường hợp này tôi cảm thấy phải chăng các em đang “muốn được lắng nghe”?

Vậy vấn đề ở đây chính là chúng ta nên chủ động tạo ra các môi trường tích cực để các em được lắng nghe, được chia sẻ. Môi trường đó là gì thì tùy thuộc vào khả năng của từng trường và cũng nên dựa trên nhu cầu của các học sinh.

 

Nếu chúng ta tạo ra ngày càng nhiều môi trường tích cực cả trên mạng và ngoài đời, và trang bị cho học sinh các kiến thức, kỹ năng sống, làm chủ được cảm xúc của mình thì tôi tin nhiều điều tích cực sẽ được nhân rộng trong xã hội

Là người làm việc vì giới trẻ, thường xuyên tiếp xúc với giới trẻ, bà nhìn nhận vấn đề này ra sao? Theo bà, cách mà học sinh giao lưu và thể hiện trên cộng đồng mạng có đáng lo ngại hay không?

Chắc hẳn chúng ta có một câu hỏi là: “Học sinh thường giao lưu và thể hiện mình ở đâu? Phải chăng phần lớn ở trên mạng xã hội?”. Tôi nghĩ, các em sẽ có nhiều cách để làm việc này, nếu như “nhu cầu cần được lắng nghe, cần được chia sẻ” của các em là có. Không có mạng xã hội thì sẽ có một nơi nào đó tương tự như vậy để các em tìm đến vì ở lứa tuổi các em luôn luôn tồn tại nhu cầu “được lắng nghe” và “được ghi nhận”. Chúng tôi đã có cơ hội được làm việc với hàng nghìn học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT. Chúng tôi thấy rất rõ nhu cầu này ở các em. Bởi vậy để được các em tin tưởng và chia sẻ những điều riêng tư nhất, điều đầu tiên chúng tôi phải học, phải rèn luyện là “học lắng nghe”. Chúng tôi nghe các em nói và tin tưởng vào những điều các em nói. Chúng tôi “lắng nghe tôn trọng”.

Vậy cách mà học sinh giao lưu và thể hiện trên cộng đồng mạng, theo bà có đáng lo ngại hay không?

Cá nhân tôi thấy rằng, việc chúng ta không cho phép các em tham gia mạng xã hội hoặc đưa ra những “giới hạn” chỉ là tạm thời, còn cái gốc của vấn đề chính là “các em cần được lắng nghe”. Nếu chúng ta tạo ra và khuyến khích được ngày càng nhiều môi trường tích cực cả trên mạng và ngoài đời, đồng thời trang bị cho các học sinh có được các kiến thức, kỹ năng sống, làm chủ được cảm xúc của mình thì tôi tin nhiều điều tích cực sẽ được nhân rộng trong xã hội. Cách mà các học sinh giao lưu và thể hiện trên cộng đồng mạng giúp cho người lớn chúng ta thấy điều mà chúng ta cần thay đổi, đó là “học cách lắng nghe” và điều mà các em cần giúp đỡ.

Phải chăng giới trẻ hiện rất ít kênh thông tin cũng như các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là cán bộ tư vấn tâm lý, hệ thống tham vấn học đường... để học sinh có thể giao lưu, chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của mình. Điều này dẫn tới một bộ phận học sinh đã tìm đến cộng đồng mạng để xả stress, dẫn tới những phát ngôn bừa bãi, thiếu kiềm chế?

Tôi nghĩ rằng giới trẻ hiện nay không thiếu kênh thông tin, không thiếu các hoạt động mà thiếu một “môi trường an toàn, tích cực” để được lắng nghe và chia sẻ. “Môi trường an toàn và tích cực” là một môi trường mà theo tôi ở đó có 3 yếu tố: Lắng nghe tôn trọng; yêu thương; hướng tới những điều tích cực thay vì nhắc lại nhiều lần những điều chưa tích cực.

Vậy môi trường an toàn và tích cực có thể chính là những hoạt động, những hệ thống và con người như đề cập ở trong câu hỏi. Chúng tôi đã làm điều đó để giúp đỡ những em học sinh chưa thành công, chưa đạt được những điều tốt đẹp vốn như các em đã từng có. Không ít bạn trẻ đến với chúng tôi trong một tâm trạng mất niềm tin vào cuộc sống, thích đánh nhau, thích nổi loạn ở trong trường học, nhưng  chúng tôi coi như không hề biết đến quá khứ đó và đón em bằng yêu thương, nhìn em với những điểm tích cực, nhờ đó em đã vươn lên mạnh mẽ để thể hiện những giá trị của mình.

Bà có chia sẻ gì với các bạn trẻ, nhất là những bạn đang rất bất bình với những quy định “cấm” mà các trường đang muốn áp dụng?

Tôi tin rằng, các thầy cô cũng đang mong muốn những điều tốt đẹp cho các em. Các em cũng mong muốn những điều tốt đẹp cho mình. Vậy là đang có chung những mong muốn, có chung những mục tiêu. Vấn đề bây giờ nằm ở phương pháp nào để hai bên có thể đến gần nhau hơn với một cách hoàn toàn xây dựng? Tôi nghĩ là có rất nhiều giải pháp mà chúng ta có thể học hỏi, các em cần chứng minh và có các kỹ năng để thuyết phục, kỹ năng để làm chủ cảm xúc của mình, kỹ năng để thể hiện và làm chủ bản thân tốt để không chỉ nhà trường mà còn cả gia đình, xã hội cũng sẽ ủng hộ các em.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

>> Có nên cấm học sinh sử dụng mạng xã hội ?
>> Kết nối thanh niên qua mạng xã hội
>> Chiến tranh tràn lên mạng xã hội
>> Mở mạng xã hội kết nối tài năng trẻ
>> Mạng xã hội cho doanh nghiệp
>> Giáo dục thanh niên qua mạng xã hội
>> Lady Gaga thuê chuyên gia quản lý mạng xã hội
>> Quan ngại với mạng xã hội Baidu Tieba
>> Microsoft xác nhận mua lại mạng xã hội Yammer

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.