Kỳ họp thứ 3, QH khóa XII: Không để nông dân, người lao động bị thiệt thòi

16/05/2008 00:21 GMT+7

Ngày 15.5, các đại biểu (ĐB) thảo luận tại hội trường về hai dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.

Nông dân đang chịu thiệt

Thảo luận dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, các ý kiến đều kiến nghị cần có ưu đãi hơn về chính sách thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp. Theo ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng): "Quy định máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp chịu thuế suất 10% là không hợp lý, nên để ở mức 5%". ĐB Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) bổ sung: "Nên đưa toàn bộ những dịch vụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa đất, đào, đắp, nạo vét kênh mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hái, sơ chế, bảo quản nông sản và một số những dịch vụ phục vụ nông nghiệp khác vào đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng". 

Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Lê Quốc Dung (Thái Bình) kiến nghị: "Bổ sung đối tượng tham gia chịu thuế giá trị gia tăng là những sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp chưa qua chế biến mà người sản xuất có đủ điều kiện và tự nguyện tham gia thuế giá trị gia tăng". Theo Phó chủ nhiệm Dung, điều này tưởng như vô lý nhưng lại rất có lợi cho người dân. ĐB Dung phân tích: "Sản xuất thịt lợn hơi nếu như tính về chuồng trại, tiền giống, thức ăn thì khoảng 85% giá trị hàng hóa đầu vào là nguyên vật liệu. Sản xuất tôm, cá, tiền về đất đầm, làm lồng hay thức ăn cho cá và giống cá, giống tôm cũng rất lớn. Hay khai thác, đánh bắt hải sản đầu vào còn lớn hơn, nhưng người sản xuất khi bán, lại không được hoàn thuế. Không nộp ở thuế giá trị gia tăng 10-15% giá trị hàng hóa (thu hộ người tiêu dùng - PV) thì cũng không được hoàn thuế ở phần chi phí đầu vào chiếm khoảng 60-85% giá cả hàng hóa. Như vậy, nông dân chịu thiệt". 

Khoản 8, Điều 8 quy định, đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế là giá bán bất động sản chưa có thuế giá trị gia tăng trừ đi giá trị chuyển quyền sử dụng đất tính theo giá đất do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) lên tiếng: "Tôi thấy điều này không phù hợp với việc chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi thực hiện đền bù, giải tỏa thì đền bù theo giá thị trường". Ông Hòa đề nghị: "Phải trừ theo giá phát sinh đền bù thực tế". 

Không khống chế chi phí quảng cáo

Về mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) cho rằng: "Dự luật để mức 25% là quá cao so với tình hình chung trong khu vực, đề nghị giảm xuống 20%". ĐB Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) bác: "Nếu hạ mức thuế suất sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, mức thuế suất như thế không ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nhiều nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, khai báo thuế phức tạp".

Các ý kiến phát biểu đều không tán thành với dự luật quy định khoản chi tài trợ từ thiện không được giảm trừ khi tính thuế. ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh): "Quy định như dự luật sẽ không khuyến khích được các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo". Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) đặt câu hỏi: "Làm từ thiện, xây một ngôi nhà mà Nhà nước chỉ bỏ có 1 đồng, doanh nghiệp bỏ 3 đồng (vì thuế 25% - PV) thì tại sao lại không khuyến khích doanh nghiệp làm?". ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng): "Tôi không tán thành dự luật khống chế chi phí quảng cáo tiếp thị 10 - 15%. Quy định như thế không thật cần thiết trong khi Nhà nước đang khuyến khích xây dựng các thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh khi hội nhập". ĐB Hương cho rằng, quy định cứng nhắc như thế, để xây dựng được thương hiệu của mình, các doanh nghiệp phải lách luật. ĐB Hương đề nghị: "Cho phép doanh nghiệp được hạch toán thực tế đối với chi phí quảng cáo tiếp thị". ĐB Trần Văn (Cà Mau) tán đồng: "Chi phí 10% đối với các tập đoàn nước ngoài là rất lớn, chứ đối với các doanh nghiệp trong nước thì không đáng kể, như vậy, các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp có quyền định đoạt chi phí sao cho có hiệu quả nhất, không nên can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp".

Nhà hoạt động công đoàn Đặng Ngọc Tùng cho rằng: "Dự luật quy định các khoản chi vượt mức theo quy định của pháp luật có liên quan đến tiền ăn giữa ca, tiền trang phục, các khoản chi trả cho người lao động không được ghi trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động mà không được trừ khi tính thuế là vô lý, quá lạc  hậu". Ông Tùng bức xúc: "Quy định như thế thì chết người ta rồi".

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.