Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13: Xử lý nghiêm hành vi cản trở luật sư

24/10/2012 03:45 GMT+7

Thảo luận về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Luật sư tại hội trường sáng qua 23.10, nhiều ĐBQH đề nghị phải có chế tài nghiêm khắc xử lý các hành vi cản trở, trì hoãn quyền có luật sư của nghi can và bị can.

 ĐB Trương Trọng Nghĩa
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu thảo luận tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Báo cáo những nội dung Ủy ban TVQH tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự luật trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay, qua thảo luận, có ý kiến tán thành quy định của dự luật cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (GCNNBC) cho luật sư (LS) khi tham gia tố tụng hình sự, tuy nhiên ý kiến khác đề nghị nên bỏ quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho LS. Riêng Ủy ban TVQH đề nghị giữ nguyên quy định này và viện dẫn “thực tiễn cho thấy, những vướng mắc về việc cấp GCNNBC cho LS hiện nay chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện mà không vướng mắc về pháp luật”.

 

Luật Tố tụng hình sự quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa trong vòng 24 tiếng đối với người bị tạm giữ và 3 ngày đối với người bị tạm giam, khi LS đã có đủ thủ tục. Nhưng trên thực tế thời gian này rất ít khi bảo đảm, có vụ hàng tháng trời bị can vẫn chưa được tiếp xúc với LS

LS Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu lại thông tin đáng chú ý Viện trưởng Viện KSND tối cao báo cáo hôm khai mạc kỳ họp, đó là thời gian qua, số LS tham gia vào các vụ án hình sự chỉ đạt 9,33%; trong đó hết 6% là án chỉ định. ĐB Xuyền cho rằng, chủ trương cải cách tư pháp sẽ khó thành hiện thực nếu không tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc hành nghề của LS hiện nay. “Nên mạnh dạn bỏ GCNNBC áp dụng với LS”, ông Xuyền đề nghị.

Phản ánh “việc cấp GCNNBC hiện nay là một trở ngại lớn”, LS Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) dẫn chứng: Luật Tố tụng hình sự quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa trong vòng 24 tiếng đối với người bị tạm giữ và 3 ngày đối với người bị tạm giam, khi LS đã có đủ thủ tục. Nhưng trên thực tế thời gian này rất ít khi bảo đảm, có vụ hàng tháng trời bị can vẫn chưa được tiếp xúc với LS. Để khắc phục, ông Nghĩa đề nghị “bỏ GCNNBC trong tố tụng hình sự và nếu có giữ thì phải quy định rõ là có hình thức xử lý thật nghiêm khắc các hành vi cản trở, trì hoãn quyền có LS của nghi can và bị can”.

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) lưu ý thêm dự thảo luật cần quy định cụ thể về chỗ ngồi của LS khi tham dự phiên tòa. Vì theo ông, việc bố trí chỗ ngồi của LS lâu nay được vận dụng không thống nhất, không thể hiện được vai trò là người tham gia tố tụng, là người bào chữa và bảo vệ quyền lợi của đương sự. “Có phiên tòa LS được bố trí ngồi ở phía trên của đương sự, cũng có phiên tòa bố trí LS ngồi ở đằng sau đương sự cùng với những người tham dự phiên tòa, có khi nhiều bị can thì LS ngồi rất xa nên không nghe rõ các ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát cũng như của Hội đồng xét xử. Hình ảnh LS tham gia tranh tụng tại tòa mà ngồi dưới nói vọng lên để tranh tụng với các công tố viên thì chúng ta cũng thấy được rằng sự khó khăn của LS trong quá trình bào chữa”, ĐB Hùng nói.

Ý kiến luật sư

Còn phân biệt đối xử

Mặc dù, quyền nhờ bào chữa, quyền hành nghề của LS là mục tiêu trong tiến trình cải cách tư pháp, nhưng khi nghiên cứu so sánh trong thực tế giữa luật Trợ giúp pháp lý và luật LS vẫn còn khoảng cách khác biệt và phân biệt đối xử.

Theo quy định luật Trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý được quyền tự mình yêu cầu hoặc thông qua người thân thích, người đại diện theo pháp luật hoặc người ủy quyền... gửi đơn yêu cầu cơ quan thẩm quyền, tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, cho người thuộc diện được trợ giúp đang là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự để nhờ bào chữa - bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào.

Trong khi đó, Thông tư 70/2011 ngày 10.10.2011 của Bộ Công an lại quy định LS chỉ được cấp giấy chứng nhận bào chữa khi người bị tạm giữ, bị can có giấy yêu cầu LS hoặc giấy của người bị tạm giữ, bị can nhờ người thân liên hệ LS.

Như vậy, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa và quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật chưa được đảm bảo; còn đang bị phân biệt đối xử giữa người bị tạm giữ, bị can không thuộc diện trợ giúp pháp lý. Những quy định này cho thấy hoạt động hành nghề của LS cũng bị phân biệt đối xử, gây khó khăn không ít trong thực tiễn, vì đối tượng mà LS nhận bào chữa thường là những người không thuộc diện trợ giúp pháp lý; LS khi tham gia vụ án phải chứng minh họ được người bị tạm giữ, bị can chính thức yêu cầu nhờ bào chữa ngay từ trong trại tạm giam là điều hạn hữu khó khăn.

LS Nguyễn Thanh Lương (Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre)

Không cần cấp giấy chứng nhận

Trong dự thảo sửa đổi lần này tôi thấy quy định cấp Giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự trong các vụ án dân sự là một thủ tục hành chính hình thức nên được bãi bỏ. Chỉ cần đương sự có đơn nhờ LS là được, không cần phải tòa cấp giấy chứng nhận. Bởi lẽ không có LS nào tự nhiên lại đi bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình mà không có đơn nhờ của khách hàng, thứ hai đây là quyền đương nhiên của đương sự.

LS Nguyễn Phúc Thái  (Đoàn LS Đà Nẵng)

Đa dạng các hình thức xử lý

Luật LS cần sửa đổi, bổ sung quy định: người nào có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của LS, tổ chức hành nghề LS hoặc cản trở LS, tổ chức hành nghề LS thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc đa dạng các hình thức xử lý để nhanh chóng ngăn chặn việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của LS, tổ chức hành nghề LS hoặc cản trở LS, tổ chức hành nghề LS thực hiện quyền, nghĩa vụ.

LS Hà Hải  (Phó chủ tịch Hội đồng khen thưởng - kỷ luật Đoàn LS TP.HCM)

Tạo hành lang pháp lý cho nghề luật sư

Qua 5 năm thực hiện luật LS cho thấy hoạt động của nghề LS góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, công bằng xã hội. Từ thực tiễn hoạt động của LS ở TP.HCM, chúng tôi thấy rằng còn một số khó khăn, đó là số lượng, chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng việc sửa đổi luật lần này sẽ khắc phục những tồn tại đó, đồng thời tạo ra một hành lang pháp lý tốt hơn cho nghề LS. Trong dự thảo luật lần này có một số điều cần phải cân nhắc kỹ hơn, chẳng hạn tại điều 17 quy định về cấp chứng chỉ hành nghề LS. Nếu một người đã được xóa án tích thì dĩ nhiên họ không có tội nhưng vẫn quy định không được hành nghề là bất công, phân biệt đối xử. Đó là chưa kể điều này đã mâu thuẫn với bộ luật Hình sự, luật Lý lịch tư pháp.

LS Nguyễn Văn Hậu  (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

Lê  Nga - Thái Sơn (ghi)

Nguyệt Minh

>> Thủ tướng nhận lỗi vì những yếu kém của Chính phủ
>> Hôm nay khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13: Cử tri yêu cầu xử nghiêm tham nhũng
>> Cần giải trình trước Quốc hội về an toàn đập Sông Tranh 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.