Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI: Đề nghị bảo hộ tên riêng của những người nổi tiếng

30/05/2005 23:17 GMT+7

Sáng qua 30/5, Quốc hội đã hoàn thành việc cho ý kiến vào dự án Luật Các công cụ chuyển nhượng và dành buổi chiều cho dự án Luật Sở hữu trí tuệ.

Chứng chỉ tiền gửi cũng được chuyển nhượng?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đã một lần nữa phải "diễn nôm" dự án Luật Các công cụ chuyển nhượng trước khi Quốc hội cho ý kiến, do tính chất đặc thù của vấn đề. Cũng bởi vậy, điều dễ hiểu là có rất ít đại biểu (ĐB) Quốc hội đăng ký tham gia ý kiến.

Mặc dù còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của luật do thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên đa số các ý kiến đều thống nhất ban hành luật để có thêm các công cụ chuyển nhượng cho nền kinh tế. Ý kiến về tên gọi của luật phân tán hơn cả. Nhiều ý kiến (trong đó có Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội) đồng ý tên gọi như dự thảo nhưng cũng không ít phân tích cho thấy, hợp lý nhất phải gọi là Luật Hối phiếu, vì thực chất nó cũng chỉ điều chỉnh các loại hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ. Loại ý kiến khác cho rằng, phải gọi là Luật Hối phiếu và séc.

ĐB Mạc Kim Tôn (Thái Bình) là người mở đầu cho quan điểm cho rằng, các công cụ chuyển nhượng không chỉ bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và séc mà cần phải bổ sung chứng chỉ tiền gửi. Theo ĐB Tôn: "Bản chất của chứng chỉ tiền gửi cũng là một loại hối phiếu nhận nợ do ngân hàng phát hành, đây cũng là chứng chỉ bằng văn bản và nó chứa đựng yêu cầu về thanh toán. Do đó nó có khả năng chuyển nhượng từ người này sang người khác". Thống đốc Lê Đức Thúy giải thích rằng, hiện tại chứng chỉ tiền gửi ở Việt Nam chưa được phát hành đúng theo thông lệ quốc tế nên chưa thể đưa vào luật. Tuy nhiên đa số các ý kiến phát biểu sau đó ủng hộ ông Mạc Kim Tôn nhằm giảm dùng tiền mặt trong lưu thông. Một ĐB khác của Thái Bình, ông Lê Quốc Dung tha thiết mong Quốc hội quyết định vấn đề này vì "ích nước, lợi dân". Ông Dung nói: "Trên thực tế không ít người rút tiền của ngân hàng này hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ đồng để trả cho khách hàng thanh toán vào một ngân hàng khác bằng tiền mặt. Tại sao chúng ta không mở rộng các điều kiện để họ chuyển nhượng cho nhau bằng chứng chỉ này và các ngân hàng theo đó thanh toán cho nhau một cách thuận tiện". Theo các ĐB thì hiện các ngân hàng thương mại đang làm nhưng vấn đề là phải đưa vào luật quy định.

Tên riêng của người nổi tiếng cũng là một thương hiệu

Đây là quan điểm của ĐB Võ Quốc Thắng (Long An) khi thảo luận về Luật Sở hữu trí tuệ. Ông Thắng kể chuyện một tiệm giải khát lấy tên là Tài Em đã kinh doanh thuận lợi, rất nhiều người hâm mộ vận động viên Phan Văn Tài Em đã đến đây và điện thoại chúc mừng Tài Em có cửa hiệu kinh doanh phát đạt, mặc dù chủ tiệm này không có liên quan họ hàng gì và cũng không xin phép sử dụng tên của vận động viên này. Từ đó, ông Thắng cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ phải bổ sung quy định về tên riêng của những người nổi tiếng cũng phải được đăng ký và bảo hộ như đối với một thương hiệu. Ông Thắng cũng đề nghị mở rộng phạm vi bảo hộ đối với các nhãn hiệu nổi tiếng ở tất cả các ngành hàng. Bởi vì theo ông, nếu quy định như dự thảo thì nhãn hiệu Toyota vốn được đăng ký ở ngành hàng ô tô sẽ không được bảo hộ nếu ngành hàng may mặc cũng sử dụng nhãn hiệu này. Ông Thắng rất bức xúc vì hiện tại đang có một cửa hàng thời trang lấy tên là Đồng Tâm và dùng logo của gạch Đồng Tâm nhưng ông không thể khởi kiện họ vì ngành hàng mà Đồng Tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là gạch trong khi cửa hàng kia lại kinh doanh thời trang.

Cũng liên quan đến vấn đề nhãn hiệu và thương hiệu, ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) không đồng tình với dự thảo quy định về bảo hộ nhãn hiệu và thương hiệu giống nhau. Theo ông Trân, thương hiệu khác nhãn hiệu vì nó còn bao hàm cả uy tín trong đó nên phải có quy định về bảo hộ khác.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.