Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI: Giá tính thuế nhập khẩu là giá thực tế theo hợp đồng

27/05/2005 23:13 GMT+7

Chỉ trong buổi sáng hôm qua, đã có 25 ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại hội trường góp ý cho dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Cũng chiều qua, QH đã hoàn thành việc cho ý kiến vào dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) - nội dung mà theo dự kiến chương trình QH sẽ phải làm việc cả ngày thứ bảy (28/5) mới xong.

Giá tính thuế là giá thực tế

Đây là sửa đổi được chú ý trong dự thảo lần này: đối với hàng hóa xuất khẩu (XK), giá tính thuế là giá bán tại cửa XK, theo hợp đồng; đối với hàng hóa nhập khẩu (NK), giá tính thuế là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, theo hợp đồng. Hầu hết các ĐBQH đều đồng tình với sửa đổi này vì thực chất nó phù hợp với quy định của hiệp định chung về thương mại và thuế quan mà Việt Nam đã cam kết. Tuy nhiên nhiều ĐB cũng bày tỏ sự lo ngại về việc quy định này sẽ bị lợi dụng. ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), vốn là một doanh nhân, đặt vấn đề: "Hành vi gian dối về giá trong hợp đồng NK và kê khai hải quan không chỉ theo hướng ghi giá thấp để bớt thuế NK phải nộp, mà còn xảy ra theo hướng nâng giá cao hơn với những mặt hàng thuế suất thấp, hoặc được hưởng ưu đãi về thuế khi nhập vào. Điều này nhằm làm tăng giá thành sản xuất, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp".

Các ĐBQH đặc biệt lo ngại về tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi khi thảo luận về Dự luật Khoáng sản. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Bình Dương) đề nghị phải bổ sung nguyên tắc đảm bảo cảnh quan, môi trường khi khai thác khoáng sản. Bà lấy ví dụ rất nhiều du khách nước ngoài tỏ ra bất bình vì những khu khai thác đá vôi bừa bãi dọc đường vào vịnh Hạ Long. Cũng liên quan đến các quy định về nguyên tắc khai thác khoáng sản, nhiều ĐB đề nghị phải quy định cụ thể, tránh việc nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng xin dự án để khai thác khoáng sản chui.

ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) bổ sung: "Tình trạng này là một thực tế, nhất là ở những liên doanh với nước ngoài, thường đội giá NK nguyên liệu và thiết bị lên để rút vốn và làm cho doanh nghiệp sẽ lỗ". Rất nhiều dẫn chứng về việc tất cả chi phí rất lớn của những cuộc đi nước ngoài "tìm hiểu thị trường", "ký kết hợp đồng" đã được đưa vào giá thành mua vật tư, thiết bị, được ghi vào hợp đồng khiến cho nhiều nhà máy của ta (điển hình là nhà máy đường) bị lỗ khi đi vào sản xuất được các ĐB đưa ra yêu cầu phải bổ sung quy định để có thể kiểm soát được giá trên hợp đồng với giá thực tế của thị trường.

Chậm nộp thuế bị phạt, cơ quan thuế tính thuế nhầm thì sao?

ĐB Nguyễn Thị Nghĩa (TP.HCM) có cái nhìn rất thực tế của một nhà kinh doanh, đồng ý với những xử lý vi phạm đối với các đối tượng nộp thuế vừa được bổ sung nhằm ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế, chây ì nộp thuế, nhưng bà cho rằng "nó thiếu tính công bằng đối với các doanh nghiệp". Cụ thể, theo dự thảo, nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế sẽ bị phạt mỗi ngày 0,1% giá trị thuế phải nộp và còn bị cưỡng chế, nhưng nếu có sự nhầm lẫn trong kê khai tính thuế thì doanh nghiệp được hoàn trả số tiền thuế nộp thừa trong thời hạn 365 ngày kể từ ngày phát hiện ra nhầm lẫn. Bà Nghĩa nói: "Như vậy thì Nhà nước chỉ đứng về phía Nhà nước thôi mà không đứng trên góc độ doanh nghiệp để tạo điều kiện cho họ làm ăn". Bà Nghĩa đề nghị phải bổ sung quy định, nếu cơ quan thu thuế nhầm lẫn cũng phải trả tiền phạt bằng mức quy định cho doanh nghiệp chậm nộp, hoặc ít ra bằng lãi suất ngân hàng. Dự luật cũng bổ sung quy định nếu chậm hoàn thuế (do lỗi của cơ quan thuế) thì ngoài số tiền phải hoàn trả, đối tượng được hoàn thuế còn được trả một khoản lãi theo mức lãi suất của ngân hàng. Tuy nhiên ĐB Trần Hữu Hậu cho rằng như vậy vẫn "không công bằng", bởi vì lãi suất ngân hàng hiện tại là 0,68%/tháng, trong khi nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế thì bị phạt tới 3%/tháng và nếu quá 90 ngày còn bị cưỡng chế...

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.