Kỳ họp thứ hai, QH khóa XII: Thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

14/11/2007 15:44 GMT+7

*Thông qua Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2008 Ngày 14.11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại Hội trường Dự Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.

Các đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh ( Hà Nội), Đinh Thế Huynh (Tuyên Quang), Huỳnh Nghĩa ( Đà Nẵng) và nhiều đại biểu khác tán thành với Chính phủ về sự cần thiết phải sớm ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Các đại biểu cho rằng quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là một vấn đề quan trọng, có vai trò quyết định trong việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm thực thi pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Trong thực tế, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vẫn còn nhiều bất cập: Tình trạng tài sản nhà nước không được sử dụng đúng mục đích, kém hiệu quả và không được quản lý chặt chẽ, gây thất thoát, lãng phí còn nhiều. Việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước chưa triệt để, dẫn đến không xác định được trách nhiệm khi xảy ra hậu quả. Tình trạng tham ô, tham nhũng, không những không giảm mà còn gia tăng, cá biệt có vụ làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của kinh tế nhà nước. Nhiều đại biểu cho rằng chưa có quy định của pháp luật về trách nhiệm cũng như cơ chế giám sát quản lý và sử dụng tài sản công, là kẽ hở làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Các đại biểu nhấn mạnh: Việc ban hành Luật này phải tạo cơ sở pháp lý nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, loại bỏ cơ chế xin - cho, cơ chế phân phối dựa theo quan hệ thân quen, tư tưởng thừa còn hơn thiếu trong nền kinh tế tập trung, bao cấp trước đây. Thay vào đó, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải giải quyết có hiệu quả các quan hệ giữa nhu cầu và sử dụng; quyền đi đôi với trách nhiệm; tài sản gắn với quyền và trách nhiệm sử dụng tài sản; gây thiệt hại phải bồi thường; phân biệt rạch ròi giữa chức năng, nhiệm vụ của chủ thể quản lý nhà nước về tài sản và chủ thể quản lý, sử dụng tài sản...

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong thời gian qua, báo cáo số liệu cập nhật về tổng giá trị tài sản hiện nay, đặc biệt là thực trạng quản lý, sử dụng tài sản nhà nước do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân quản lý, sử dụng; số liệu cụ thể về tài sản nhà nước hiện đang được giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác quản lý, sử dụng để các đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.

Trong phiên thảo luận, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, về việc áp dụng cơ chế mới trong quản lý, sử dụng tài sản.

Thông qua Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2008

Tiếp theo chương trình, QH đã xem xét, thông qua toàn văn Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2008. Nghị quyết nêu rõ: Về phân giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008, đề nghị Chính phủ:

- Giao nhiệm vụ thu chi, ngân sách cho từng Bộ, cơ quan khác ở Trung ương; giao nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 20.11.2007 theo đúng Nghị quyết của QH và thông báo đến từng đoàn đại biểu QH của địa phương.

- Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu NSNN trên địa bàn; dự toán chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán ngân sách cấp mình theo quy định của Luật ngân sách nhà nước (NSNN).

- Chỉ đạo các Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai giao dự toán thu, chi NSNN năm 2008 đến từng đơn vị trước ngày 31.12.2007; chỉ đạo tổ chức công khai dự toán ngân sách theo đúng quy định của Luật NSNN.

- Chỉ đạo các Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương phải bố trí vốn đầu tư tập trung cho các công trình, dự án kết cấu hạ tầng thuộc lĩnh vực kinh tế xã hội không có khả năng thu hồi vốn và tập trung hỗ trợ có mục tiêu cho các nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Đối với những Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương còn nợ tồn đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc NSNN trái quy định phải bố trí trong dự toán ngân sách năm 2008 của đơn vị mình để thanh toán dứt điểm, không để phát sinh nợ tồn đọng mới và không bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.