Hiện tại, Huỳnh Minh Hiệp đang nắm giữ nhiều kỷ lục.
Kỷ lục do tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu công nhận: Tiệm cà phê Lúa xưa - Nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước năm 1975) với số lượng nhiều nhất; Người Việt Nam sở hữu bộ sưu tập program - poster phim chiếu rạp và các tư liệu, hiện vật về cải lương trước 1975 của Việt Nam với số lượng nhiều nhất.
Kỷ lục do tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận: Người có bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam; Người sở hữu bộ sưu tập phiếu đi chợ và các hiện vật, giấy tờ liên quan dịch Covid-19 tại các địa phương của Việt Nam có số lượng nhiều nhất; Tiệm cà phê Lúa xưa - Nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước năm 1975) với số lượng nhiều nhất; Người Việt Nam sở hữu bộ sưu tập program - poster phim chiếu rạp và các tư liệu hiện vật về cải lương trước 1975 của Việt Nam với số lượng nhiều nhất.
"HAI LÚA" HOÀI CỔ
Anh hay nhận mình là "Hai Lúa", nhưng tôi lại nghe nói anh sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở xứ sở công tử Bạc Liêu?
Huỳnh Minh Hiệp: Ông tổ tôi là Đốc phủ sứ Bạc Liêu, một trong bốn người theo Mạc Thiên Tứ từ Triều Châu sang khai phá vùng đất này. Còn ông cố phía bà nội là cụ Cao Triều Phát (1889 - 1956), một nhân sĩ trí thức, từng làm Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cố vấn Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ. Ông cố từng làm quan triều vua Khải Định và sau đó từ quan về Bạc Liêu lấy vợ, sinh con. Để nhớ sự kiện này, cụ cố đã đặt tên con theo thứ tự từ lớn đến nhỏ: Kiếu, Triều, Năm, Khải, Định.
Có xuất thân trong gia tộc như vậy, chắc khi bước vào đường đời, hoa hồng đã trải sẵn dưới chân anh?
Không hề. 18 tuổi tôi đã bươn chải kiếm sống bằng nghề đánh trống để "kiếm cơm" qua ngày. Thế là tôi đi học pha chế rượu. Năm 20 tuổi tôi đã có bằng pha chế rượu để "cải thiện" cuộc sống. Sau này, tôi đi đóng phim, bắt đầu là những vai quần chúng, rồi mới có được những vai lớn hơn một chút… Tôi luôn cố gắng học hỏi và lao động hết sức mình để cuộc sống mỗi ngày tốt dần lên.
Bây giờ anh là ông chủ của hai quán cà phê hoành tráng ở TP.HCM gồm Cà phê Lúa và Cà phê Phiim, đó cũng là nơi lưu giữ hàng ngàn kỷ vật làm nên nhiều kỷ lục. Vậy niềm đam mê sưu tập của anh bắt đầu từ khi nào?
Phải nói ngay Cà phê Lúa và Cà phê Phiim không phải mình tôi sở hữu mà có sự hợp tác của diễn viên Kim Tuyến. Còn niềm đam mê sưu tầm kỷ vật của tôi bắt đầu nhen nhóm từ ông nội và ba. Ông nội gìn giữ hàng tá bức thư tình ngọt ngào và lãng mạn suốt mấy chục năm trời. Còn ba tôi, sinh thời có bộ sưu tập tiền cổ "độc nhất vô nhị". Đầu tiên, tôi quyết giữ những bức thư tình của ông nội, đặc biệt là giữ "bửu bối" tiền cổ của ba. Sau đó, tôi sưu tầm thêm những loại tiền cổ khác. Trong các loại tiền cổ, thì hơn 200 tờ "tiền đắp nền" hay còn gọi tiền đóng dấu của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, tôi coi như báu vật. Loại này cực hiếm, chỉ sử dụng có 5 năm (1948 - 1952), trong thời gian chờ tiền giấy Nam bộ. Năm 2006, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tôi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc đó là bác Nguyễn Văn Giàu mời ra Hà Nội thuyết trình về loại tiền này…
Bằng cách nào mà anh tìm được số lượng kỷ vật khủng như vậy?
Nhờ nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam ở Trung tâm UNESCO từ 2005 đến nay, tôi có cơ hội gặp gỡ, giao lưu rất nhiều nhà sưu tập, nhà nghiên cứu nên thuận tiện cho việc sưu tầm. Tôi cũng tìm các kỷ vật từ các nguồn khác nhau. Ví dụ lên mạng biết có nhà sưu tầm sở hữu 2 chiếc xe máy thời vua Bảo Đại là tức tốc đi tìm. Đi nhiều lần thuyết phục, cuối cùng lần thứ 5 ngồi lai rai, trổ tài ảo thuật, nhà sưu tập mê quá nên xiêu lòng bán lại.
Ngoài những kỷ vật trong các bộ sưu tập đã được xác lập kỷ lục, anh còn có "hàng độc" gì chưa tiết lộ?
Còn hàng trăm bìa nhạc của cố nhạc sĩ tài hoa Y Vân, Giấy thưởng tiền của vua Bảo Đại cho Phó tổng phủ Hàm Thuận (Bình Thuận) Phạm Viết Thức (1942), Tiểu dẫn thời Đông Dương (thông báo hủy tiền), Thông báo in 5 loại tiền cuối cùng của Việt Nam cộng hòa (1972), Thông báo đổi tiền của Chủ tịch Cách mạng lâm thời miền Nam VN Huỳnh Tấn Phát (1975), Đồng bạc của vương quốc Phù Nam. Đặc biệt, tờ tiền 20 đồng có đóng dấu của Ủy ban Kháng chiến hành chánh của làng Nhơn Ái, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ, hoặc những tờ báo xưa… Trong những tờ báo thuộc hàng xưa nhất phải kể đến Gia Định Báo ra mắt ngày 2.9.1890, tôi tìm tờ này trên 10 năm mới thấy ở ngoài Bắc. Tôi còn giữ tờ Lục Tỉnh Tân Văn mà ngay cả Bảo tàng TP.HCM cũng chỉ có bản photocopy…
Tôi yêu quý Huỳnh Minh Hiệp vì anh là một người trẻ nhưng rất yêu thích cổ vật, có tấm lòng gìn giữ di sản văn hóa dân tộc trước vấn nạn "chảy máu" cổ vật ra nước ngoài. Các bộ sưu tập của Hiệp rất độc lạ. Anh xứng đáng là nhân vật nổi bật trong số rất nhiều vị yêu quý bảo vệ "hồn cốt" của Sài Gòn xưa và TP.HCM ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Quế, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM
Anh đã bao giờ định bán hiện vật sưu tầm?
Tôi chưa bán món nào, nhưng tôi đã đem tặng cho nhiều bảo tàng. Tôi cũng tham gia không một chút tư lợi vì những chương trình mang tính văn hóa, nhân văn. Tết Quý Mão vừa qua, tôi đưa cả kho kỷ vật Sài Gòn xưa đến tái hiện không gian Sài Gòn xưa tại nhiều nơi ở TP.HCM. Trong đó, không gian Sài Gòn xưa tại Văn phòng Thành ủy, nơi tổ chức sự kiện đón gần 1.000 kiều bào, đã để lại rất nhiều ấn tượng đối với lãnh đạo thành phố, đặc biệt là kiều bào. Nghe kiều bào nói không gian Sài Gòn xưa thiệt đẹp và thành phố có thư khen "bổn tiệm", vậy là vui rồi.
Bình luận (0)