TNO

“Kỷ lục” về sự chịu đựng

27/08/2011 23:40 GMT+7

Cả tuần nay, dư luận rất bức xúc việc “các cháu trường Mầm non Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội phải đi vệ sinh vào túi ni-lông” vì cả trường gần 700 cô và trò chỉ có 1 nhà vệ sinh dùng cho tiểu tiện.

Nhiều người không tin, cho là mấy kẻ thích đùa vẽ chuyện. Cứ như thời chiến tranh không bằng! Chuyện có thể ở vùng sâu, vùng xa chứ lẽ nào giữa thủ đô Hà Nội? Biết tôi nghi ngờ, các bạn gửi cho cả tá bài viết, có bài kèm ảnh về sự kiện lạ lùng và xấu hổ này.

Được biết Hữu Bằng là xã giàu có nhờ nghề chế biến gỗ và có nhiều xe tải nhất của Thạch Thất. Xã giàu mà như vậy thì xã nghèo như thế nào? Nếu làm một cuộc tổng kiểm tra nhà vệ sinh của ngành giáo dục; sẽ có hàng trăm, hàng ngàn trường học như Hữu Bằng, thậm chí còn tệ hơn? Ai cũng biết đi vệ sinh là nhu cầu thiết yếu, sống còn của con người. Có thể nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc và cả nhịn yêu chứ không thể nhịn đi vệ sinh. Đói - có khi cả tuần mới chết. Nhưng nếu có nhu cầu đi vệ sinh mà không được giải quyết thì chỉ 2 ngày là chết chắc. Chẳng thế mà ở các nước phát triển, nhà vệ sinh còn quan trọng hơn cả phòng khách, phòng ngủ và nhà bếp! Đã có “đầu vào” thì phải có “đầu ra”, đó là quy luật của cuộc sống. “Đầu ra” có vấn đề thì “đầu vào” chắc chắn bị ảnh hưởng. Những năm chiến tranh rồi bao cấp, ăn uống chỉ cốt no nên đi vệ sinh thế nào cũng được, miễn có chỗ xả. Bây giờ, kinh tế phát triển, ăn uống đầy đủ, nhu cầu đi vệ sinh cũng cao hơn và nhiều hơn.

Chuyện nhà vệ sinh thiếu và dơ bẩn là vấn nạn của Việt Nam. Báo chí đã nhiều lần lên tiếng phàn nàn về chất lượng kém và số lượng quá ít các nhà vệ sinh trong trường học. Hình như ai cũng cho đó là chuyện nhỏ? Còn với các “nạn nhân” là học sinh thì đó là chuyện rất lớn nhưng nói chẳng ai nghe? Nhiều người còn nghĩ “con nít, đi vệ sinh chỗ nào chẳng được”. Thật tai hại! Có bao nhiêu em sợ nhà vệ sinh ở trường nên không muốn đi học? Ngồi trong lớp, cứ phải nín nhịn chờ hết giờ về nhà để xả thì còn đâu tâm trí tập trung nghe giảng, nói chi đến việc hứng thú và sáng tạo trong học tập? Nếu suốt 3 năm mẫu giáo - 12 năm phổ thông phải nín nhịn như vậy thì điều gì sẽ xảy ra? Sức học giảm sút và chắc chắn sức khỏe bị ảnh hưởng.

Thông tin cho biết trường Mầm non Hữu Bằng có 53 cô giáo và gần 600 cháu. Hiệu trưởng Phạm Thị Hường thừa nhận: “Về công tác ở trường từ năm 1986, mỗi lần có nhu cầu vệ sinh, cả cô và trò đều rất khổ”. 26 năm nín nhịn của cô và trò. Một “kỷ lục” về sự chịu đựng phi thường! Chủ tịch xã Phan Lạc Trường khoe sáng kiến “khuyến cáo phụ huynh huấn luyện các cháu giải quyết nhu cầu vệ sinh ở nhà là chủ yếu”. Trời ạ! Đến người lớn còn không chịu nổi nữa là trẻ con. Chẳng biết chủ tịch xã đã huấn luyện con mình được như vậy chưa? Trường lớp thì xập xệ, mưa xuống là ngập cống, nước tràn theo rác. Sân ngập, các cháu có nhu cầu là được cô cho xả vào túi ni-lông, rồi vứt vào đống rác trước cổng trường! Người lớn mà đi vào túi ni-lông đã khó, vậy mà 26 năm nay các cô vẫn cần mẫn và cam chịu. Còn giáo viên có nhu cầu thì phải nhờ nhà một giáo viên cách đó gần 1 km!

Không hiểu lãnh đạo Hà Nội sẽ làm gì với tình trạng nhà vệ sinh ở trường Mầm non Hữu Bằng khi chỉ cần vài trăm triệu là các cô cháu ở trường Mầm non Hữu Bằng “lên thiên đàng”. Mấy lần đưa khách từ Vientiane đi Luang Prabang, dọc đường ghé bản chơi, thấy nhà vệ sinh phên lá mà bồn cầu trắng tinh, sạch sẽ đến không ngờ. Đừng đổ tội cho khó khăn. Lào nghèo hơn Việt Nam nhiều. Thiết nghĩ, chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ nhà vệ sinh, từ chuyện lâu nay xem là nhỏ nhặt. Lãnh đạo ngành khi xuống cơ sở phải đi thử nhà vệ sinh trong điều kiện bình thường để đồng cảm với thầy cô và các cháu. Tiền lời mỗi năm mỗi thay sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT thừa sức xây nhà vệ sinh tươm tất cho các trường. Vì sự nghiệp trăm năm trồng người, vì sức khỏe của giống nòi - phải bắt đầu từ nhà vệ sinh.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.