Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 1: Ông đồ tí hon quên chữ

15/04/2013 03:20 GMT+7

Trong chương trình Hội ngộ Ông đồ lần 2 do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) tổ chức tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) ngày 12.1.2013, nổi bật giữa 100 ông đồ có một người... nhỏ xíu.

Vì quá bé nhỏ (chỉ cao 90 cm, nặng 13 kg) nên “ông đồ tí hon” Nhuận Pháp được ban tổ chức xếp ngay ở hàng đầu. Hầu như mọi máy ảnh đều tập trung vào vị trí của thầy. Gọi là thầy bởi thầy Thích Nhuận Pháp (năm nay 28 tuổi) đã xuất gia vào chùa được 11 năm.

Thầy Thích Nhuận Pháp được VietKings công nhận là “ông đồ nhỏ nhất”
Thầy Thích Nhuận Pháp được VietKings công nhận là “ông đồ nhỏ nhất” - Ảnh: H.Đ.N 

Nỗi khổ nhân gian

Nhờ sự sắp xếp của đại đức Thích Giác Thiện, phụ trách cơ sở thư pháp khắc trên đá Thạch Thiện (352B Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM), nơi thầy Nhuận Pháp đang học nghệ mà chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ thú vị.

 

Cả bà mẹ lẫn những vị cao tăng sau này đều bất lực trong việc “khai tâm” cho con người tí hon này, bởi dù chỉ học một chữ cái hôm trước thì hôm sau “ngài” đã quên mất - và cho đến bây giờ (28 tuổi), “thầy đồ” vẫn... mù chữ (nghĩa đen)!

Bà Đinh Thị Anh (sinh năm 1963) cho biết thầy Nhuận Pháp có thế danh là Nguyễn Duy Phương, sinh ngày 19.3.1985 tại Tam Quan, H.Hoài Nhơn, Bình Định. Lúc mới chào đời, Duy Phương chỉ nặng 400 gr và được nuôi với chế độ chăm sóc đặc biệt.

Năm Duy Phương lên 2 tuổi, gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống. Bà Anh kể rằng việc cho Duy Phương đi học rất khó khăn. Mỗi khi bà đưa Duy Phương đến trường xin nhập học, đám học trò và cả người lớn xúm lại xem như thể trước mắt họ là người “ngoài hành tinh”. Không một ngôi trường nào mà Duy Phương có thể theo học dài lâu, cậu bé luôn phải chịu đựng sự hiếu kỳ, tò mò và cả chọc ghẹo của những người chung quanh. Cuối cùng bà Anh chấp nhận để con ở nhà và tự mình kèm cặp cho Duy Phương. Tuy nhiên, cả bà mẹ lẫn những vị cao tăng sau này đều bất lực trong việc “khai tâm” cho con người tí hon này, bởi dù chỉ học một chữ cái hôm trước thì hôm sau “ngài” đã quên mất - và cho đến bây giờ (28 tuổi), “thầy đồ” vẫn… mù chữ (nghĩa đen)!

Thầy “đồ” chữ

Nhưng, điều đặc biệt là năng khiếu về mỹ thuật, mà ta quen gọi là “có hoa tay” thì ngay từ hồi nhỏ Duy Phương đã sớm bộc lộ. Cho nên sau khi được thọ giới với hòa thượng Thích Đạt Đạo (tiến sĩ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, hiện trụ trì chùa Bát Nhã, Q.Bình Thạnh), và được đặt cho pháp danh Thích Nhuận Pháp (vào năm 17 tuổi), thầy còn được đại đức Thích Giác Thiện - một “cao thủ” trong làng thư pháp truyền thụ những kỹ thuật, kỹ năng viết chữ theo dạng thư pháp tiếng Việt. “Thầy đồ” Nhuận Pháp học viết thư pháp theo kiểu… nhớ hình dáng, đường nét của từng chữ Ngộ, Tâm, Nhẫn… rồi “đồ” lại. Thế nên trong lễ báo danh các ông đồ ở Vũng Tàu, thầy đã viết nhầm tên mình là… “Nhuận Phác”.

Ngoài kỹ năng “viết thư pháp mà không… biết chữ”, thầy Nhuận Pháp còn có một lợi thế khác so với các “ông đồ” trong những lần họp mặt, hội ngộ - đó là biểu diễn võ thuật. Nhìn thầy biểu diễn trên sân khấu - cũng xuống tấn, bái chào rồi đi bài quyền: lúc bay lên đá, lúc đảo bộ, lúc đứng tấn một chân, những ngón tay móc cong theo thế trảo quyền… tôi hỏi: “Môn võ thầy biểu diễn là võ gì? Học với ai?”. Thầy đáp: “Ngay từ bé tôi đã rất thích võ thuật, nhưng nếu tìm thầy học võ thì cũng sẽ gặp trở ngại như xin đi học văn hóa, đành ở nhà tự học. Tôi mua băng đĩa võ thuật có xuất xứ từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Thiếu Lâm tự, Thái cực quyền, Túy quyền…) và cả phim hành động của u Mỹ về xem và học theo, tập dượt cho đến lúc thuần thục các thế đánh. Khoái nhất là những màn đánh võ của Tôn Ngộ Không trong Tây du ký…”. Hỏi: “Thầy có sáng tạo ra một môn võ công cho riêng mình? Và đã từng đụng độ với ai chưa?”. Thầy cười đáp: “Tôi không dám gọi đó là một môn võ công cho riêng mình. Chỉ là kết hợp những mảng miếng đã học lóm, tập dượt cho thật nhuần nhuyễn để biểu diễn. Vì nhỏ con nên tôi phải luyện tập cho lối đánh của mình có uy lực nhưng chủ đạo vẫn là “nhu thắng cương”, lấy cái mềm dẻo, uyển chuyển của Hạc quyền, Xà quyền, Long quyền và Túy quyền để chế ngự đối phương (tưởng tượng). Tôi chưa từng gặp đối thủ, nhưng nếu có chuyện đó xảy ra thì… “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” (trong 36 kế, bỏ chạy là… khôn nhất! - NV).

Người viết xin lỗi bà Đinh Thị Anh khi hỏi trong gia đình có “gien di truyền” (về dị dạng) hay không, bà Anh đưa ra một tấm hình chụp cô dâu chú rể, và bảo chú rể là anh ruột của Duy Phương tên Nguyễn Tuấn Chính, sinh năm 1981 và cao 1,68 m, hiện là kỹ sư tin học. Bà Anh còn khoe tấm bằng do VietKings công nhận Nhà thư pháp Nguyễn Duy Phương là ông đồ nhỏ nhất ký ngày 12.1.2013, rồi kể thêm: “Bên VietKings đang làm thủ tục đề nghị Trung tâm Kỷ lục châu Á công nhận thầy là Tu sĩ Phật giáo viết thư pháp nhỏ nhất châu Á. Ban tổ chức Lễ hội Văn hóa quốc tế  - Triển lãm Vermont (diễn ra ở New York, Mỹ) cũng đã gửi thư mời thầy qua viết thư pháp và biểu diễn võ thuật vào tháng 11.2013. Chuyến này được đi Mỹ, sướng nghen!”.

Hà Đình Nguyên

>> Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Ai thiết kế cầu Thê Húc ?
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự: 70 năm một hàng chè

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.