Kỷ niệm 50 năm "Đề cương Cách mạng miền Nam", nhớ đồng chí Lê Duẩn

14/08/2006 00:11 GMT+7

Mới đấy mà đã 20 năm anh Ba về với Bác Hồ, và chỉ sang năm, chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh, nhà yêu nước và người chiến sĩ cộng sản với trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp của danh hiệu cao quý ấy.

Nhớ anh, nhân dân cả nước, và trước hết là bà con, cô bác ở miền Nam, nhớ người con vĩ đại của nhân dân, người đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được Bác Hồ trao cho: giải phóng miền Nam, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhớ anh Ba Duẩn, tôi nhớ tác giả của bản "Đề cương Cách mạng miền Nam" ra đời cách đây đúng 50 năm. Bản "Đề cương cách mạng" ấy được viết trong những năm cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân miền Nam cho hòa bình, thống nhất đất nước theo Hiệp định Genève đã chịu tổn thất nghiêm trọng, được hoàn thành tại cơ quan của Xứ ủy Nam Bộ, giữa thành phố Sài Gòn lúc ấy là nơi đặt bộ chỉ huy tại chỗ của bộ máy chiến tranh xâm lược.

Năm mươi năm đã trôi qua, thời gian giúp làm sáng tỏ tầm vóc của sự kiện lịch sử ấy. Anh Ba Duẩn, sau khi cùng Trung ương Cục hoàn thành nhiệm vụ do Bác Hồ và Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng ủy nhiệm, giải thích cho Đảng bộ và nhân dân miền Nam hiểu rõ chủ trương của T.Ư, tổ chức chuyển quân tập kết, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài sau Hiệp nghị Genève, đã thiết tha xin Bác và Trung ương ở lại cùng với Đảng bộ và nhân dân miền Nam.

Đó là tâm nguyện của trái tim người yêu nước sâu sắc và người lãnh đạo đập cùng nhịp với nhân dân mình, chia sẻ nỗi đau và niềm uất hận với đồng chí, đồng bào ở chính nơi nước sôi lửa bỏng quyết liệt nhất. Đó là ý định của bộ óc sáng suốt và nhạy bén với thời cuộc, hiểáu thấu được tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh và cục diện chính trị nước nhà nằm trong cục diện chính trị quốc tế. Câu nhắn gửi nhờ thưa với Bác xin hẹn gặp lại Bác và các anh trong Bộ Chính trị chừng phải quãng hai mươi năm sau, đã nói lên tầm nhìn và ý chí cách mạng của một người đứng đầu Xứ ủy hiểu rõ trách nhiệm của mình với dân, với Đảng. "Đề cương Cách mạng miền Nam" được viết nên bởi trái tim ấy, khối óc ấy, trong bối cảnh ấy. Chính vì thế, mỗi ý tứ trong "Đề cương" cháy bỏng ngọn lửa cách mạng và ấm nóng hơi thở của nhân dân quần chúng trong cuộc chiến đấu một mất một còn trước âm mưu nham hiểm và sự đàn áp tàn khốc của kẻ thù.

1. Tôi luyện trong cuộc chiến đấu bẻ gãy xiềng xích nô lệ

Tôi tìm hiểu và được biết đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp cộng sản đầu tiên, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, năm 1928 tham gia Hội Thanh niên cách mạng và năm 1930 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi đang hoạt động với trách nhiệm một ủy viên Ban Tuyên huấn của Xứ ủy Bắc kỳ, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù cấm cố, qua các nhà tù Hà Nội, Sơn La rồi Côn Đảo. Người cộng sản kiên trung ấy đã biến nhà tù thành trường học theo đúng ý nghĩa của nó. Đồng chí vừa học những tác phẩm lý luận của C.Mác, của Lê-nin mà cơ sở của ta tìm cách chuyển vào, vừa là người truyền đạt tinh thần cơ bản của lý luận ấy cho các đồng chí của mình. Sau này, tôi có dịp được nghe những đồng chí tù Côn Đảo trở về nói lại với sự khâm phục trí tuệ và bản lĩnh của Lê Duẩn qua những bài thuyết trình về lý luận mà các đồng chí ấy được nghe. Năm 1936, trong bối cảnh mới, kẻ thù buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có Lê Duẩn.

Vừa ra khỏi nhà tù của thực dân, Lê Duẩn sáp vô ngay những hoạt động sôi nổi và quyết liệt của phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương. Với trách nhiệm là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí góp phần quan trọng đưa tới cao trào đấu tranh trên cả nước. Năm 1939, đồng chí sát cánh cùng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị và tiến hành Hội nghị lần thứ VI của Trung ương, quyết định thành lập Mặt trận Phản đế, chuyển hướng cuộc đấu tranh sang một giai đoạn mới. Phong trào đang có những chuyển biến mạnh, thì năm 1940 đồng chí lại bị địch bắt tại Sài Gòn, kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo. Lại 5 năm nữa đồng chí biến nơi tù đày thành nơi học tập, rèn luyện cho mình và cho các đồng chí nhằm chuẩn bị cho những nhiệm vụ sau này. Đã có rất nhiều chuyện cảm động về những tấm gương kiên trung, bất khuất và tinh thần hy sinh cao cả của những người cộng sản, những người yêu nước, với những kỷ niệm thiêng liêng giữa họ và đồng chí Lê Duẩn. Trí tuệ và khí phách ấy sẽ có dịp phát huy trong những thử thách mới, trên những cương vị mới, khi thế lực thực dân phản động tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nhằm đặt lại ách thống trị, xóa bỏ những thành quả mà nhân dân ta vừa giành được bằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

2. Sức tỏa sáng của ngọn đèn "hai trăm nến" trong cuộc Kháng chiến 9 năm

Lớp cán bộ thế hệ chúng tôi, những người được ghé vai cùng gánh vác sự nghiệp kháng chiến 9 năm ở Nam Bộ thường hay nói với nhau: Cụ Hồ quả có tầm mắt lãnh tụ cực kỳ sáng suốt khi trao trọng trách cho anh Ba Duẩn thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc chiến đấu không cân sức giữa trùng vây của kẻ thù trên một chiến trường ở xa Trung ương. Đành rằng có Xứ ủy và rồi Trung ương Cục, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng, song người đứng mũi chịu sào, bộ óc của cuộc chiến đấu ấy, có ý nghĩa quyết định.

Anh Ba Duẩn quả đúng là người đã thấu hiểu được tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, thực hiện một cách xuất sắc sứ mệnh được Bác Hồ và Trung ương ủy thác. Ở tầm nhìn của một người lãnh đạo vượt cao hẳn lên, Anh Ba phân tích tình hình, tổ chức và chỉ đạo lực lượng cách mạng. Thời Kháng chiến 9 năm ở Nam Bộ, mọi người thường gọi anh là "ngọn đèn hai trăm nến". Nhưng anh Ba không chỉ tự mình chiếu sáng, mà có nguồn phát quang vô tận là sự gắn bó máu thịt với nhân dân, lắng nghe, học hỏi, phát huy trí tuệ và sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân.

Người có con mắt nhìn xa trông rộng với sức tỏa sáng kỳ diệu ấy là người có tấm lòng nhân ái thiết tha với nhân dân. Anh Ba gần gũi thân thiết và chân thành với bà con, cô bác từng cưu mang đùm bọc, chở che cho cách mạng. Biết anh là người gánh vác trọng trách của Đảng, song các má ở các cơ sở mà anh thường qua lại vẫn thân thiết xưng hô như với con em trong nhà. Đây chính là động lực thôi thúc anh Ba sau này, khi xin với Bác với Trung ương được ở lại miền Nam, chung lưng, đấu cật với nhân dân trong cuộc chiến đấu mà anh biết rõ rằng sẽ vô cùng gian lao, quyết liệt và lâu dài.

Anh Ba Duẩn là người đã lãnh đạo xóa bỏ tô tức, tạm cấp lại ruộng đất cho nông dân Nam Bộ một cách nhẹ nhàng, đầy sáng tạo, không gây xáo động mà tạo thêm phấn khởi cho mọi tầng lớp ở nông thôn, phát huy lòng yêu nước của những người điền chủ sẵn sàng hiến điền và ủng hộ hoặc tham gia kháng chiến. Người điền chủ lớn ở Rạch Giá hiến toàn bộ gia sản rồi đi cùng kháng chiến là ông bà Huỳnh Thiện Lộc. Từ thời đó đến nhiều năm về sau, anh Ba vạch rõ rằng lực lượng chủ yếu, có lòng yêu nước, có nguồn lực, có hiểu biết và kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp và nông thôn chính là trung nông, mà anh cho là nhân vật trung tâm ở nông thôn.

Anh Ba Duẩn rất quan tâm và dành nhiều tâm trí chỉ đạo xây dựng lực lượng ở đô thị, có lúc dâng thành cao trào ở Sài Gòn và các thành thị Nam Bộ, đặt niềm tin rất cao, rất vững vào lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân thành thị, công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh, tiểu chủ, tiểu thương, chủ doanh nghiệp, cả một bộ phận công chức, quân nhân trong hàng ngũ đối phương.

Anh Ba Duẩn có sức hấp dẫn và chinh phục tuyệt vời đối với các nhà trí thức, các vị nhân sĩ, các vị đứng đầu các tôn giáo, các giáo phái. Anh Phạm Ngọc Thuần từng kể: "Tôi theo cách mạng hồi đó chỉ vì tình cảm chứ không phải lý trí. Không phải là được giác ngộ mà là từ cái nhục mất nước, từ sức hút về, nhân cách và tình cảm chân thành của anh Ba Duẩn".

Không chỉ một trí thức Phạm Ngọc Thuần. Nhiều nhân sĩ trí thức khác cũng đến với cách mạng theo nhiều cách tương tự. Họ được thuyết phục bởi anh Ba Duẩn, bằng lẽ phải, bằng lòng tin chân thành, thật sự kính trọng trí thức và thật lòng trọng dụng đội ngũ những người tiêu biểu này. Anh Ba hiểu rõ vai trò và sức mạnh của họ trong khối đại đoàn kết dân tộc, nhân tố quyết định của kháng chiến.

Người lãnh đạo phong trào đã cảm hóa và quy tụ được vào đội ngũ kháng chiến những tên tuổi tiêu biểu trong đội ngũ trí thức Sài Gòn và Nam Bộ, những người đứng đầu các giáo phái, đặt họ vào những trọng trách để họ thật sự được phát huy uy tín và khả năng, góp phần vào cuộc kháng chiến Nam Bộ. Chúng tôi thường bàn với nhau về cách anh Ba Duẩn bố trí cán bộ, sử dụng trí thức, nhân sĩ và tạo được mối quan hệ chân tình giữa họ với anh Ba và với tổ chức. Mối quan hệ thân thiết giữa anh Ba với cụ Cao Triều Phát, một đại điền chủ, một nhân sĩ tiết tháo được mời giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam Bộ, cách ứng xử của anh Ba với tướng Nguyễn Bình, người được Bác Hồ cử vào Nam đảm đương trọng trách về quân sự là những ví dụ tiêu biểu. Đấy là những bài học thấm thía đối với mỗi chúng tôi. (Còn tiếp)

Võ Văn Kiệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.