Kỷ niệm 60 năm thanh niên xung phong mở đường 12B: Nước mắt rơi ngày gặp mặt

15/03/2019 21:31 GMT+7

Sau 60 năm con đường chiến lược 12B được hoàn thành, 350 đại biểu đại diện cho hơn 4.000 thanh niên xung phong mở đường 12B đã có cuộc hội ngộ đầy xúc động trong lễ kỷ niệm được tổ chức tại Hòa Bình ngày 15.3.

Tham dự lễ kỷ niệm có ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn; đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND, các ban ngành, đoàn thể tỉnh Hòa Bình cùng 350 đại biểu là cựu thanh niên xung phong tham gia làm đường 12B Hòa Bình đến từ 13 tỉnh.
Trong cuộc gặp mặt đầy xúc động, 350 thanh niên xung phong ngày ấy giờ đây ai nấy đều trên 80 tuổi, những cái bắt tay, những cái ôm và có cả những giọt nước mắt đã rơi trong ngày hội ngộ tại nơi ghi dấu kỷ niệm của một thời thanh xuân.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, cụ Nguyễn Như Uyên, Trưởng ban Liên lạc Thanh niên xung phong xây dựng xã hội chủ nghĩa 12B, không thể cầm được nước mắt khi nhắc tới 6 người đồng đội đã mãi mãi bỏ lại tuổi trẻ trên “Công trường thanh niên cộng sản” ngày ấy.
Các cựu thanh niên xung phong làm đường 12B gặp nhau trong lễ kỷ niệm Ảnh Quỳnh Trang
Cụ Uyên chia sẻ: “Đường 12B được hoàn thành với rất nhiều vất vả, gian lao. 6 đội viên của chúng tôi đã vĩnh viễn ở lại với con đường, nhiều đội viên bị thương tật vì tai nạn lao động, bị thú dữ tấn công. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi lại tiếp tục chuyển đến làm các con đường khác, có người trở thành anh hùng, nhiều người trở thành công nhân viên ưu tú của Đảng. Đó thực sự là những năm tháng không thể nào quên”.
Đầu năm 1959, theo đề nghị của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính Hoà Bình, Bác Hồ và T.Ư Đảng đã giao T.Ư Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ xây dựng đường 12B Hoà Bình. Qua 300 ngày đêm xuyên rừng sâu heo hút, vượt mưa rừng, gió núi, con đường dài 48 km nối liền đường 12 và đường 21 đã được hoàn thành. Sức trẻ tình nguyện, mồ hôi, máu và nước mắt của hơn 6.000 đội viên đã đổ xuống để đắp lên từng mét đường.
Cụ Nguyễn Như Uyên xúc động nhớ lại kỷ niệm 60 năm trước Ảnh Quỳnh Trang
Những kỷ niệm làm tuyến đường 12B đã được các cựu thanh niên xung phong kể lại đầy xúc động trong buổi tọa đàm. Cụ Nguyễn Văn Cán, cựu thanh niên xung phong 12B, chia sẻ: “Khi đến công trường 12B Hòa Bình, chúng tôi mới thấy thật sự khó khăn. Đường núi trùng trùng, mưa rét, chúng tôi mặc mỗi người một chiếc áo bông. Trẻ em chỉ ở trần đi dưới đường, thấy cuộc sống của bà con như thế, anh em rất thương và quyết tâm xây dựng bằng được đường 12B. Khi ấy, chính bản thân tôi chưa bao giờ làm những công việc nặng, nhiều anh em cũng thế, nhiều anh em ban ngày đi làm, ban đêm về đau nhức, không dám khóc to, sợ ảnh hưởng đến tinh thần anh em…”.
 Cụ Cán cũng chia sẻ, hình ảnh xe cút kít chính là hình ảnh đại diện của sự sáng tạo trong lao động của anh em lao động trong công trường 12B Hòa Bình. Bởi lẽ, lúc đó đều lao động bằng chân tay chủ yếu, anh em gánh đất đau nhức vai. T.Ư kêu gọi phong trào giải phóng đôi vai, anh em nghĩ đến việc gắn bi vào bánh xe. Chính sự sáng tạo này đã giúp năng suất lao động của anh em lên gấp 5 - 6 lần. 1 chiếc xe có thể thay 5 - 6 người làm.
Cụ Nguyễn Cao Lãng, Phó chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, chia sẻ: “Giai đoạn năm 1959 là thời kỳ miền Bắc nước ta được giải phóng, làm nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa chi viện cho miền Nam thân yêu. Con đường 12B được xây dựng trong thời điểm này có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng. Khi hoàn thành con đường, chúng ta vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam. Đường 12B không chỉ có ý nghĩa quan trọng về chính trị, mà còn đem lại sự đổi mới về kinh tế, xã hội”.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, phát biểu tại lễ gặp mặt Ảnh Quỳnh Trang
Tại tọa đàm, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, xúc động nói: “Chúng cháu cảm thấy hết sức tự hào và khâm phục nỗ lực của các bác khi xây dựng tuyến đường 12B Hòa Bình. Bên cạnh 12B, chúng ta có nhiều kỷ niệm về Đồng Lộc, về con đường Trường Sơn, kỷ niệm về thanh niên xung phong rất nhiều. Thế hệ trẻ ngày nay đã tiếp tục phấn đấu phát huy tinh thần sáng tạo, nhiều công trình an sinh xã hội đã được xây dựng, góp phần xây dựng kinh tế đất nước. Đó là cách các thế hệ sau bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh. Tuổi trẻ sẽ tiếp tục củng cố tổ chức Đoàn vững mạnh, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng để góp phần xây dựng đất nước”.
Trong buổi lễ kỷ niệm, ban tổ chức đã tặng 15 suất quà cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn, tặng 10 huân chương vì thế hệ trẻ cho các cựu thanh niên xung phong. Đặc biệt, các kỷ vật của cựu thanh niên xung phong 12B cũng đã được trao cho Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam.
Sáng 15.3, ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; ông Hoàng Xuân Giao, Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư Đoàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình, cùng đại diện T.Ư Đoàn, cựu thanh niên xung phong làm tuyến đường 12B đã dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Đoàn đại biểu cũng tham dự lễ khởi công xây dựng Công trình biểu tượng thanh niên xung phong đường 12B Hòa Bình tại ngã ba dốc Cun, nơi khởi đầu của tuyến đường 12B tại xã Cao Phong, huyện Thu Phong, tỉnh Hòa Bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.