Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Lực lượng thanh niên xung phong: 1-C, con đường huyền thoại

11/07/2020 07:37 GMT+7

Ngày 15.7.2020 là kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam . Kỷ niệm dấu mốc đặc biệt này, Thanh Niên trích đăng một số kỳ trong cuốn sách 1-C, Con đường huyền thoại (NXB Mũi Cà Mau - NXB Phương Đông).

Tìm hài cốt đồng đội

Những liệt sĩ thanh niên xung phong trên tuyến đường 1-C - đơn vị trẻ của Khu đoàn thanh niên cộng sản Tây Nam bộ thành lập theo sự chỉ đạo của Khu ủy, đã cùng với Đoàn 195, thuộc Cục Hậu cần Quân khu 10 vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí, đưa rước bộ đội, cán bộ, thương binh ngược xuôi chiến trường Tây Nam bộ từ năm 1967 - 1975.
Con đường 1-C là tuyến đường tiếp nối đường Trường Sơn, từ miền Đông Nam bộ về tận mũi Cà Mau. Trên tuyến đường máu lửa này, những thanh niên từ 15 tới ngoài 20 tuổi đã dâng trọn tuổi xuân, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, đón bộ đội từ miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Tây Nam bộ... từ năm 1967 tới ngày thống nhất đất nước.
Bấy giờ, địch tập trung phi pháo, các binh chủng kỹ thuật và chất độc hóa học, quyết liệt đánh phá ngày đêm xuống tuyến đường 1-C. Các chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) tuổi từ 15 đến hơn 20, phần lớn là nữ, ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Rạch Giá, đã đem hết nhiệt huyết tuổi trẻ, hy sinh chiến đấu trên tuyến đường lửa máu - nơi mà “sắt thép đều tan ra”.
Biết bao thành tích và chiến công của tuổi trẻ trong các đại đội TNXP mang tên Nguyễn Việt Khái - Mai Thanh Thế - Tây Đô - Hòn Đất... đã ghi tạc những trang sử kỳ lạ nhất của một thời quên mình chiến đấu cho miền Nam thân yêu được giải phóng.
Nhưng giá phải đổi với chiến tích này của đơn vị TNXP quá lớn. Hàng trăm anh chị em đã hy sinh nằm lại rải rác khắp địa bàn dọc tuyến đường. Có thể nói từ hai bờ biên giới kinh Vĩnh Tế, qua mấy cánh rừng về tuyến Cái Sắn, đến Kiến Phong, Đồng Tháp mà tập trung nhiều nhất là vùng núi Mo So - Ba Hòn - Hà Tiên - Cô Tô... đều có hài cốt chiến sĩ TNXP.
Trong số anh chị em TNXP còn sống sót sau chiến tranh, năm 1997 - 1998 - 1999 - 2000 đều có tổ chức đi tìm kiếm hài cốt đồng đội. Nhưng vì không có cơ quan đơn vị nào có trách nhiệm chủ trì, các chuyến đi trên có tính tự lực lo liệu của một số rất ít anh chị em, và một vài đơn vị, cơ quan ủng hộ theo khả năng, tùy hỷ, nên dù được các trung đoàn biên phòng, Đài truyền hình Kiên Giang... giúp đỡ, việc tìm hài cốt vẫn không đạt kết quả như dự định.
Ngày 10.6.2002, một lần nữa các đồng chí Năm Đoàn (nguyên Liên đội trưởng TNXP tuyến 1-C), Thanh Xuân, Út Mảnh cùng chị Hoàng (vợ liệt sĩ) và Giảng (thương binh) hợp tác nhau góp tiền túi làm chi phí cho chuyến đi tiếp theo với quyết tâm cao. Phương tiện đi, được Phòng Quân báo Quân khu 9 cho mượn xe, Phòng Tham mưu Quân khu cho 100 lít xăng, tài xế mượn của Tiểu đoàn Vệ binh quân khu.
“Lắp ráp” nhiều mảnh tạm bợ như vậy, nhưng khi đến Rạch Giá, đoàn lại được Đài truyền hình Kiên Giang đài thọ ăn ở (luôn hai lần đi, về) và cho thêm 30 lít xăng. Dọc đường thiếu xăng thì các thành viên trong đoàn như Thanh Xuân, Út Mảnh xuất “quỹ nhà” mua thêm.
Ngày 11.6.2002, đoàn đến xã Sơn Kiên, Hòn Đất bốc cốt đồng chí Nguyễn Thị Bé (Đại đội Tây Đô TNXP) quê ở xã Phương Bình, Phụng Hiệp, Cần Thơ.
Đồng chí Sáu Bé hy sinh tháng 4.1971. Do giặc biệt kích bắn chết, lúc đồng chí cùng tiểu đội của mình ở đây (Gồng Gừa) nhận gạo tải về Hòn Đất tiếp tế cho quân ta. Nhờ đồng chí Giảng là người chôn Sáu Bé nên ta đào đúng chỗ, bốc cốt mau lẹ.
Ngày 12.6.2002, đoàn tìm hài cốt đến xã Vĩnh Điều (kinh Vĩnh Tế). Hỏi thăm cư dân địa bàn cũ, nhất là cô bác có tuổi. Ở ấp Đồng Cừ xã này, các cụ già Trần Văn Hườn, Nguyễn Văn Bào, Lê Văn Sâm, 70 tuổi và chú Tám Xà Bam là những người gắn bó với anh chị em TNXP thời trước. Khi giặc bắn các đồng chí chúng ta chết, cô bác địa phương lén lấy thây đem chôn và làm dấu, kiên trì chờ tổ chức và gia đình lên bốc mộ. Khi đoàn đến, chính quyền xã tiến dẫn gặp những bà con này, các cụ mừng rỡ và sẵn sàng giúp đỡ.
Đồng bào ở tuyến kinh Vĩnh Tế ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường của nữ đồng chí Hồng Láng, một thiếu nữ quê xã Phong Lạc, Cà Mau, chưa đầy 20 tuổi, tải hàng qua biên giới. Qua trận “tao ngộ” chiến đấu ác liệt, đồng chí bị thương, giặc bắt được. Hồng Láng chửi mắng quân giặc, không cho y tá của chúng chích thuốc và tự đập đầu vào cột đá hy sinh để bảo vệ bí mật tuyến đường, khiến bọn giặc kinh hãi và đồng bào cảm phục, thương tiếc.
Hồng Láng trở thành huyền thoại của vùng đất Vĩnh Tế và của tuổi trẻ TNXP miền Tây. Hài cốt của đồng chí được bốc về với tấm khăn dù cũ và mái tóc ngang vai quen thuộc lẫn lộn trong đất chiến trường.
Hài cốt đồng chí Cường sát bên mộ Hồng Láng, và hài cốt đồng chí Cuộc - thuộc chiến sĩ Đoàn 195 cùng được lấy đưa về làm lễ truy điệu và an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Cần Thơ.
Chuyến đi 8 ngày vất vả của những đồng chí giàu nhiệt tình và trách nhiệm cao đối với đồng đội cũ đã hy sinh, nhận được sự giúp đỡ của một số ít cơ quan, đơn vị và đặc biệt là nhân dân địa phương, đã lấy được 4 bộ hài cốt, đây là một kết quả hết sức quan trọng.
Nhưng đây mới chỉ là một con số khiêm tốn, chiếm vài phần trăm hài cốt còn thất lạc khắp chiến trường lửa máu 1-C mà những người đang sống không thể bỏ quên họ được. Kết quả buổi đầu này tạo không khí và động lực cho những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội nối tiếp với nhiệt tình và quy mô tổ chức lớn hơn trước mùa nước lũ năm nay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.