TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 19: Câu chuyện giun sán

28/09/2015 23:03 GMT+7

(iHay) Tất cả các sách vở thú y cũng như tài liệu hướng dẫn nuôi chó đều bảo phải xổ giun sán định kỳ cho chó.

(iHay) Tất cả các sách vở thú y cũng như tài liệu hướng dẫn nuôi chó đều bảo phải xổ giun sán định kỳ cho chó. Con đầu đàn tôi không biết hướng dẫn như vậy là đúng hay là sai. 

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 18: Triết lý về con bọ chét
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 17: Vì trẻ thơ

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 19: Câu chuyện giun sán - ảnh 1
Nếu nói đúng thì bạn sẽ giải thích như thế nào đây về tình hình của lũ chó sói, chó rừng, ai xổ giun xổ sán cho chúng mà chúng vẫn cứ sống khỏe? Ngay cả lũ chó nhà, sao chúng vẫn sống tốt với loài người hàng ngàn năm trước khi giới trí thức “phát minh” ra nghề thú y?  Nhưng nếu nói là sai thì tôi không có đủ chứng cứ, lại mang tiếng bài bác khoa học hàn lâm.

Bởi vậy tôi chỉ nói về những con chó của tôi, kinh nghiệm tôi đưa ra cũng chỉ áp dụng cho những con chó của tôi mà thôi, tôi không chịu trách nhiệm nếu ai đó suy rộng ra cho những con chó khác. Những con chó của tôi không bao giờ được xổ giun xổ sán, nhưng chẳng có con nào bị làm sao đối với vấn đề giun sán cả. 

Tôi không nói chó của tôi không “nhiễm” giun sán. Chúng chắc chắn có giun có sán trong người, thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy có con nôn ra một số con giun hay đại tiện ra một số con sán, đó là những cún con 2 hay 3 tháng tuổi, mà không phải con chó con nào cũng có hiện tượng đó, riêng chó lớn thì tuyệt nhiên không. Những con chó của tôi, dù có nôn, có đại tiện ra sán hay không đều lớn lên khỏe mạnh, tất nhiên một số đứa có mắc bệnh này bệnh kia, tôi tạo điều kiện cho chúng tự chữa khỏi, nhưng không có bệnh nào liên quan đến giun sán.
Để có thể hiểu thêm một điều gì đó về chuyện giun sán đối với con chó, có lẽ cũng nên biết qua về chuyện giun sán đối với con người, dù thể trạng và bệnh tật của con người rất khác so với thể trạng và bệnh tật của con chó, không thể nhất nhất dùng tri thức về con này để hiểu con kia được. Cho đến nay, toàn bộ sách vở về y học được phổ cập chính thống ở nước ta, cả Tây y lẫn Đông y, đều coi giun sán là thứ xấu xa bẩn thỉu, chúng tồn tại để gây bệnh cho con người và cho những con vật mà con người sở hữu, không có một câu một chữ tốt lành nào dành cho giun sán. Hiện nay giới y học ngày càng tỏ ra lo ngại về những căn bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch, gọi chung là bệnh “tự miễn”. Bệnh này sinh ra do sự rối loạn của hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người. Hệ thống miễn dịch vốn có chức năng chống lại sự xâm nhập của “kẻ lạ” nhằm bảo vệ cơ thể, nhưng do rối loạn mất phương hướng nên quay ra tấn công chính “người nhà” của mình là các tế bào trong cơ thể, gây ra những tổn hại nghiêm trọng. Y học thống kê có khoảng 160 loại bệnh tự miễn, từ các bệnh về viêm đa khớp, dị ứng da, tổn hại tuyến giáp, đường ruột và nhiều bộ phận khác trong lục phủ ngũ tạng… Người ta tính chỉ riêng nước Mỹ có ít nhất 23 triệu người mắc bệnh tự miễn và số người mắc các căn bệnh này chiếm tới trên dưới 8% dân số của nhiều nước trên thế giới. Do chưa tìm ra nguyên nhân của sự nhầm lẫn người ngoài không đánh mà nhè người nhà mà đánh này nên nói chung y học không có thuốc chữa.
Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 19: Câu chuyện giun sán - ảnh 2
Nhưng con người không bó tay. Người đầu tiên chữa được bệnh tự miễn cho người thân của mình không phải là một vị bác sĩ mà là một ông tay ngang về y học, hình như là một nhà toán học. Ông đã lập một bản đồ phân bố căn bệnh dị ứng da người thân ông mắc phải mà y học không chữa được, ông phát hiện căn bệnh đó chỉ có ở những nước “sạch sẽ”, không tồn tại ở các nước nghèo. Cuối cùng, ông phát hiện có lẽ căn bệnh này liên quan đến sự vắng bóng của giun sán trong cơ thể. Ông lập tức thử đưa giun sán “hồi hương” vào cơ thể người bệnh bằng cách cho … uống trứng giun. Kết quả là người thân của ông khỏi bệnh. Tôi đã đọc ở đâu đó câu chuyện này. Và bây giờ thì đã có một số công trình nghiên cứu theo hướng đó và đã có nhiều người khỏi bệnh bằng “liệu pháp giun sán”, dù chưa được phổ cập trong y học chính thống (*). Các nghiên cứu bước đầu của một số nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, giun sán sống ký sinh trong ruột con người, chúng tuy hút bớt một phần chất dinh dưỡng, nhưng cũng tiết ra các chất cần thiết để giúp cơ thể con người cân bằng hệ miễn dịch, nếu thiếu giun sán, hệ thống miễn dịch sẽ mất cân bằng, rằng giun sán đã cộng sinh trong cơ thể con người hàng triệu năm, đã trở thành một phần của cơ thể chúng ta, mối quan hệ phụ thuộc này bền chắc đến mức nếu chúng ta trục xuất giun sán khỏi cơ thể của mình thì hệ miễn dịch sẽ rối loạn. Các nghiên cứu cũng cho thấy, ở các nước đang phát triển, phần lớn người dân nhiễm giun, nhưng tỷ lệ người viêm ruột (tự miễn) rất thấp, trong khi đó ở các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ người nhiễm giun thấp nhưng bệnh đường ruột lại phát triển một cách đáng kể. Đó là hậu quả của chính sách tẩy giun triệt để (**). Chưa biết đến bao giờ những kết quả nghiên cứu khoa học này mới được giới hàn lâm công nhận. Ở Mỹ người bệnh vẫn phải đang mua trứng giun “chui” để chữa bệnh. Nhưng đó là chuyện của con người, đúng sai tôi không dám bình luận.

Trở lại chuyện của con chó. Vì sao những con chó lớn khỏe mạnh không bao giờ nôn hoặc đại tiện ra giun sán, trong khi chó con lại có hiện tượng đó ? Theo quan sát của tôi, có lẽ là do vấn đề ăn uống. Chó lớn thường ăn đúng cách, thứ gì ăn được mới ăn, thứ gì không ăn được thì không ăn. Còn chó bé thì bạ gì ăn nấy, nhiều khi tôi thấy nôn ra cả một mớ tạp nham có cả dây nhợ và đá cục. Những thứ độc hại đó đã khiến cho giun sán phát triển quá mức chăng? Tôi cũng không dám chắc, chỉ biết sau những lần bài tiết như vậy chúng lại khỏe mạnh bình thường
(còn tiếp)

(*) Xem thêm : Uống 2.500 trứng giun ký sinh để trị bệnh, Vietnamnet.vn, 5.8.2011
(**) Xem thêm : Nhiễm giun cũng … có lợi, baodatviet.vn, 1.7.2010
 

Hoàng Hải Vân

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 17: Vì trẻ thơ
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 16: Con chó và sự bí ẩn trong lòng bàn tay
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 15: Một 'nguồn lực' quân sự quý giá
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 14: ‘Sứ mệnh’ của con chó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.