TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 30: Đám chó nhà tôi ghét nhất ông Khổng Tử

16/02/2016 09:33 GMT+7

(iHay) Kinh Thánh nhắc đến con chó khoảng vài chục lần (có người đếm được 37 lần). Đức Ki-Tô và các vị Tông đồ chỉ tạm mượn hình ảnh con chó để ám thị chuyện của con người chứ không ghét bỏ gì con chó, bằng chứng là Chúa không hề dọa đày lũ chó xuống địa ngục.

(iHay) Kinh Thánh nhắc đến con chó khoảng vài chục lần (có người đếm được 37 lần). Đức Ki-Tô và các vị Tông đồ chỉ tạm mượn hình ảnh con chó để ám thị chuyện của con người chứ không ghét bỏ gì con chó, bằng chứng là Chúa không hề dọa đày lũ chó xuống địa ngục.
Và tôi nghĩ khi một tín hữu Ki-tô giáo lên thiên đường thì Chúa chắc cũng không hẹp hòi gì mà không cho lũ chó của người đó lên theo. Đối với lũ chó của chúng ta, dù chúng ta đi đâu chúng cũng vui vẻ đi cùng, chẳng sá gì thiên đường hay địa ngục. Chúa lòng lành đương nhiên hiểu rất rõ điều đó, nên khi đọc Kịnh Thánh dù Chúa có nói như thế nào về con chó thì chúng ta cũng không nên dính mắc vào văn tự.
Đối với Phật thì mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, con chó tất nhiên không nằm ở ngoại lệ. Trong kinh sách Phật giáo, con chó được nhắc tới rất nhiều. Nhưng điều kỳ lạ là những câu chuyện tốt lành về con chó rất ít thấy trong các kinh sách Phật giáo bằng Hán tự. Chẳng hạn như chi tiết Phật Di Lặc thị hiện thành con chó trong truyện về Bồ tát Vô Trước được ghi trong kinh văn Phật giáo Tây Tạng nhưng chi tiết này bị “ỉm” đi trong kinh sách chữ Hán.
Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 30: Đám chó nhà tôi ghét nhất ông Khổng Tử - ảnh 2
Bồ tát Vô Trước (Asanga), người Ấn Độ (300-370), là một Đại luận sư, người đặt nền tảng cho Du Già Tông hay Duy Thức Tông, một trường phái của Phật giáo đại thừa. Đại sư Thế Thân (Vasubandhu), người được coi là Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ, vừa là em ruột vừa là đệ tử của Ngài Vô Trước (*). Ban đầu Ngài là Tỳ kheo của trường phái Sarvastivada, tu tập 5 năm đã thấu hiểu các kinh kệ Phật Giáo, nhưng không sao quán thông được tính Không của Bát Nhã ba la mật. Ngài bỏ tu viện vào hang động hướng về Bồ tát Di Lặc để tu tập nhiều năm nhưng không chứng ngộ được gì cả. Chán nản Ngài bỏ đi, rồi trở vào, suốt 12 năm vẫn không có chút tiến triển, vẫn không “thấy” được kim thân Đức Di Lặc. Cuối cùng, Ngài thất vọng rời khỏi hang động. Trên đường đi, Ngài gặp một con chó bị bệnh nằm bên vệ đường, thân thể nó lở loét đầy dòi bọ. Quá thương con chó, Ngài cúi xuống định dùng miệng của mình liếm vết thương để chữa bệnh cho nó. Ngay trong khoảnh khắc đó, con chó biến mất và Đức Di Lặc hiện ra, ánh sáng rực rỡ mười phương. Hãy bỏ qua yếu tố thần bí của câu chuyện mà người viết Kinh Phật hay Kinh Thánh thường sử dụng để chuyển tải các thông điệp đến dân gian, chính con chó đáng thương đã giúp cho Ngài Vô Trước phát lộ từ tâm mà thấy được Phật, mà trở thành vị Bồ tát chứng ngộ được sự huyền vi Bát Nhã. Đức Di Lặc còn bảo Ngài cõng mình vào thành, trên đường đi chẳng ai nhìn thấy Đức Di Lặc, chỉ có một bà lão vì có từ tâm nên đã nhìn thấy Ngài cõng một con chó tội nghiệp và tỏ lòng thương xót.
Trong kinh văn chữ Hán, chi tiết Đức Di Lặc thị hiện thành con chó biến mất, và thay vào đó bằng việc Đại sư Vô Trước vận dụng phép thần thông của Tiểu thừa lên thẳng cung trời Đâu Suất để gặp Đức Di Lặc. Tôi hỏi thiền sư Lê Mạnh Thát chuyện Đức Di Lặc thị hiện thành con chó tại sao lại biến mất khi du nhập vào Trung Hoa, thầy thú vị cười phá lên, bảo câu chuyện đó do các nhà sư Tây Tạng thu nhặt tài liệu từ Ấn Độ để viết, còn Đại sư Huyền Trang (nguyên mẫu của Đường Tăng trong Tây Du Ký) sang Ấn Độ thu thập kinh Phật chắc chắn cũng biết câu chuyện với chi tiết như vậy, nhưng không dám viết ra hoặc đã lược bỏ khi dịch, là do không muốn làm cho Hoàng đế bị dị ứng và các nhà nho phản đối. Bởi vì Đức Khổng Tử rất ghét con chó, con chó dưới mắt vị “Vạn thế sư biểu” này là thứ xấu xa chẳng ra gì. Ngài còn đổi trắng thay đen xúc phạm trầm trọng đến lũ chó bằng cách đem hình ảnh của chúng ví với những kẻ tiểu nhân đê tiện. Chuyện Đức Khổng Tử ghét chó là tôi nói, thầy Thát chỉ cười cười gật gật tán đồng, chứ không phải là lời thầy. Đối với các bậc thánh hiền, thầy viết lách hoặc nói năng thận trọng mực thước, chứ không lếu láo như tôi. Có lần thầy kể hồi còn học ở Mỹ, trong một lá thư viết cho cụ thân sinh của mình, thầy đã sơ ý trích dẫn một câu của ông Quách Mạt Nhược nói rất không hay về Khổng Tử, vì câu trích dẫn đó mà cụ thân sinh của thầy đã giận không liên lạc với thầy một thời gian. Cụ thân sinh của thầy Thát tuy là Phật tử nhưng vốn là một nhà nho, mà nhà nho nào cũng kính ngưỡng thánh hiền. Tôi nói với thầy Thát, “đám chó nhà em ghét nhất ông Khổng Tử”, thầy lại cười phá lên, rất tâm đắc.
Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 30: Đám chó nhà tôi ghét nhất ông Khổng Tử - ảnh 3
Thầy Lê Mạnh Thát còn nói, chuyện Đức Di Lặc thị hiện thành con chó tuy không được viết, không được dịch ra chữ Hán, nhưng chắc chắn các vị cao tăng Trung Hoa có truyền miệng với nhau. Bằng chứng là trong các công án thiền thỉnh thoảng vẫn nhắc đến con chó. Một thầy tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu (778-897): “Con chó có Phật tánh chăng?”. Đáp : “Không”. Một lần khác có người lại hỏi : “Con chó có Phật tánh chăng”. Đáp: “Có”. Đó là công án thiền “Triệu Châu cẩu tử” nổi tiếng mà đời sau tốn không ít giấy mực. Phật tánh là thường hằng trong mọi chúng sanh, đâu có thể dùng “Có” hay “Không” mà nói được. “Con đầu đàn” tôi không bình được công án đó, đám chó cũng không quan tâm chúng có Phật tánh hay không, tôi chỉ dẫn ra để trở lại lời thầy Lê Mạnh Thát, rằng tại sao không nói những con khác có Phật tánh hay không mà lại nói con chó ?
Hạnh bố thí ba la mật của nhà Phật có ba cấp độ, là Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Tài thí là đem tiền bạc, của cải hay thức ăn cho người khác. Pháp thí là chỉ cho người khác con đường giải thoát. Vô úy thí là mang đến cho người khác sự không sợ hãi, tức là mang đến sự an lành. Trong ba cấp độ đó, Vô úy thí là cao nhất. Sống giữa đàn chó ta cảm thấy an lành như sống giữa người thân, một sự an lành tinh khiết, vô điều kiện, sự an lành mà trong nhiều khoảnh khắc đưa bạn đến cảnh giới tam muội, dù bạn có ý thức được trạng thái đó hay không.
(còn tiếp)
(*) Thiền sư Lê Mạnh Thát có công trình nghiên cứu chuyên sâu về Đại sư Thế Thân : “The The Philosophy of Vasubandhu”, đó là luận án tiến sĩ triết học mà Thiền sư đã bảo vệ thành công tại Hoa Kỳ.

Hoàng Hải Vân

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 29: Lũ chó và con bìm bịp
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 28: Sự nồng nhiệt chết người
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 27: Lý luận về con đầu đàn thứ thiệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.