Ký sự Tây Âu - Bài 2: Chuyện của hai thủ đô nhà giàu

07/11/2009 00:08 GMT+7

Trong nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới (nhóm G7), châu u có đến 4 nước là Đức, Anh, Pháp và Ý (châu Mỹ có Hoa Kỳ, Canada; châu Á có Nhật Bản).

Điều đó chứng tỏ EU là một khối nhà giàu và chỉ cần lưu trú ở hai thủ đô của Anh và Pháp vài ngày thôi, bạn sẽ cảm nhận được điều đó. Paris và London là hai thành phố khá quen thuộc với du khách Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có dân nhà giàu mới dám nghĩ đến chuyện lãng du ở hai thành phố này vì giá sinh hoạt ở đây khá đắt so với nhiều đô thị khác trong EU. Người ta tính toán sinh hoạt tối thiểu cho một người ở Tây u là 50 euro/ngày (khoảng 1.350.000đ). Như vậy, nếu có thu nhập hằng tháng (ở VN) là 5 triệu đồng thì bạn “sống sót” ở London hoặc Paris được tối đa... 4 ngày! Bạn thèm một tô phở ư? Được thôi, giá của nó trung bình 10 euro/tô (gần 280.000đ), xin mời!

Quá ngao ngán với chuyện kẹt xe kinh niên ở TP.HCM, tôi càng ngưỡng mộ hệ thống giao thông công cộng ở London và Paris. Tàu điện ngầm ở hai thành phố này được người ta xây dựng từ cả trăm năm trước, lúc dân số chưa đông và du khách chưa nhiều như bây giờ. Điều đó chứng tỏ họ có tầm nhìn xa, tiên liệu được những gì sẽ xảy ra trong 100 năm sau và nếu ổn định số dân như hiện nay, hệ thống tàu điện ngầm này còn có thể phát huy tác dụng cho 100 năm nữa. Ước tính có hàng chục triệu hành khách đi tàu điện ngầm mỗi ngày ở cả London lẫn Paris. Nếu TP.HCM và Hà Nội có hệ thống tàu điện ngầm như vậy, chắc chắn câu chuyện bi hài kịch kẹt xe sẽ chấm dứt. Nhưng đến bao giờ chúng ta mới thực hiện được mơ ước có hệ thống tàu điện ngầm như ở Anh và Pháp? Theo cách làm của ngành giao thông công chính của ta hiện nay, chắc ước mơ ấy, theo suy nghĩ của cá nhân tôi, còn xa vời vợi.

 
Xe đạp khóa trên vỉa hè bị “luộc” 2 bánh ở London - Ảnh : Đoàn Xuân Hải

Hệ thống tàu điện cao tốc xuyên quốc gia của các nước Tây u cũng là điều đáng cho chúng ta suy ngẫm. Khi từ vùng Cognac ở miền nam nước Pháp về Paris, chúng tôi được bố trí đi tàu cao tốc với giá vé 109 euro/người (gần 3 triệu đồng) khởi hành từ ga Angouleme. Đoạn đường ấy khoảng 500 km (bằng khoảng cách Sài Gòn - Phú Yên) nhưng chỉ mất 2 giờ tàu chạy với vận tốc 250 km/giờ, gần bằng 1/2 vận tốc máy bay thương mại ATR 72 của Vietnam Airlines từ Tân Sơn Nhất ra phi trường Tuy Hòa. Việt Nam đang có dự án tàu điện cao tốc Sài Gòn - Hà Nội với vận tốc tối đa 350 km/giờ, nếu trở thành hiện thực (chắc còn lâu lắm) sẽ là niềm vui trọn vẹn mỗi độ xuân về Tết đến, đồng thời báo chí cũng đỡ tốn giấy mực để phản ảnh sự quá tải, lạc hậu, nạn bán vé chợ đen chợ đỏ cho hành khách đi tàu hỏa nhiều năm qua.

Có một chuyện thú vị ở London mà khi chứng kiến, tôi liền nhớ đến Sài Gòn, đó là chuyện đào đường quốc lộ. Lúc được đưa đến trung tâm thương mại cao cấp Harrods, gần đó có một công trường đang đào mặt đường nhựa lên để thực hiện một công trình gì đó dưới mặt đất. Họ không dùng các tấm tôn như ở ta để bao quanh công trình thành lô cốt, chỉ đặt những trụ cảnh báo sơn 2 màu trắng-cam bằng nhựa dọc theo chiều dài của công trình chiếm hết 1/3 mặt lộ. Tất cả những xe cộ và trang thiết bị phục vụ cho chuyện đào đường đều được tập kết đầy đủ nơi thi công. Những phương tiện lưu thông các loại qua lại đoạn công trình này chậm hơn một chút thôi, không có chuyện ách tắc giao thông. Sở dĩ công trình này không dựng lô cốt vì người ta sẽ thi công với tốc độ nhanh nhất có thể, công đoạn này vừa xong thì khâu khác nối tiếp ngay, làm ngày làm đêm để sáng hôm sau mặt đường được tái lập như cũ. Giá mà những công trình ở TP.HCM cũng thi công nhanh gọn như vậy thì đỡ khổ biết bao!

Tuy nhiên, ở những đô thị phồn hoa như London và Paris cũng có nhiều chuyện nhức đầu. Lúc đến tham quan tháp Eiffel, tôi thấy dưới mặt đất có khá nhiều anh lính mặc đồ rằn ri giống thủy quân lục chiến với súng tiểu liên lăm lăm trong tay, rảo bước quanh chân tháp, chắc là đề phòng khủng bố. Nhìn chung an ninh nghiêm ngặt. Khi lên tháp Eiffel để ngắm nhìn toàn cảnh Paris thấy trên cửa thang máy có dòng chữ bằng 4 thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha với nội dung: “Coi chừng móc túi”. Không chỉ ở tháp Eiffel, những nơi đông người như siêu thị, tàu điện ngầm, xe bus... đều xảy ra nạn móc túi. Ngay như ở London cũng không thể “phớt tỉnh Ăng-lê” về vấn nạn này. Giàu có như Paris và London mà cũng xảy ra tình trạng trộm cắp xe 2 bánh, thế mới lạ. Để chắc ăn, người ta thường khóa chiếc xe của mình lại trên vỉa hè. Nhưng có chuyện buồn cười là rất nhiều xe đạp không mất nguyên chiếc (vì bị khóa), nên kẻ xấu đã “mượn tạm”... 2 cái bánh xe, để cái sườn lại nằm đau khổ, trơ trọi cho ông đi qua bà đi lại ngắm. Có nhiều người vì mất 2 cái bánh xe đạp nên “gặp nhau làm ngơ” luôn cái sườn xe, báo hại chính quyền thành phố phải thỉnh thoảng cho người đi thu gom mấy chiếc xe “tàn phế” này. Không riêng gì London hay Paris, những chuyện như móc túi, ăn cắp xe đạp, lường gạt du khách ở những thành phố thu hút khách du lịch khác của Tây u mà tôi đã có dịp ghé thăm như Amsterdam (Hà Lan) hay Brussels (Bỉ) cũng diễn ra khá phổ biến. Như thể nơi nào có thiên thần thì chỗ ấy ắt phải có ác quỷ vậy!

Gần cả chục ngày lãng du qua 3 nước Tây u đã cho tôi nhiều điều bất ngờ, thú vị. Nhưng điều khó hiểu nhất là từ những phi trường nhộn nhịp như Heathrow của Anh hay Charles De Gaulle của Pháp cho đến nhà ga, tàu điện ngầm, viện bảo tàng, siêu thị, nhà hát... trong nội đô, chẳng thấy ai đeo khẩu trang phòng ngừa cúm A/H1N1, cũng chẳng nghe ai nhắc nhở về căn bệnh chết người này. Trước khi qua có anh bạn nhờ tôi mua dùm thuốc Tamiflu để phòng ngừa bệnh cúm cho gia đình. Hỏi các nhà thuốc tây ở London và Paris thì họ từ chối bán với lý do phải có toa của bác sĩ. Còn nếu không may mắc bệnh, bạn yên tâm vì sẽ được ngành y tế điều trị ngay và phát thuốc miễn phí.

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.