Kỳ thi THPT quốc gia: Chưa công bố đáp án để phòng ngừa gian lận thi

Quý Hiên
Quý Hiên
27/06/2019 08:09 GMT+7

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết công tác chấm thi được bắt đầu từ ngày 27.6. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT không công bố đáp án ngay sau khi kết thúc 3 ngày thi vì điều này liên quan tới kỹ thuật chấm thi, đặc biệt là phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Ông có thể giải thích cụ thể hơn về việc này?
Tôi chỉ có thể nói việc chưa công bố ngay này là để phục vụ cho việc vận hành chấm thi một cách bình thường, đặc biệt là còn để phòng ngừa những gian lận thi không đáng có. Nhưng không có nghĩa là Bộ không công bố đáp án, mà là sẽ chọn thời điểm phù hợp công bố. Thời điểm nào thì cá nhân tôi chưa thể chia sẻ được vào lúc này, vì ban chỉ đạo thi quốc gia còn phải cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp. Đó sẽ là thời điểm tương ứng với tiến độ chấm thi.
Liệu điều này có gây bất an về tâm lý cho thí sinh (TS) khi đã quen với thông lệ Bộ GD-ĐT sẽ công bố đáp án chính thức ngay sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng?

Không có gì là bất an, vì thi cử là một chuỗi hoạt động, là một quá trình, công bố đáp án chỉ là một khâu nhỏ. Thực tế là các em có nhiều kênh tham khảo để biết kết quả đúng của các câu hỏi trong bài thi. Chúng ta phải đặt an toàn, bảo mật của toàn bộ kỳ thi là mục tiêu hàng đầu.
Được biết, hiện nay có hội đồng thi có độ chênh giữa yêu cầu kỹ thuật về thiết bị và thực tế thiết bị các địa phương trang bị cho việc chấm thi, Bộ đã kiểm tra để có các thông tin cụ thể từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời chưa?
Tất cả cấu hình kỹ thuật của thiết bị chấm, trong văn bản hướng dẫn, chúng tôi đã hướng dẫn đầy đủ. Các đơn vị chỉ việc thực hiện đúng hướng dẫn là đạt yêu cầu. Chắc chắn từ giờ đến lúc chấm thi, không chỉ riêng một địa phương nào, tất cả 63 hội đồng chấm thi của cả nước sẽ phải tiếp tục rà soát, cái gì chưa hoàn thiện thì phải tiếp tục bổ sung, và phải đảm bảo thiết bị có cấu hình chuẩn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm, nhằm không những chấm chính xác, khách quan mà còn có thể phòng ngừa tất cả tình huống bất thường có thể xảy ra ảnh hưởng đến công tác chấm thi.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra kỳ thi THPT quốc gia tại Long An

Đề văn năm nay được xem là đề mở, nhưng đối với đề mở thì nguy cơ mà kỳ thi sẽ phải đối mặt là mức độ chấm “lỏng”, “chặt” khác nhau giữa các hội đồng chấm. Bộ GD-ĐT sẽ hóa giải nguy cơ này thế nào?
Một trong những đặc trưng của chấm thi tự luận là kết quả chấm thi chịu ảnh hưởng chủ quan của người chấm. Vì thế, không chỉ VN, kể cả các nước trên thế giới, khi chấm bài thi tự luận đều phải có những giải pháp kèm theo để đảm bảo dù chấm tự luận nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan, chính xác, tin cậy.
Với bài thi văn kỳ thi THPT quốc gia, dù đề mở nhưng Bộ GD-ĐT cũng có hướng dẫn chấm. Đề mở ở chỗ cho phép TS sáng tạo trong cách trả lời của mình, kể cả về nội dung lẫn cách thức trình bày; nhưng để bài làm đạt điểm, TS cũng phải đạt được một số yêu cầu cơ bản: trả lời được yêu cầu mà câu hỏi đặt ra, đảm bảo tính tư tưởng, tính chính xác, không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật VN, thì được xem xét cho điểm.
Câu hỏi mở là để “đo” mức độ sáng tạo của TS, nên yêu cầu với cán bộ chấm thi cũng cao hơn. Thực tế qua nhiều năm cho thấy, các thầy cô giáo dạy môn văn đã được làm quen với các câu hỏi mở, nên chúng ta có thể yên tâm về năng lực đánh giá của các thầy cô.
Yêu cầu của Bộ đối với các đơn vị chủ trì việc chấm thi sẽ là thế nào, thưa ông?
Yêu cầu cao nhất của Bộ trong công tác chấm thi phải là trung thực, khách quan, không gian lận. Để đạt được những yêu cầu này, các hội đồng chấm thi phải thực hiện chuỗi các quy định trong từng khâu, từng quy trình Bộ đã quy định rất kỹ.
Về chấm thi trắc nghiệm, quy trình năm nay rất chặt chẽ, có những điều chỉnh để đảm bảo hạn chế thấp nhất, ngăn ngừa gian lận, thậm chí kể cả có ý định gian lận cũng không gian lận được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.