Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008: Tiếp tục tranh cãi về đáp án môn Vật lý

08/06/2008 22:26 GMT+7

Đề dẫn không chặt chẽ dẫn đến có 2 đáp án đều đúng "Một sóng âm truyền trong không khí, trong số các đại lượng: biên độ sóng, tần số sóng, vận tốc sóng và bước sóng; đại lượng nào không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại là: Phương án 1: Vận tốc truyền sóng; Phương án 2: Tần số sóng; Phương án 3: Bước sóng; Phương án 4: Biên độ sóng. Đáp án đúng là Phương án 2: Tần số sóng".

Theo tôi: về bản chất, sóng âm là sự lan truyền dao động cưỡng bức. Sách giáo khoa Vật lý 12, chương I, bài 6-7, mục 2 có viết: "Đó (dao động cưỡng bức) là một dao động có tần số bằng tần số của ngoại lực, và biên độ phụ thuộc sự quan hệ giữa tần số f của ngoại lực và tần số riêng f0 của con lắc". Như vậy, từ SGK Vật lý 12 ta rút được các kết luận sau:

Phương án 2: tần số sóng âm bằng tần số của nguồn (không đổi khi truyền) nên không phụ thuộc các đại lượng còn lại.

Phương án 3: bước sóng có phụ thuộc vào tần số theo công thức định nghĩa.

Phương án 4: biên độ sóng có phụ thuộc vào tần số sóng.

Tuy nhiên, Vận tốc truyền sóng (phương án 1) chỉ phụ thuộc môi trường, không phụ thuộc 3 đại lượng còn lại (theo yêu cầu kiến thức THPT)

Kết luận: Đề dẫn không chặt chẽ dẫn đến có 2 đáp án đều đúng là vận tốc truyền sóng (phương án 1) và tần số sóng (phương án 2).

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình
GV trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM

3 phương án đều đúng

1. Sóng âm là sóng cơ học có tần số từ khoảng 16 Hz đến 20000 Hz, "...Vận tốc truyền âm (vận tốc âm) phụ thuộc vào tính đàn hồi và mật độ của môi trường" (trang 33 sách giáo khoa Vật lý lớp 12 - Bộ GD-ĐT)... vận tốc âm cũng thay đổi theo nhiệt độ.

Rõ ràng vận tốc truyền sóng hoàn toàn không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại (tần số sóng, biên độ sóng, bước sóng).

Chọn đáp án A.

2. Tại mọi điểm mà sóng cơ học truyền qua, các phần tử vật chất dao động với cùng một chu kỳ, bằng chu kỳ dao động T của nguồn sóng... lượng nghịch đảo f = 1/T được gọi là tần số dao động của sóng. Như vậy,  tần số sóng luôn luôn bằng tần số f của nguồn sóng. Chọn đáp án B.

3. Mục 4 trang 31 sách giáo khoa Vật lý 12 có viết: "...Trong trường hợp lý tưởng, khi sóng chỉ truyền theo một phương, trên một đường thẳng, thì năng lượng sóng không bị suy giảm và biên độ sóng ở mọi điểm sóng truyền qua là như nhau".

Theo SGK thí điểm ban KHTN Vật lý lớp 12 bộ 1, mục 2 trang 98: "Trong thực tế, càng xa tâm dao động thì biên độ sóng càng nhỏ". Vậy biên độ sóng chỉ phụ thuộc khoảng cách từ tâm dao động đến điểm ta xét.

Như vậy, biên độ sóng cũng hoàn toàn không phụ thuộc vận tốc truyền sóng, tần số sóng và bước sóng. Chọn đáp án C.

Từ những luận điểm trên đây chúng tôi nhận thấy, cả A, B và C đều có thể là đáp án cho câu hỏi này.

Với sự điều chỉnh đáp án của Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa công bố trên báo chí (ngày 5.6.2008) làm nhiều học sinh bức xúc vì chưa được giải thích thỏa đáng.

Theo chúng tôi thì những học sinh chọn một trong ba phương án: vận tốc truyền sóng (A), tần số sóng (B), biên độ sóng (C) đều đúng và có thể hưởng trọn điểm câu này.

Ths Nguyễn Thanh Dũng - giảng viên chính trường ĐH Sài Gòn,
Trần Văn Hoàn - GV trung tâm BDVH Sài Gòn Tri Thức

Cả hai đáp án B và C đều đúng

Câu hỏi cho đề thi theo hình thức trắc nghiệm không nên đặt vấn đề như vậy vì nó sẽ dẫn tới có hơn 1 đáp án đúng (trong khi nguyên tắc của câu hỏi trắc nghiệm của môn khoa học như Vật lý thì chỉ cho phép có một đáp án duy nhất đúng). Ở câu hỏi này thì dẫn đến tình huống: Nếu theo khả năng tư duy, phân tích của học sinh giỏi sẽ tìm ra câu trả lời là đáp án C (tần số sóng); còn HS bình thường sẽ rất dễ trả lời là đáp án B (biên độ sóng). Trong khi đó, với cách hỏi như vậy thì cả hai đáp án đều phải được công nhận là đúng.

Nguyễn Bá Bình 
 Giáo viên khối chuyên Lý- ĐHSP Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.