Kỳ thú bản tường trình nhà cổ - Kỳ 5: Bài học vỡ lòng từ Nhật

07/11/2014 04:00 GMT+7

Học nghề với người thợ mộc lừng danh Fumio Tanaka, Nguyễn Thượng Hỷ quay lại Nhật Bản nhận tặng thưởng về kiến trúc gỗ mang tên thầy cũ mà vẫn không quên những bài học vỡ lòng 19 năm trước.


Nguyễn Thượng Hỷ (phải) nhận tặng thưởng Daifumi - Ảnh nhân vật cung cấp

Xứng đáng vinh danh !

Vừa trở về từ Nhật Bản, Nguyễn Thượng Hỷ gửi email cho PV Báo Thanh Niên những thông tin sơ lược về tặng thưởng quốc tế Daifumi. “Hôm nay là 19 năm Hỷ trở lại Nhật Bản và nhận giải. Khi trao giải thì bên ngoài Trường cao đẳng Thủ công mỹ nghệ quốc tế Toyama thấy treo cờ VN”.

Anh rất vui khi được gặp người từng giới thiệu và tìm kiếm học bổng cho mình sang Nhật 19 năm trước. GS Yukata Shigeeda, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nhật Bản, hiện đang giảng dạy tại ĐH Nihon, từng đề nghị chọn Hỷ theo học 3 tháng về khảo cổ ở Viện Nghiên cứu bảo tồn Nara hồi năm 1995. Lúc đó, anh đang làm việc tại Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Lần này trở lại, anh chỉ kịp hầu chuyện với ân nhân trong thời gian rất ngắn vì GS Shigeeda bận sang Campuchia giảng dạy về văn hóa Chăm. GS Momoki Shiro (ĐH Tổng hợp Osaka), một nhà VN học, cũng giúp kết nối Quỹ nhà quốc tế Osaka để anh có cơ hội “tầm sư học đạo” về trùng tu nhà cổ với thầy Fumi Tanaka tại Tokyo. Cả hai vị giáo sư Nhật tiến cử họa sĩ Hỷ khi họ sang VN nghiên cứu, trùng tu.

Bây giờ, người Nhật lại chọn Nguyễn Thượng Hỷ để vinh danh càng khiến anh nặng thêm món nợ ân tình. GS Kiyonori Miishio, Chủ tịch Liên đoàn Kiến trúc sư Nhật Bản, người đồng ký tên bên dưới tặng thưởng Daifumi hết lời khen ngợi người bạn VN. “Hỷ học ở xưởng của thầy Tanaka, sau đó về VN áp dụng những kiến thức để tu bổ kiến trúc gỗ và làm hồ sơ bảo tồn. Hỷ còn tham gia tu bổ di tích Chăm ở Mỹ Sơn, khi đã về hưu vẫn tiếp tục nghiên cứu, đo vẽ. Rất xứng đáng vinh danh!”, GS Miishio nói hôm trao thưởng.

Nhờ “áp lực” của truyền thông

Năm 39 tuổi, khi sang Nhật Bản, thực tập sinh Nguyễn Thượng Hỷ mang theo mình tinh thần lời dạy “phải thành thợ trước khi thành thầy” của những bậc cao niên xứ Quảng... Lần này trở lại xưởng mộc cũ, nói chuyện với các thợ mộc lành nghề của thầy Tanaka quá cố hay với sinh viên Khoa Bảo tồn kiến trúc Trường ĐH Kogakuin, anh trân trọng gọi những gì học hỏi được hồi năm 1995 là “bài học vỡ lòng” quý giá.

Đó là những ngày thực hành tại xưởng mộc, đi thực tế công trường tu sửa đền thờ cổ Mizahara ở ngoại ô Tokyo, đo vẽ tại bệnh viện trên 100 năm tuổi tại TP.Sakura, tìm hiểu công việc trùng tu các nhà cổ tại Seiyou và Yokohama hay tập vẽ tại văn phòng thầy Shozo Fukuda tại TP.Sakura. Từ chuyện nhỏ nhặt như nhận biết đúng tên các loại gỗ, cứng mềm ra sao, sử dụng ở vị trí nào trong kiến trúc… đến trực tiếp thực hành về khai quật khảo cổ học ở cố đô Nara, việc nào cũng có thể đúc kết thành bài học. Và hiểu lý do vì sao người Nhật bám sát tinh thần Hiến chương Athens 1932, luôn thận trọng, bảo đảm tính chân xác và tôn trọng yếu tố gốc.

Nhiều chuyên gia đầu ngành như TS Yamagata Mariko, TS Kikuchi, TS Nishimura… đến vùng đất Quảng Nam nghiên cứu đã tiếp tục minh chứng cho phong cách bảo tồn cẩn trọng của người Nhật. Họ thường khởi đầu từ khảo sát kiến trúc đến hạ giải, đánh giá tình trạng cấu kiện, sau đó mới tu bổ. “Nghĩa là từ xưởng mộc của thầy Tanaka đến thực tế tu bổ tại  phố cổ Hội An hay cố đô Huế đều thống nhất áp dụng giải pháp đó”, Nguyễn Thượng Hỷ bình luận. Trở về, anh lại lao vào đo vẽ nhà cổ Hội An ở phố Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai… với kiến trúc sư Nhật, hay cùng các giáo sư của ĐH Nihon đi khảo sát nhà cổ truyền Quảng Nam… Nhưng không phải mọi chuyện đều dễ dàng. “Ở VN cũng lập ban bệ, đề xuất giải pháp, ghi biên bản đầy đủ. Nhưng đến lúc thi công thì lôi thôi. Không dựng nhà bao vì sợ tốn kém, công nhân chắp vá, trùng tu cứ như làm mới di tích. Góp ý của các chuyên gia bảo tồn không phải lúc nào cũng được địa phương chấp thuận, đôi khi phải nhờ đến “áp lực” của giới truyền thông”, anh thẳng thắn.

Lấy ra 5 chiếc thước đo mà KTS Doba Mamoru của hãng Raiden tặng hôm anh trở lại Nhật Bản, Nguyễn Thượng Hỷ trầm ngâm: “Khó có thể nói hết về công việc bảo tồn mà tôi gọi là “nghề”. Nhiều năm qua, mỗi lần cầm thước kéo đo các kiến trúc gỗ tại quê nhà tôi lại nhớ đến những người thầy, người bạn Nhật đã cho tôi bài học quý về kiến trúc gỗ”.

Tặng thưởng Daifumi vừa trao hôm 11.10.2014 là lần thứ hai kể từ năm 2013, để tưởng nhớ người thợ gỗ danh tiếng Fumio Tanaka (qua đời năm 2012). Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ là người VN duy nhất tính đến thời điểm này được Hội đồng tuyển chọn tặng thưởng quốc tế Daifumi và Trường cao đẳng Thủ công mỹ nghệ quốc tế Toyama vinh danh, vì những đóng góp nhiều năm liền trong công tác nghiên cứu, bảo tồn kiến trúc gỗ, lập hồ sơ di tích, đo vẽ... ở VN.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Ngôi nhà cổ của những đoàn làm phim
>> Khai trương Bảo tàng kiến trúc nhà cổ VN
>> Không gian nhà Việt Nam là bảo tàng kiến trúc nhà cổ lớn nhất nước
>> Trùng tu ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.