Ký ức sân khấu: 'Thiên đường' ti vi đen trắng

Hoàng Kim
Hoàng Kim
01/10/2020 06:03 GMT+7

Khi gia đình tôi mua được cái radio rồi, thì bữa tiệc cải lương dường như đã khá no đủ. Nhưng đến khi trong xóm xuất hiện cái ti vi đầu tiên thì ôi thôi, nỗi thèm khát cải lương lại tiếp tục, mà lại có vẻ như thèm khát nhiều hơn nữa.

Bởi với cái màn hình thì khán giả được xem rõ từng gương mặt nghệ sĩ yêu thương, được tận mắt thấy những chi tiết diễn xuất tuyệt vời của họ, dĩ nhiên hấp dẫn hơn là chỉ nghe qua radio.
Bà Hai Mẹt nhà ở bến sông có con đi làm khấm khá, nên bà rinh về cái ti vi 12 inch, hát bằng bình ac-cu (ắc quy) chứ trong xóm chưa có điện. Ti vi hồi ấy có cái lưng to gù gù một cục, nhà nào dám mua coi như xếp hạng “nhà giàu”. Ti vi chỉ phát nổi đài Cần Thơ chứ đài Sài Gòn xa lắm, và cải lương luôn được ưu tiên, phát vào tối thứ bảy, chủ nhật. Còn thứ năm tôi nhớ không lầm là phát kịch nói, đặc biệt kịch Kim Cương. Cả xóm đi làm vất vả cả tuần, nhấp nha nhấp nhổm chờ cuối tuần để kéo nhau về nhà bà Hai Mẹt.
Căn nhà cũng không lớn mấy, nằm cạnh bờ sông gió mát rượi, cuối tuần là đông nghẹt không còn một chỗ trống. Con nít bọn tôi thì tranh thủ đi từ 6 giờ chiều, ngồi sẵn giành chỗ, tới 7 giờ tối đài mới phát cải lương. Tôi nhớ nhất tuồng Tướng cướp Bạch Hải Đường có nghệ sĩ Ngọc Giàu và Hùng Cường diễn hay hết biết, xem xong thấy ghét Ngọc Giàu dễ sợ vì đã phản bội chồng con. Hùng Cường đẹp trai lồng lộng, có khi xuất hiện trong chương trình ca nhạc với Mai Lệ Huyền với những màn nhảy rất hấp dẫn, hồi đó gọi là nhảy tuýt. Mai Lệ Huyền ăn mặc rất sexy, khán giả trẻ thì thích nhưng người lớn tuổi không ưa, coi như “không đứng đắn”.
Quanh cái ti vi đen trắng ấy mà cuộc sống trong xóm thay đổi. Chị em tôi và bọn trẻ trang lứa bắt đầu “nể nang” đám cháu ngoại của bà Hai Mẹt. Tụi nó từ khi nhà có ti vi thì bỗng có vẻ “cà chớn”, và những khi đụng độ với bọn tôi thì tụi nó chỉ hăm he một câu: “Tối nay tao hông cho tụi bây coi ti di” là bọn tôi xếp de. Nhưng cũng nhiều lần tôi không nhịn nhục, cứ thẳng mặt mà cương, thế là thứ bảy tuần đó chị em tôi đành ngồi nhà ấm ức không coi được cải lương.
Vài năm sau, má tôi chuyển nhà lên Mù U, một cái ấp tận cùng con rạch, mất gần 3 cây số ngoằn ngoèo đường làng mới ra tới lộ. Lúc này má tôi đã bỏ nghề may, đi buôn chuyến ở Sài Gòn nên kinh tế có phần dễ chịu hơn, má thương lũ con quá bèn ngắt mớ vốn ít ỏi mua cái ti vi 14 inch đem về. Ôi thôi, gia đình tôi vui không thể nào tả được. Cái ti vi cũng đồ cũ của người ta thôi nhưng còn rất tốt, lại có thêm miếng mica màu xanh trong vắt dán thêm bên ngoài màn hình nên mọi hình ảnh trở thành xanh xanh, cả xóm không ngại ngần phong cho nó là “ti vi màu”. Thiệt tình oai hết biết!
Từ đó hầu như cả xóm đều kéo tới nhà tôi xem ti vi. Thứ bảy từ trưa là ngoại tôi đã chuẩn bị nấu một nồi nước thiệt bự cả chục lít, để nguội dành cho “khán giả” uống. Ngoại còn pha bình trà, têm mớ trầu, cắt vài trái cau ra từng miếng nhỏ, đặt sẵn trên bộ ván gỗ (người miền Tây gọi là bộ ngựa). Nơi đó là vị trí danh dự dành cho bà Chín, mợ Hai Hy, và những cậu, dì, cô chú lớn tuổi. Còn đám con nít lau nhau thì đã giành chỗ trên bộ ván gỗ xoài rẻ tiền đặt ngay sau bộ ngựa. Nhiều đứa có mặt từ 5 giờ chiều, ăn cơm xong là phóng tới nhà tôi liền, và trong khi chờ tới 7 giờ mới mở ti vi thì tụi nó lăn ra ngủ một giấc, ngủ xong rót nước uống ừng ực tự nhiên như nhà của nó. Ngoại tôi hôm nào có làm bánh thì đem ra chia luôn. Chuối treo đầy buồng, cứ tự nhiên bẻ ăn. Rần rần vậy đó.
Gần 7 giờ thì cả căn nhà không còn chỗ trống. Bà con kéo tới ngồi bệt luôn xuống nền nhà bằng đất, ngồi luôn ra hàng ba (thềm nhà), và đứng cả ngoài sân. Má tôi đặt cái ti vi xéo xéo để người ngoài thềm, ngoài sân vẫn xem được. Tiếng cười, tiếng khóc cứ vang lên rộn ràng. Thời đó đã qua 1975 nên thịnh hành các vở Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Ngao Sò Ốc Hến, Nàng Xê Đa, Khách sạn hào hoa, Ánh lửa rừng khuya, Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu... Những nghệ sĩ thời trước nay đóng trong các vở có tính cách mạng hoặc lịch sử vẫn xuất sắc. Mỗi tuồng được phát lại nhiều lần nên khán giả thuộc lòng luôn.
Đặc biệt là Tiếng trống Mê Linh và Ngao Sò Ốc Hến được phát lại nhiều nhất. Một kỷ niệm với Tiếng trống Mê Linh là đúng lúc cụ Đô Trinh đánh trống chuẩn bị xuất quân theo lệnh Bà Trưng Trắc thì ti vi tắt ngang cái bụp. Mọi người ngớ ra, ra về trong tiếc rẻ. Hôm sau má tôi đem ti vi đi sửa, hóa ra chỉ đứt cái cầu chì gì đó. Lần sau, tới đoạn cụ Đô Trinh chuẩn bị đánh trống, thì bà ngoại tôi la lên: “Tắt đi, tắt đi! Trời ơi, ổng mà đánh là hư ti vi nữa đó. Đánh mạnh quá mà, ti vi nào chịu nổi”.
Căng thẳng nữa là khi bình ac-cu hết điện, đang coi ngon trớn bỗng tắt queo màn hình, trời ơi, ai nấy tức muốn khùng luôn. Nhưng không ai chịu về, cứ ngồi đó mà bàn tán vở tuồng đang coi. Hoặc khi cột ăng ten bị gió lay mạnh, sóng yếu, màn hình cứ nhòe đi và kêu xẹt xẹt xè xè, tức kinh khủng. Em trai tôi có nhiệm vụ leo lên chỉnh cột ăng ten, còn tôi đứng bên dưới theo dõi màn hình, la đến khản cổ.
Xem ti vi trong không khí ấy thực sự quá vui, vì có tình làng nghĩa xóm, có sự cộng hưởng rung động với nhau. Bây giờ nhà ai nấy coi, thậm chí trong nhà mỗi người một phòng tự xem ti vi, có lẽ đã bớt đi cảm xúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.