Bây giờ gặp nhau ở đây, trong cảnh cùng trốn trực thăng, và cùng... nhịn đói. Ở trên con lộ đất ấy, hai chúng tôi nằm khàn trong lùm bàng, nói với nhau bao nhiêu là chuyện. Chuyện vui buồn có, chuyện tào lao có. Sau này, khi về lại chiến khu R, tôi viết bài thơ dài Một người lính nói về thế hệ mình, trong đó có đoạn về cuộc gặp gỡ trên lộ Mới giữa tôi và Nghị. Bài thơ sau đó gặp nạn, nhưng hai chúng tôi lại thành bạn thân.
Suốt ngày chui nhủi trong các lùm bàng để trốn trực thăng, chẳng có gì ăn, nên cái đói càng cào cấu dạ dày. Nằm trong lùm bàng, lại đói bụng, nên có cảm giác thời gian rất dài. Tôi ngồi không, viết được bài thơ nhỏ, để vào trong chùm thơ Ghi chép Tháp Mười:
Ổ bàng trên lộ Mới
Đồng Tháp rộng vô cùng
nhưng ổ bàng mà tôi chui, quá chật
chật đến nỗi người tôi gắn liền với đất
hệt những cọng bàng từ đất vươn lên
tưởng chừng ở đây chỉ nghe tiếng bom rền
tiếng lũ trực thăng quạt trên đầu, tàn nhẫn
bàng phủ che tôi một màu xanh bình thản
và chúng tôi sống chết chẳng rời nhau
trưa ong ong vẳng câu hát thuở nào
“ai về ngang Mỹ Hạnh Đông
cho em đươn đệm gởi chồng em xa”
bao miệt đồng tôi đã đi qua
tiếng giã bàng chỉ còn trong nỗi nhớ
và giọng hát thiết tha người con gái
ngỡ tắt từ lâu giữa hoang dại những bưng bàng
ôi Tháp Mười mùa nước nổi mênh mang
cái ổ bàng của tôi, dù quá chật
nhưng nằm đây tôi gắn mình với đất
nằm đây tôi gặp lại một bài ca tưởng chừng đã tắt
và chợt thấy đời tôi như những cọng bàng
cứ lặng lẽ vươn giữa ngày nắng gắt.
Tôi rất thích hai câu thơ cuối bài này, nó gần như tiên đoán được đời tôi, từ ngày đó cho tới sau này, từ chiến tranh sang hòa bình. Tôi đã học được sự bình thản từ những cọng bàng bé nhỏ và mềm mại, thậm chí yếu ớt. Thiên nhiên luôn dạy ta rất nhiều bài học, và tôi hạnh phúc khi được học những bài học chân tình ấy.
Những người kháng chiến cũ, sau này đều yêu quý cây xanh, từ những cây nhỏ mong manh như cây cỏ bàng (một loại cây giống cây cói, dùng đan chiếu đan đệm, ở Nam bộ còn dùng để đan nóp, như trong một bài hát Nóp với giáo mang ngang vai/Nhưng thân trai nào kém oai hùng), tới những loài cây xanh che bóng mát. Yêu cây xanh đã che chở mình trong chiến tranh, như yêu những người bạn, những người đồng đội. Một tình cảm rất ruột thịt giữa mình với cây. Bây giờ hằng ngày tôi vẫn tưới nước cho những cây xanh bé bỏng của mình, và thương yêu chúng như mẹ thương con. Tôi đã được rất nhiều từ tình yêu thương đó.
|
Đối với tôi, cuộc đi qua đồng Tháp Mười mất một tháng rưỡi, không kém gì đi trên Trường Sơn. Tôi may mắn vì được đi 4 tháng trên Trường Sơn, và một tháng rưỡi qua đồng Tháp Mười. Từ núi tới biển (nước ngọt) là sự kết hợp kỳ lạ của con đường hành quân, theo cách gọi bây giờ là “siêu phượt”. Nghĩ lại, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được đi cả đường núi và đường nước như thế. Anh Phạm Quang Nghị cũng đồng ý như vậy, vì khi chúng tôi về Nam lộ Bốn, tôi ở Nhị Quý, anh Nghị ở Hữu Đạo (Châu Thành) còn xa và nguy hiểm hơn. Nhiều quan chức trẻ ở Nam bộ nói với nhà văn Trần Bảo Định, là họ cứ tưởng anh Phạm Quang Nghị ở miền Bắc công tác rồi lên tới… Bộ Chính trị, đâu có ngờ anh ấy đã ở chiến trường Nam bộ tới 5 năm. Lại ở những vùng ác liệt. Ở ngay quê của một số anh em quan chức trẻ ấy.
Thực ra, điều đó với chúng tôi là rất vui. Và chúng tôi cho đó là cơ duyên của đời mình. (còn tiếp)
Bình luận (0)