Ký ức thời bao cấp - Kỳ 6: Nghệ sĩ, cát sê và fan

23/05/2015 07:16 GMT+7

Các chương trình nghệ thuật ngoài trời vào các tối thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết ở Hà Nội mấy mươi năm trước luôn thu hút rất đông khán giả. Không chỉ người các tỉnh thành về Hà Nội chơi đi xem mà có cả người Hà Nội.

Các chương trình nghệ thuật ngoài trời vào các tối thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết ở Hà Nội mấy mươi năm trước luôn thu hút rất đông khán giả. Không chỉ người các tỉnh thành về Hà Nội chơi đi xem mà có cả người Hà Nội.

Một tiết mục biểu diễn của ca sĩ Ái Vân (phải) và Phương Thư hơn 30 năm trước - Ảnh: T.LMột tiết mục biểu diễn của ca sĩ Ái Vân (phải) và Phương Thư hơn 30 năm trước - Ảnh: T.L
Nói không với scandal
Lý do là thời đó không phải ai cũng có tiền mua vé vào rạp. Mặt khác truyền hình chưa phát triển, mỗi tối chỉ phát sóng một hai giờ và mua ti vi cũng mệt vì: “Muốn tan cửa nát nhà thì sắm ti vi/Muốn đi bệnh viện thì mua xe máy” hay: “Ti vi, tủ lạnh, Honda/Có 3 thứ ấy khám nhà như chơi”, nên mọi người nghe hát chủ yếu qua Đài truyền thanh Hà Nội hay Đài tiếng nói VN. Người yêu âm nhạc thuộc lòng bài hát, biết tên ca sĩ nhưng không có cơ hội biết mặt thần tượng của mình nên họ kéo nhau đi xem ca nhạc ngoài trời và tôi cũng là một trong số đó.
Các ca sĩ biểu diễn khi đó được đào tạo bài bản nên có thể hát được nhiều thể loại khác nhau nhưng bao giờ cũng thủ sẵn bài “tủ”. Tôi nhớ khi ca sĩ Vân Khánh chưa đi nước ngoài bao giờ cũng hát hai bài là Siboney (nhạc Cu Ba mà mọi người chế ra ra là “Bố Tây đen mẹ cũng Tây đen, đẻ con đen xì”) và bài Tình Bác sáng đời ta. Ca sĩ Quang Hưng có hai bài “tủ”: Tôi là Lê Anh Nuôi và Anh quân bưu vui tính, còn ca sĩ Trần Hiếu là Con voi. Thúy Hà thì thường hát bài Cánh chim báo tin vui và Đêm nay anh ở đâu, Bích Liên hát Đường tôi đi dài theo đất nước và Bài ca năm tấn. Thanh Hoa hát Đường tàu mùa xuân.
Ngọc Tân thì hát Chiều trên bến cảng…
Nếu tính số các ca sĩ hay hát show tại các tụ điểm thì rất nhiều. Ca sĩ nam gồm: Tiến Thành, Hữu Nội, Mạnh Hà, Trọng Nghĩa, Trần Khánh…, nữ là Thúy Lan, Thúy Đạt, Bích Thảo, Vũ Dậu… Ngoài ra còn các ca sĩ trưởng thành từ phong trào âm nhạc quần chúng như: Ngọc Bé, Huy Túc, Quốc Đông, Văn Sáu... Tôi nhớ khi Ngọc Bé hát bài Em là thợ quét vôi, ca sĩ lấy hai tay đưa lên đưa xuống trong không khí cho ra dáng chị quét vôi trông ngộ nghĩnh. Chen giữa các tiết mục bao giờ cũng có tấu hài và nghệ sĩ Hồng Kỳ diễn rất duyên. Thời đó điều kiện kỹ thuật không cho phép nên ca sĩ không thể hát nhép, vì vậy phải có dàn nhạc, tôi không biết nhiều nhưng thổi kèn trumpet có ông Trường nhà đầu phố Bà Triệu, chơi đàn accordeon có Tuấn “mũi”.
Nhiều chuyện vui trong những show này, ví dụ bài hát đã đóng đinh với một ca sĩ nào đó mà khán giả đã quen thuộc trên Đài tiếng nói VN nhưng biểu diễn trên sân khấu lại không phải ca sĩ đó thì khán giả hoặc ê ê kéo dài hay đồng thanh hô: “Một, hai, ba xuống đi!”. Hình thức biểu diễn cũng đa dạng gồm: đơn ca, song ca, tam ca và tốp ca. Tôi nhớ bài Con kênh ta đào do ca sĩ Ngọc Tân và Thanh Hoa song ca. Lắm hôm các ca sĩ hát tốp ca làm điệu, dựa vai vào nhau đu đưa theo giai điệu về bên phải rồi lại về bên trái trông ngây ngô nhưng đáng yêu.
Sau năm 1975, các mốt thời trang từ Sài Gòn ùa ra Hà Nội, tuy vậy các ca sĩ nữ khi hát show vẫn áo dài may theo kiểu Hà Nội và Thúy Hà bao giờ cũng gây ấn tượng bằng cách chỉ mặc áo màu đỏ, đi guốc cao gót bằng nhựa. Chỉ có một vài ca sĩ may áo dài kiểu Sài Gòn. Sang thập niên 1980, một số ca sĩ mặc váy lên sân khấu nhưng không nhiều. Với ca sĩ nam, trang phục biểu diễn mùa hè là áo sơ mi bỏ trong quần, mùa đông mặc complet. Sau năm 1975, xuất hiện ca sĩ mặc quần ống loe, đi giày đế cao nhưng khi có “chiến dịch” rạch quần ống loe thì bỏ luôn.
Các ca sĩ thời bao cấp có rất nhiều fan nhưng họ không xin chữ ký và tôi chứng kiến một fan đang xếp hàng mua thực phẩm ở phố Đại La thấy ca sĩ xếp hàng ở tít phía dưới đã nhường chỗ của mình cho ca sĩ đó. Lại có khi cũng rất hài hước, họ đang uống bia ở quán nào đó thấy ca sĩ đi qua liền đồng thanh hô to tên ca sĩ. Họ mến mộ vì giọng hát và đôi khi cũng vì sắc, ví dụ như ca sĩ Ái Vân được các chàng trai hâm mộ mua ảnh bán ở các cửa hàng văn hóa phẩm nhét vào trong ví. Ca sĩ thời đó không có gì để tạo scandal.
Thù lao tương đương bát phở
Cát sê thời bao cấp chia làm hai loại, nếu theo nhiệm vụ của đoàn thì biểu diễn xong nghệ sĩ chỉ được bồi dưỡng bát phở, bát mì hay số tiền tương đương với bát phở vì họ đã có lương. Còn đi show thì ông bầu không bao giờ công bố cát sê bao nhiêu và ca sĩ cũng không bao giờ hỏi, nói chung quan niệm khi đó được xuất hiện trước công chúng là hạnh phúc. Nói vậy nhưng lúc mở phong bì cũng hồi hộp, tuy nhiên sự chênh lệch giữa các nghệ sĩ không quá lớn.
Đầu thập niên 1980, cát sê của người giới thiệu chương trình là 10 đồng, còn ca sĩ thì tùy theo nhưng cao nhất cũng không vượt quá 20 đồng, so với giá vàng khi đó thì mua được 1/7 chỉ.
Ca sĩ có cát sê nhưng nhạc sĩ không có tiền bản quyền vì hầu hết họ ăn lương nhà nước và cũng không có luật bản quyền nên được ca sĩ hát ca khúc của mình là lâng lâng rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.