Ký ức Tiếp sức mùa thi: Chưa phai một tình yêu

18/06/2019 17:52 GMT+7

LTS: Tác giả bài viết là chị Nguyễn Thị Nhung, nguyên là Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM, chị cùng nhóm đồng nghiệp đã “khai sinh” ra Chương trình Tiếp sức mùa thi hiện nay, qua tên gọi "Chương trình hỗ trợ thí sinh dự thi ĐH, CĐ và THCN" tổ chức lần đầu tiên từ năm 1996 nhằm hỗ trợ các thí sinh thi vào các trường ĐH, CĐ và THCN.

Đến năm 2001, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Báo Thanh Niên cùng Tập đoàn Thiên Long nhân rộng mô hình và tổ chức chương trình với tên gọi chính thức là "Tiếp sức mùa thi".
Chị Nhung viết:
Tiếp sức mùa thi là công việc mà tôi và các bạn ở Trung tâm hỗ trợ sinh viên nghĩ ra và tâm huyết thực hiện từ những năm 90 theo nhu cầu bức thiết của xã hội lúc ấy.
Dù hiện nay không còn trực tiếp đảm trách chương trình Tiếp sức mùa thi, nhưng cứ đến đầu hè thì tôi có một chút náo nức trong lòng như chưa phai một tình yêu mà tôi yêu thích làm toàn tâm toàn ý ...
Nhớ lại công tác sinh viên từ năm 1989 ở Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP.HCM và đến năm 1996 thì phụ trách Trung tâm hỗ trợ sinh viên thành phố. Đây là trung tâm đầu tiên của cả nước mà Hội sinh viên TP.HCM muốn tập trung công tác chăm lo hỗ trợ sinh viên, tổ chức các hoạt động thiết thực trong quá trình học tập và sinh hoạt ở bậc đại học cho sinh viên thành phố.
Trung tâm tiếp nối những việc đã làm của Hội sinh viên TP.HCM mà cái gốc từ công tác sinh viên lúc tôi làm ở Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM như: Thư quán sinh viên, Hội quán sinh viên, giới thiệu gia sư, trung tâm tiếp tục bổ sung các hoạt động đáp ứng nhu cầu sinh viên như: giới thiệu chỗ trọ sinh viên, vận động các chương trình học bổng, chương trình “Đồng hành cùng sinh viên vượt khó”, tổ chức văn nghệ gây quỹ mua vé tàu, xe cho sinh viên nghèo về quê ăn tết, vận động cho các giải thưởng, cuộc thi về học tập và nghiên cứu khoa học và các việc làm khác cho sinh viên...
Vào năm 1998, nhu cầu tìm chỗ trọ để học sinh ôn thi và đi thi tăng lên rất mạnh, bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật những vấn đề phát sinh từ các học sinh đến thành phố dự thi đại học; và chính khi các tờ báo đăng tin, bài về những thí sinh ngủ trong công viên bị mất hết tiền, đồ đạc… cả phiếu báo danh đi thi thì cán bộ, nhân viên trung tâm lập tức có sáng kiến tổ chức chương trình hỗ trợ thí sinh thi đại học, với nhiều hoạt động cần thiết như giới thiệu chỗ trọ, vận động chỗ trọ miễn phí cho thí sinh, tổ chức xe chở thí sinh đến nhà trọ, đến địa điểm thi an toàn, lập nhóm sinh viên tình nguyện đến các bến xe , nhà ga để hướng dẫn cho thí sinh còn bở ngỡ khi vào đến thành phố... Và kết thúc chương trình hỗ trợ sinh viên là những chuyến xe miễn phí đưa các bạn về lại quê nhà của mình sau đợt thi vất vả...
Với các hoạt động ban đầu nhưng ý nghĩa đó; các báo bài từ trung ương đến địa phương đồng loạt vào cuộc, biểu dương các nguồn lực xã hội, các hình thức hỗ trợ thí sinh thi đại học mà trong đó TP.HCM đi đầu, trở thành nguồn cảm hứng chung cho hoạt động thiện nguyện cả nước, trở thành phong trào hỗ trợ khá sôi nổi.
Từ sáng kiến, từ những công việc xuất phát từ tấm lòng là chính, trung tâm ý thức dù thiện nguyện nhưng phải chuyên nghiệp mới dài hơi được loại hình hữu ích này, phải đội hình hoá, đội ngũ hoá và có cơ chế vận động sự góp sức của các nguồn lực xã hội; từ đăng ký các hình thức hỗ trợ, chỗ trọ miễn phí; lập đội sinh viên tình nguyện hướng dẫn đón thí sinh tại các bến xe, phát bản đồ thành đi xe buýt miễn phí, phát cơm miễn phí, liên kết phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng, phóng viên báo đài...
Và cứ như thế, chương trình Tiếp sức mùa thi phát triển đa dạng, hỗ trợ được hết nhu cầu của xã hội, phụ huynh, thí sính, sinh viên tình nguyện và cùng đóng góp cho những mùa thi thành công...
Và tôi luôn nhớ đến các cô bác chủ nhà đồng hành với Tiếp sức mùa thi như: cô Thu ở Q.6, chú Để ở Q.3, chú Dung ở Q.1, cô Hoà ở Gò vấp... Các phóng viên như: Võ Ba, Như Lịch (Báo Thanh Niên); Bảo Châu, Trần Huỳnh (Báo Tuổi trẻ), Vũ Phong (Đài Truyền hình TP.HCM)... đã liên tục đưa tin, bài viết và hình ảnh làm lan tỏa chương trình rộng khắp.
Mặc dù hiện nay không còn kỳ thi đại học riêng lẻ mà chuyển sang thi THPT quốc gia, và các phương tiện truyền thông, cơ sở vật chất đã thay đổi tốt hơn với Google, Facebook, Instargram... nhưng phong trào tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”, giúp đỡ và hỗ trợ học sinh nghèo đi thi vẫn còn đó như một hoạt động cộng đồng giàu tính nhân văn…
Hình ảnh sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi đáng trân trọng của năm tháng tự hào đã sống đẹp và có ích trong những mùa thi qua...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.