Kỳ vọng án lệ: Đứng tên nhà đất cho người nước ngoài được hưởng lợi tức

Phan Thương
Phan Thương
04/04/2020 07:54 GMT+7

Án lệ số 02/2016 giúp giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hạn chế được phép mua, sở hữu nhà đất tại Việt Nam nên nhờ người ở Việt Nam đứng tên hộ.

Trước đây, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hạn chế được phép mua, sở hữu nhà đất tại Việt Nam nên nhờ người ở Việt Nam đứng tên hộ. Khi phát sinh tranh chấp đòi lại tài sản thì TAND mỗi nơi xét xử một kiểu, thậm chí sai quy định pháp luật.
Trước thực trạng này, TAND tối cao đã có án lệ số 02/2016 để thống nhất cách giải quyết vụ án. Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao chọn quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS của HĐTP TAND tối cao về vụ án “tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng giữa nguyên đơn là bà N.T.Th với bị đơn là ông N.V.T (em trai của bà Th.) làm nguồn án lệ.

Lợi nhuận được chia

Là Việt kiều ở Hà Lan, trong một lần về thăm người nhà tại Sóc Trăng, bà Th. mua một mảnh đất của ông H. và trực tiếp thanh toán 21,99 chỉ vàng. Do định cư ở nước ngoài, không được đứng tên giấy tờ nhà đất, nên bà để ông T. đứng tên, sử dụng canh tác. Năm 2004, ông T. bán mảnh đất trên cho người khác với giá gần 1,3 tỉ đồng. Biết chuyện, bà Th. về nước khởi kiện đòi tiền thu được từ việc chuyển nhượng.
Quá trình xét xử sơ thẩm, bà Th. chứng minh việc mình đứng ra giao dịch và mua bán đất, nên tháng 4.2016, TAND tỉnh Sóc Trăng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Th., buộc gia đình ông T. phải hoàn trả 630 triệu đồng cho bà Th. Tháng 8.2016, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng, buộc ông T. hoàn trả hơn 27 triệu đồng (tương đương 21,99 chỉ vàng 24K); buộc vợ chồng ông T. phải nộp lại số tiền còn lại từ chuyển nhượng là hơn 1,2 tỉ đồng để sung công quỹ nhà nước.
Vụ án sau đó bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Và theo quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TAND tối cao, đối với chênh lệch giá trị đất, thời điểm xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm là thời điểm thi hành bộ luật Dân sự năm 2005, không có quy định buộc phải tịch thu sung công quỹ nên khoản chênh lệch này bà Th. và ông T. cùng được hưởng. Tòa án cấp sơ thẩm không buộc ông T. nộp số tiền chênh lệch giá trị đất để sung công là có căn cứ, nhưng không buộc ông T. trả cho bà Th. giá trị đầu tư ban đầu là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm không đưa ra được căn cứ pháp luật, nhưng đã buộc ông T. nộp toàn bộ số tiền chênh lệch (hơn 1, 2 tỉ đồng) để sung công quỹ nhà nước là không đúng quy định.
Từ đó, nội dung án lệ xác định, sau khi trừ số tiền tương đương 21,99 chỉ vàng phải hoàn trả lại cho bà Th. Số tiền còn lại từ việc chuyển nhượng sẽ được coi là lợi nhuận chung của bà Th., ông T. Bởi ông T. là người quản lý đất, có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất. Đồng thời xác nhận công sức của ông T. để chia cho ông T. một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự (trường hợp không ghi nhận được chính xác công sức của ông T. thì xem như bà Th., ông T. có công sức ngang nhau để chia).

Áp dụng án lệ để hủy án

Án lệ trên được công bố ngày 6.4.2016. Theo quyết định công bố của Chánh án TAND tối cao, các TAND và tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ được công bố trong xét xử kể từ ngày 1.6.2016.
Qua đó, ngày 6.8.2018, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã áp dụng án lệ 02/2016 làm căn cứ hủy một vụ án có nội dung tương tự. Cụ thể, năm 2014, trong đơn khởi kiện của cụ bà N.T.Kh (lúc này chồng cụ bà Kh. đã mất) trình bày, năm 1997, vợ chồng cụ bỏ tiền mua trúng đấu giá một căn nhà và nhờ con trai trưởng đứng tên giấy tờ nhà. Đến năm 1998, chồng cụ Kh. từ Đức về Việt Nam sinh sống có làm giấy xác nhận nội dung trên. Đến năm 2007, cụ Kh. về nước sinh sống và phát sinh tranh chấp, nên khởi kiện đòi con trả lại nhà. Bản án sơ thẩm của TAND TP.Buôn Ma Thuột và phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk năm 2016 đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Kh.
Ngày 22.9.2016, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy án sơ thẩm và phúc thẩm. Ngày 6.8.2018, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại vụ án theo tinh thần án lệ số 02/2016.
Theo luật Đất đai 2013 và luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng có quyền sở hữu đất theo quy định của pháp luật. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì phải đáp ứng đủ 2 điều: được phép nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam và phải sở hữu nhà ở hợp pháp thông qua một trong các hình thức: mua, nhận thừa kế, nhận đổi hoặc tặng cho nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân; hoặc giao dịch mua, thuê mua nhà ở thương mại của các tổ chức kinh doanh bất động sản; đối với đất trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhà nước cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với mục đích tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Đối với người nước ngoài muốn được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì phải đáp ứng đủ các điều kiện theo điều 8, điều 159 và điều 160 luật Nhà ở năm 2014; tổ chức nước ngoài là đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất tuy nhiên phải đi kèm điều kiện tổ chức nước ngoài này phải hoạt động, thực hiện những lĩnh vực có chức năng ngoại giao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.