Lạ lùng chuyện bổ nhiệm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

07/05/2008 01:07 GMT+7

* Đồng chí Trương Tấn Sang đã đề nghị hoãn việc công bố bổ nhiệm nhưng vẫn công bố * Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: “Kỳ là con người tốt” (?) * Viettravel do ông Nguyễn Quốc Kỳ làm Tổng giám đốc được tặng đủ các danh hiệu nhưng lợi nhuận chỉ đạt hơn 1 tỉ đồng/năm

>>Tổng giám đốc Benthanh Tourist Thân Hải Thanh: "Tôi nói thẳng, ông Kỳ không đủ tư cách chỉ đạo tôi"
>>
Những thông tin đáng chú ý
>>Hãy làm một cuộc thăm dò trong ngành du lịch!

***

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh: "Kỳ là con người tốt" (?)

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh xung quanh vấn đề  của Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Kỳ.

* Trước khi được bổ nhiệm Q.Tổng cục trưởng, có nhiều đơn thư tố cáo ông Kỳ, Bộ trưởng có nhận được?

- Bổ nhiệm Tổng cục phó, giao Q.Tổng cục trưởng, tôi chỉ nghe thông tin bên ngoài thôi chứ không nhận được, nhưng mình thấy những chứng cứ đó không rõ ràng. Họ chỉ nói về chuyện buộc thôi việc, nhưng việc đó từ năm 1990, người ta đã có cả một quá trình phấn đấu như thế, mình phải tính sự vận động chứ, chả lẽ cứ đóng đinh như thế thì chết mất người ta.

* Biết ông Kỳ bị buộc thôi việc do có hành vi "gợi ý và nhận hối lộ", vì sao Bộ vẫn đề bạt?

- Việc này là hoàn toàn đúng quy trình, đúng thủ tục, tức là phải có cuộc họp của tập thể để biểu quyết chứ không có một cá nhân nào quyết định cả. Đúng thủ tục là có thẩm tra, xác minh. Sự việc cũng rõ rồi, người ta cũng khai thật rồi, việc xảy ra từ năm 1990, lâu quá rồi, đã 18 năm. Năm 1990 ông Kỳ bị buộc thôi việc, báo nêu là đúng. Năm 1992 anh Kỳ làm ở trường Đại học Kinh tế TP.HCM, 1993-1995 làm ở Tổng công ty đầu tư phát triển giao thông vận tải, năm 1999 làm Tổng giám đốc Vietravel. Năm 2002 vào Đảng. Ông này phấn đấu tích cực, mấy năm liền là Chiến sĩ thi đua ngành, Doanh nhân tiêu biểu của TP.HCM, Doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam năm 2007.

* Việc xác minh trường hợp ông Kỳ có được ghi vào lý lịch, Bộ trưởng có trực tiếp xem?

- Tôi nghe các vụ chức năng báo cáo.

* Sau khi thẩm tra, vụ việc có được báo cáo lên trên?

- Khi họp có các cơ quan dự hết, có tổ chức của Trung ương Đảng...

* Bổ nhiệm một người như thế, liệu có xứng đáng?

- Phải tìm hiểu phân tích sự việc. Bản thân anh Kỳ đã có quá trình phấn đấu. Bổ nhiệm Tổng cục phó, giao Q.Tổng cục trưởng, bản thân anh phải phấn đấu, năng động sáng tạo thể hiện rõ năng lực cống hiến của anh, đó là cả một giai đoạn dài.

* Vụ việc báo nêu có ảnh hưởng tới việc ông Kỳ có được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng hay không?

- Việc này cũng có ảnh hưởng đến uy tín của anh Kỳ, do độc giả không rõ. Mình nói cho độc giả rõ, sự thực không phải là như thế. Không có bài báo này thì giai đoạn phấn đấu của anh Kỳ cũng phải có thời gian, nhưng không phải vì có bài báo này mà việc xem xét bổ nhiệm anh Kỳ bị kéo dài ra. Quá trình dài hay ngắn là tùy thuộc vào sự phấn đấu của anh Kỳ. Quá trình đề bạt Tổng cục trưởng phải đúng thủ tục, quy trình, phải báo cáo ban bí thư, báo cáo các ban của Đảng. Riêng hai tổng cục Du lịch và Thể dục thể thao, Tổng cục trưởng là phải có ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, có ý kiến của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Tôi rất ngỡ ngàng”

Khi nghe thông tin bổ nhiệm anh Nguyễn Quốc Kỳ làm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tôi rất ngỡ ngàng. Nhiều đồng nghiệp trong ngành du lịch cũng đã điện thoại bày tỏ tâm trạng giống như tôi. Đến khi đọc những thông tin trên Báo Thanh Niên, chúng tôi rất lấy làm buồn. Phải chi trước khi đề bạt anh Kỳ thì lãnh đạo nên tham khảo trong ngành để có thêm nhiều thông tin. Tôi nghĩ nếu làm vậy sẽ không xảy ra chuyện đề bạt đáng tiếc cho ngành du lịch và cho bản thân anh Kỳ.

Tiến Trình (ghi)

* Chúng tôi cho rằng trường hợp này không xứng đáng làm Tổng cục trưởng, ông nghĩ sao?

- Quan điểm của anh hơi cứng, tôi không nói là cực đoan nhưng hơi cứng. Tức là theo anh, anh Kỳ không được làm như thế đúng không, nhưng tôi đã nói với anh ngay từ đầu rồi, sự vật nó luôn luôn vận động phát triển. Làm việc bên cạnh tôi còn có cả một tập thể nữa, tập thể lãnh đạo bộ, rồi Tổng cục Du lịch nữa... hỗ trợ cho, mình tôi đâu có làm được đâu.

* Đâu chỉ có mình ông Kỳ, tại sao sau sự việc này, Bộ không nhìn nhận lại, tìm người khác?

- Cũng có một số ông nhưng còn tiêu chuẩn ngành nghề, đào tạo nữa chứ, tuổi tác nữa chứ. Trước kia dự kiến cũng có một vài người khác.

* Khi làm nhân viên, ông Kỳ đã thế. Làm Tổng cục trưởng còn có bao nhiêu doanh nghiệp có liên quan. Người ta lo lắng, ông Kỳ sẽ khó công tâm khi làm việc?

- Tôi nghĩ chắc Kỳ không phải là người như thế. Người ta có quyền đặt ra nhưng mà nhìn con người, Kỳ không phải như thế, Kỳ là con người tốt. Có bản lĩnh, có kinh nghiệm trong công việc, có vô tư trong sáng trong các vấn đề.

Xuân Toàn
(thực hiện)

Những thông tin đáng chú ý

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã có ý kiến chính thức về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ làm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch qua các bài phỏng vấn đăng trên Báo Lao động, Sài Gòn giải phóng số ra ngày hôm qua và đăng trên Thanh Niên hôm nay. Chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin để bạn đọc hiểu thực chất của vấn đề.


1- Theo chúng tôi biết, những vấn đề của ông Nguyễn Quốc Kỳ không chỉ là "những thông tin bên ngoài", mà đã được phản ánh lên các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm. Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, do biết có vấn đề, nên khi nghe tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ làm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đề nghị hoãn việc công bố quyết định. Một cán bộ có trách nhiệm của Văn phòng Trung ương Đảng đã gọi điện trực tiếp cho Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh để truyền đạt ý kiến của đồng chí Trương Tấn Sang, lúc đó Bộ trưởng đang công tác tại Campuchia. Nhưng hai ngày sau, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vẫn tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ.

2- Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng cho Thanh Niên biết: Tại buổi gặp mặt nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khi hay tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ, bà Thắng đã góp ý với ông Nguyễn Danh Thái, Thứ trưởng bộ này. Bà Thắng phản đối việc bổ nhiệm ông Kỳ. Bà nêu: Thứ nhất, tại sao có nhiều người đủ năng lực và đạo đức lại không được chọn mà chọn ông Kỳ vào chức vụ này ? Thứ hai, nếu Bộ bổ nhiệm ông Kỳ thì chắc chắn các công ty du lịch trong nước sẽ không đồng tình và không phục. Lúc đó ông Nguyễn Danh Thái nói với bà Thắng là Bộ chưa bàn đến việc này.

3- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ca ngợi ông Nguyễn Quốc Kỳ đã xây dựng Viettravel "thành một DN có tên tuổi của ngành với doanh thu hàng trăm tỉ đồng và tạo việc làm cho 600 lao động" (Báo LĐ, 6.5.2008). Thực chất là như thế nào?

Được thành lập vào ngày 20.12.1995 trên cơ sở của Trung tâm Tiếp thị và Du lịch (Tracodi Tours), trong hơn 10 năm qua Viettravel đã được trao tặng hàng loạt danh hiệu. Từ Huân chương Lao động hạng ba (2001), Huân chương Lao động hạng nhì (2005), Cờ thi đua "Đơn vị thi đua xuất sắc" trong các năm 2001, 2002, 2003, 2004 do Công đoàn Bộ Giao thông vận tải trao tặng. Từ năm 2001 đến nay, Viettravel liên tiếp nhận các danh hiệu, trong đó có "Du lịch lữ hành được hài lòng nhất" do độc giả Báo Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn (2002, 2003, 2004, 2005), "Thương hiệu Việt được yêu thích nhất" do độc giả Báo Doanh nhân bình chọn (2004)... Mới nhất là danh hiệu “Doanh nghiệp du lịch xuất sắc nhất năm 2007” của Báo The Guide... Ngoài ra, Viettravel còn nhận được nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen khác của nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước... Bên cạnh những danh hiệu cao quý tặng cho Viettravel, cá nhân ông Nguyễn Quốc Kỳ còn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Tuy nhiên, mặc dù hoạt động rất đình đám và được trao tặng nhiều danh hiệu như thế nhưng thực tế hiệu quả kinh doanh của Viettravel lại quá thấp so với các công ty du lịch khác có quy mô nhỏ hơn. Hãy xem hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong hai năm gần đây:

Năm 2006, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Viettravel là 483,4 tỉ đồng, trừ đi các khoản chi phí thì phần lợi nhuận trước thuế còn lại là 1,653 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1,19 tỉ đồng.

Năm 2007, tổng doanh thu của Công ty Viettravel là hơn 431 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế cũng ở mức thấp 1,844 tỉ đồng và sau thuế là 1,327 tỉ đồng.

Điều này càng bất ngờ hơn khi mức lãi bình quân của các công ty du lịch khoảng 4 - 5 tỉ đồng/năm. Trong đó, những công ty khác ít tên tuổi hơn lại hoạt động hiệu quả hơn. Chẳng hạn, năm 2007, Công ty du lịch Bến Thành Tourist lãi 15 tỉ đồng, Công ty du lịch Fiditourist lãi 8 tỉ...

Một doanh nghiệp chỉ làm ra lợi nhuận ở mức hơn 1 tỉ đồng/năm mà được tặng Huân chương Lao động và đủ các thứ danh hiệu, được coi là doanh nghiệp “hàng đầu” của ngành du lịch thì thật là lạ lùng. Người ta có thể đặt câu hỏi: các cơ quan, tổ chức trao tặng cho Viettravel những danh hiệu đó có xem xét hiệu quả kinh doanh thật của nó hay không ? Và Tổng giám đốc của doanh nghiệp làm ra lợi nhuận mỗi năm chỉ hơn 1 tỉ đồng đó có thật sự là nhân tài nổi trội để cho lãnh đạo Bộ VH-TT-DL bất chấp tiền sự “gợi ý và nhận hối lộ” của người này mà đưa lên làm nhân vật đứng đầu quản lý Nhà nước ngành du lịch? Thật vô cùng khó hiểu.

Nhóm PV thời sự

Ông Thân Hải Thanh, Tổng giám đốc Benthanh Tourist: "Tôi nói thẳng, ông Kỳ không đủ tư cách chỉ đạo tôi"

Ông Kỳ không có một chút uy tín nào trong toàn ngành du lịch, cả về kinh doanh lẫn đời sống cá nhân. Tôi cũng như nhiều người trong ngành du lịch rất bất ngờ khi ông Kỳ được đề bạt làm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Chúng tôi cũng bất ngờ là khi đề bạt người, Bộ trưởng không tham khảo ý kiến của những người trong ngành mà chỉ nghe ông Kỳ nói, rồi kết luận ông Kỳ là người xuất sắc nhất ngành du lịch là không chuẩn xác.


Qua những gì báo đăng, tôi thấy buồn cho ngành du lịch là có một người như vậy làm Q.Tổng cục trưởng. Tôi nói thẳng, ông Kỳ không đủ tư cách để chỉ đạo tôi. Nếu như biết tự trọng, ông Kỳ nên từ chức. Khi báo chưa phanh phui, anh em trong ngành du lịch đã nói với nhau, ông Kỳ lên là ngành du lịch sắp chịu thảm họa. Tôi không ghét bỏ gì ông Kỳ nhưng vì những bức xúc không chỉ của riêng tôi mà tôi phải lên tiếng. Làm sao mà một nhân viên bị kỷ luật vì gợi ý hối lộ và nhận hối lộ như vậy lại được lên chức cao trong ngành. Nó đã là bản chất rồi chứ không phải là những sai phạm nhất thời. Còn rất nhiều người xứng đáng hơn, nghề nghiệp giỏi giang hơn sao không được đề bạt?

H.Sơn (ghi)

Hãy làm một cuộc thăm dò trong ngành du lịch!
 
Ba tôi là giám đốc đầu tiên của Sài Gòn tourist (1975) và sau đó là Tổng cục phó, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (1987 - 1991), bản thân tôi cũng công tác trong ngành du lịch 23 năm trước khi chuyển ngành sang công tác khác vì vậy những diễn biến của ngành này theo một quá trình tự nhiên, tôi rất gắn bó, quan tâm nên khi đọc loạt bài về anh Nguyễn Quốc Kỳ, tôi rất buồn và đau đớn tự hỏi: chẳng lẽ ngành du lịch hết người rồi sao? Chẳng lẽ tiêu chuẩn cất nhắc, đề bạt cán bộ lãnh đạo lại bị hạ thấp đến như vậy?


Công tác trong ngành du lịch lâu nên những cán bộ du lịch nhất là những cán bộ lãnh đạo hiểu nhau khá kỹ. Vì vậy theo tôi, khi biết trước dư luận trong ngành du lịch râm ran phản đối với việc đề bạt anh Nguyễn Quốc Kỳ làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đáng lý ra lãnh đạo Tổng cục Du lịch hoặc cao hơn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên có phiếu thăm dò trong số cán bộ chủ chốt của ngành, nếu thấy ý kiến phản đối thì nên dừng lại, tìm hiểu kỹ hơn. Quy trình này không mới nhưng cần thiết. Nhưng rất tiếc chúng ta đã bỏ qua khâu này.

Vấn đề Viettravel đón hằng năm được 20 - 30 ngàn khách nước ngoài cũng có nhiều dư luận vì tuy số khách nhiều nhưng Viettravel lãi thấp nếu không nói là rất thấp khi so sánh với các đơn vị cùng làm du lịch trên cùng một địa bàn như Saigon Tourist, Bến Thành Tourist, Du lịch Hòa Bình.

Người ta suy luận có thể có hai nguyên nhân: Không đàm phán được về giá tốt với đối tác nước ngoài để họ ép giá tối đa hoặc gửi giá cho đối tác nước ngoài (out pricing). Nhìn tỷ lệ lãi trên doanh thu của Viettravel công bố khi được trao tặng các huân chương thì thấy suy luận của anh em trong ngành là có cơ sở.

Chuyện kỷ luật cũ của anh Kỳ, dư luận sẽ không bao giờ đề cập đến nếu như anh vẫn tiếp tục làm kinh doanh nhưng khi nhảy vào lĩnh vực quản lý nhà nước, lại đứng đầu một ngành kinh tế quan trọng của đất nước như vậy, yêu cầu và tiêu chuẩn phải cao hơn nhiều, phải sạch hơn, đạo đức hơn mọi người thì mới lãnh đạo được họ, nói họ mới “tâm phục, khẩu phục”.

Tôi biết và cam đoan rằng: nhiều cán bộ lãnh đạo của ngành du lịch đã biết anh Kỳ từ lâu, hiểu những ưu điểm và khuyết điểm của anh Kỳ đều không “tâm phục, khẩu phục”. Như vậy làm sao đoàn kết, tập hợp đội ngũ làm du lịch lại để hợp tác bàn chuyện xây dựng phát triển du lịch Việt Nam.

Đề nghị ông Bộ trưởng xin hãy làm một cuộc thăm dò trong ngành du lịch Việt Nam và công bố công khai kết quả tín nhiệm đó, nếu tỷ lệ ủng hộ cao, anh Kỳ sẽ tiếp tục công việc, nếu tỷ lệ quá thấp thì anh Kỳ nên có một quyết định đúng đắn và chắc chắn sẽ được xã hội hoan nghênh: từ chức.

Và tôi sẽ là một trong những người hoan nghênh đó.

Lê Hùng Dũng
Nguyên Giám đốc Công ty du lịch Festival (Trung ương Đoàn)
Chủ tịch HĐQT/SJC

Bạn đọc tiếp tục phản ứng gay gắt

* Người Pháp có câu: "Hôm nay ăn cắp quả trứng, ngày mai ăn cắp con bò - qui vole un oeuf, volera un boeuf ". Sếp Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch hiện nay, quá khứ đã từng ăn cắp quả trứng (10 chỉ vàng)... Không lẽ xã hội không còn người tài đức để đề bạt hay sao? Người quyết định đề bạt ông Nguyễn Quốc Kỳ chỉ có hai con mắt, Hội đồng xét chọn có thể có hàng chục cặp mắt, nhưng nhân dân có muôn mắt. Phát hiện được kẻ xấu, kẻ cơ hội chính từ muôn mắt này.

 vhiep...@yahoo.com

* Tôi hoan nghênh Báo Thanh Niên đã mạnh dạn nêu lên sự việc một cách rất khách quan, có trách nhiêm. Sự việc cho thấy có một số vấn đề cần được mổ xẻ:

- Cơ chế bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện đúng các quy định của Đảng và Chính phủ chưa? Trường hợp "ngoại lệ" này do ai bảo lãnh?

- Trong ngành du lịch Việt Nam không còn ứng cử viên nào "sáng giá" hơn ông Nguyễn Quốc Kỳ hay sao mà phải bổ nhiệm một người có vấn đề về phẩm chất như vậy? Cuộc chiến chống tham nhũng hối lộ đang được Đảng và Nhà nước đưa lên làm một nhiệm vụ hàng đầu mà bổ nhiệm như trường hợp này thì gần như công khai coi thường cả phép nước.

- Tôi được biết rất nhiều cán bộ lãnh đạo ngành du lịch phản đối việc bổ nhiệm này vì những vấn đề liên quan đến tư cách cá nhân của ông Kỳ và ngay cả hiệu quả thực chất của việc điều hành doanh nghiệp Vietravel. Vậy thì lãnh đạo Bộ VH-TT-DL có biết không?

Quan điểm của tôi - ông Kỳ không thể làm lãnh đạo của một cơ quan quản lý nhà nước hiện nay với một quá khứ phẩm chất - đạo đức như vây.

Trần Quang Minh
(
minhvi...@yahoo.com)

* Ông Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL phát biểu "Quyết định kỷ luật không phải là án treo" (Báo LĐ số ra 6.5) thì thật là "tin vui" cho những kẻ đã, đang và sắp nhận hối lộ. Rằng cứ vô tư đi, nếu bị lộ thì cùng lắm mất vài năm làm lại có sao đâu.

Lc118...@yahoo.com

* Tôi được biết tại một số nước như Bỉ, một học sinh nếu vi phạm thi cử, quay cóp, gian lận khi làm bài, sẽ bị ghi vào học bạ và suốt đời không được làm công chức nhà nước, huống hồ đây là một hành vi vi phạm đạo đức công chức nghiêm trọng như thế mà lại được bỏ qua!

Tran Du Sinh
(
sinh...@thuathienhue.edu.vn)

* Tôi thật sự bức xúc khi nghe tin ông Nguyễn Quốc Kỳ - người từng bị đuổi việc vì tội nhận hối lộ mà được thăng chức làm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Hoan nghênh Báo Thanh Niên đã kịp thời đưa tin nóng sốt này. Bản thân tôi cũng như mọi công dân Việt Nam khác luôn tự hỏi rằng: khi là một nhân viên thôi mà ông Kỳ đã nhận hối lộ 10 chỉ vàng (thời đó có giá lắm) thì khi leo lên chức Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì ông ta sẽ nhận hối lộ bao nhiêu nữa? Bộ VN hết người rồi hay sao?

Nguyễn Đoàn Thành Công
(Q.9, TP.HCM)

* Theo tôi thì:

1/ Cứ thử tìm hiểu xem gia tài của ông Kỳ so với mức thu nhập mà theo quá trình công tác ông đáng được nhận thì ta có thể đoán biết được rằng ông ta đã "cải tà quy chính" hay chưa?

2/ Chúng ta đang ra sức đấu tranh chống tham nhũng, hối lộ, có vẻ như giải quyết phần ngọn trong khi đó, theo tôi nghĩ, đây mới thực sự là phần gốc của vấn đề.

Một lần nữa Báo Thanh Niên cho thấy đây vẫn là một trong những tờ báo cần thiết cho người dân...

hunghc...@gmail.com

* Tôi cho rằng ở đây ông Kỳ chỉ chịu 1/2 trách nhiệm về chức danh mà ông đươc bổ nhiệm mà thôi. Điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói: Đó là LÒNG TIN của người dân qua những việc như thế này. Những công dân bình thường như chúng tôi cảm thấy may mắn vì còn có tiếng nói dũng cảm của Báo Thanh Niên đã đưa sự việc này ra trước công luận.

Nguyễn Quốc Khánh
(Cam Ranh, Khánh Hòa)

* Tôi thật sự ngỡ ngàng khi Báo Thanh Niên phanh phui sự việc ông Nguyễn Quốc Kỳ, từ một nhân viên mắc tội ăn hối lộ 10 chỉ vàng, nay sau 18 năm "ẩn tích" bỗng nghiễm nhiên ngồi vào chức Q.Tổng cục trưởng TCDL. Hình như ông Kỳ có tài thần thông biến hóa hay công tác đề bạt cán bộ của ta còn quá nhiều bất cập? Đề nghị quý báo mổ xẻ vấn đề này đến nơi đến chốn, tránh tình trạng "giơ cao đánh khẽ" và tôi cũng đề nghị Bộ VH-TT-DL và Bộ Nội vụ trả lời vấn đề này trước công luận. Cám ơn quý báo đã dũng cảm đưa sự việc này lên trang nhất của báo. Thật đáng hoan nghênh các anh!

Tran Nam Trung
(
namtrung...@vietbamedia.com.vn)

* Thật sự nực cười, tôi không tin vào mắt mình nữa khi nghe tin ông Nguyễn Quốc Kỳ được bổ nhiệm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Bản thân tôi không trách ông Kỳ nhưng ai bổ nhiệm ông Kỳ mới đáng xấu hổ, nếu là người có trách nhiệm sao lại ký quyết định đó, một quyết định làm trò cười cho thiên hạ.

Tran Cong Thanh (Quang Tri)

* Người ta có thể sai sót trong công tác cán bộ ở những vị trí thấp, nhưng sai sót trong việc đề bạt ở cấp này thì đáng lo thay cho đất nước.

hongt...@moj.gov.vn

*Những thông tin liên quan:

>>Bố trí cán bộ
>>Từng nhận hối lộ, làm sao leo lên đến chức Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch?
>>Chuyện cũ của quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Kỳ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.