Tự an ủi xứ người văn hóa đọc có giá trị cao và đây lại là hội chợ sách lớn nhất thế giới kia mà. Cầm sơ đồ hội sách với năm khu vực nằm rải ra trong khuôn viên rộng lớn của Trung tâm hội chợ Frankfurt, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu, thôi thì cứ đặt chân trên một thang cuốn, đứng yên và để nó cuốn đi.
Chiếc thang cuốn đứng lại trước tầng nhà đầu tiên, chỉ rảo vài chục mét là tôi như sa vào mê hồn trận. Sách của bốn phương tám hướng tụ về nên đủ chủng loại, được sắp xếp, trình diện trong các gian hàng rất đa dạng. Có gian hàng trưng bày đủ loại sách, nhưng cũng có những gian hàng chỉ trưng bày một loại sách hoặc chỉ của một tác giả như Nhà xuất bản Caroll & Brown chỉ có sách Mẹ và con, hay nhà sách Rich Dach chỉ có mỗi sách Dạy con làm giàu...
Các gian hàng được thiết kế, trình bày khá đa dạng: một thư viện tí hon, một quán cà phê sách, một phòng triển lãm tranh, ảnh (chụp vẽ lại bìa sách), một sân khấu nhỏ để giao lưu, trao đổi chuyện sách... Có một số gian hàng chỉ độc một màn hình lớn cùng vài máy tính, đó là nơi giới thiệu sách điện tử. Có gian hàng nhỏ gọn, hiện đại, song khá khiêm tốn với 8m2 và có những gian lại hoành tráng, sang trọng rộng vài chục đến cả trăm mét vuông, như gian hàng của Tòa thánh Vatican có cổng vào chẳng khác gì mái vòm của một cung điện lộng lẫy...
Khi đứng tần ngần trước cửa hàng sách của Nhà xuất bản Bridge, ngắm nhìn các quyển sách phiêu lưu mạo hiểm của cùng tác giả L.Ron Hubbar, được trình bày khá sặc sỡ, bất ngờ tôi được một người đàn ông mặc sắc phục thổ dân da đỏ nắm tay vào để... cùng chụp ảnh. Vừa chụp xong thì được mời vào uống nước và nghe đích thân phó chủ tịch điều hành của Bridge, bà Ann Arnow, giới thiệu thêm: “Những quyển sách là những câu chuyện thú vị, bìa trình bày hấp dẫn nhằm kích thích các bạn học sinh tìm đọc, để qua đó rèn luyện... kỹ năng học tiếng Anh”.
Một điều gây ngạc nhiên cho tôi ngày đầu tiên là chẳng thấy ai mua sách. Chỉ toàn cầm lên xem rồi bỏ xuống và ngồi trò chuyện với chủ gian hàng. Anh Nguyễn Thanh Nam - trưởng ban khai thác đề tài và giao dịch tác quyền Nhà xuất bản Trẻ - giải thích: “Hội chợ sách Frankfurt chủ yếu là nơi để những người làm sách giao dịch. Sáu năm liền đi đủ hội sách này, cứ mỗi lần nhìn thấy sách mới, hay, lạ là tôi lại bập vào trao đổi, xin gửi sách mẫu và sau đó bàn luận chuyện mua bản quyền”.
Với bề dày truyền thống trên 60 năm, hội chợ Frankfurt mở ra cho người làm sách rất nhiều cơ hội để giao dịch, xây dựng mối quan hệ (sách trưng bày chỉ được bán rộng rãi cho người đọc vào hai ngày cuối cùng của hội sách). Hội chợ sách còn là cơ hội để các nhà sách quảng bá, tiếp thị sản phẩm, thương hiệu của mình. Chẳng trách gì trong những ngày hội chợ, nhan nhản những sự kiện được tổ chức trang trọng; những màn quảng bá tiếp thị độc đáo, như chuyện tôi được người da đỏ - nhân vật gắn liền với nội dung một quyển sách - mời chụp hình lưu niệm...
Đi. Đứng. Ngắm. Nhìn. Lại đi. Hết thang cuốn lại bách bộ. Hết tầng dưới lên tầng trên. Hết tòa nhà này sang tòa nhà khác. Đi và nhiều lần lại quay về chốn cũ, vì hội chợ sách có đến 7.800 gian hàng, mọc dày đặc như một khu rừng già mà nếu không định vị sẽ không tìm thấy lối ra.
Đi dẫu mỏi nhừ chân nhưng đầu óc thì cứ bay bay cùng những sắc màu phong phú của kho tàng văn hóa quý giá thế giới. Đó là chuyện xảy ra với bất kỳ người khách nào khi đặt chân đến Hội chợ sách Frankfurt - tôi nghĩ thế khi theo dòng người đổ ra cửa, hòa nhập vào cái lạnh 5-6OC của Frankfurt.
Sách Việt Nam: “Có chân” rồi sẽ “có tên”? Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay tại gian hàng sách của Việt Nam trong Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - nằm lọt thỏm trong rừng sách mênh mông với diện tích 16m2, ông Chu Văn Hòa - cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin - truyền thông - cho biết: Việt Nam tham dự hội chợ sách này đã lâu, lúc đầu là cho “có chân”, rồi tiến đến cho “có tên”. Hiện chúng ta đang chủ động nâng cấp quy mô, đổi mới phương thức quảng bá một mảng văn hóa lớn của đất nước. Năm nay cục thí điểm giao cho Công ty văn hóa Phương Nam đứng ra tổ chức, trưng bày nhiều đầu sách của nhiều nhà xuất bản. Sắp tới sẽ huy động thêm các công ty phát hành sách, những nhà xuất bản lớn cùng tham gia. Được biết thêm, không chỉ giới thiệu sách, Công ty văn hóa Phương Nam còn kiêm luôn vai trò giới thiệu, tiếp cận đối tác cho các nhà xuất bản trong nước khi cần thiết. Chỉ tính riêng trong ngày khai mạc, gian hàng sách của Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 10 đối tác đến giao dịch. |
Theo Lưu Đình Triều / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)