Lại chuyện nước mắt hoa hồng

17/05/2021 04:55 GMT+7

Cuối tuần trước, vải thiều Hải Dương chính thức lên chợ mạng để đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM thông qua phương thức giao hàng nhanh của Lazada.

Nhưng cũng cuối tuần trước, tại thủ phủ hoa Đà Lạt, nhiều loại hoa lại phải đổ bỏ vì không tiêu thụ được do dịch Covid-19 tái bùng phát. "Số phận" đối nghịch của 2 sản phẩm này cho thấy cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền trong việc hỗ trợ đưa các nông sản Việt lên chợ mạng.
Có một thực tế là mua sắm online đã và đang bùng nổ khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, trên thế giới và tại Việt Nam; từ đồ gia dụng, tiêu dùng cho tới thực phẩm, hàng thiết yếu... tất cả đều có thể ngồi tại nhà giao dịch. Đại dịch kéo dài đã hình thành thói quen đi chợ mạng của một bộ phận lớn người tiêu dùng, đặc biệt là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, những thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước. Vì thế, một cách tất yếu, người bán cũng phải thay đổi, cũng phải làm quen với phương thức giới thiệu, quảng bá và bán hàng qua mạng. Nhưng đó mới chỉ là thị trường sơ cấp, trong một phạm vi hẹp.
Còn với các vựa trái cây, hoa, thực phẩm, lúa gạo... không có cách nào khác, phải liên kết với các trang thương mại điện tử lớn, tận dụng kênh phân phối nhanh của họ để đến tay người tiêu dùng trên cả nước, như cách vải thiều Hải Dương mới làm và trước đó là vải thiều Bắc Giang. Tất nhiên, việc này cần có sự phối hợp của nhiều bên, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại và người nông dân mới có thể bán nông sản qua mạng xuyên Việt và tiến tới là xuyên biên giới.
Trở lại với câu chuyện hoa Đà Lạt, nếu có thể được bán qua các chợ thương mại điện tử lớn, giá phải chăng, giao hàng nhanh, ngồi nhà nhận, người dân TP.HCM, thị trường tiêu thụ lớn nhất của "thủ phủ hoa" chắc chắn vẫn có nhu cầu. Nhưng nếu vẫn phương thức cũ, chở từng xe hoa tới chợ bán lẻ... thì rất khó trong bối cảnh chính quyền TP đang nỗ lực phòng, chống dịch hiện nay. Về lâu dài, thủ phủ hoa vẫn phải tính tới việc tăng cường xuất ngoại để nâng cao giá trị và ổn định lượng tiêu thụ.
Thực tế cho thấy lượng hoa Đà Lạt xuất khẩu chiếm tỷ lệ khiêm tốn mà trong đó, Công ty Dalat Hasfarm đã chiếm trên 60% tổng sản lượng. Có tới khoảng 90% hoa Đà Lạt vẫn tiêu thụ trong nước, riêng nông dân thì hầu như chưa thể trực tiếp xuất khẩu hoa. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nội địa, phụ thuộc quá nhiều bằng phương thức bán truyền thống khiến người nông dân trồng hoa luôn bấp bênh, cứ một năm vài lần, lại phải đối mặt với tình trạng ế đồng, dội chợ, phải nhổ bỏ hoa làm phân xanh. Nên nhìn vải thiều Hải Dương lại thấy buồn cho hoa Đà Lạt nói riêng và nhiều nông sản Việt nói chung.
Mua sắm online, họp hành trực tuyến, học qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt, ngồi nhà có thể thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính công... Chúng ta đã thiết lập và làm quen với một trạng thái "bình thường mới" từ khá lâu nên những câu chuyện nông sản bị "nghẽn" ở vùng trồng không thể tới tay người tiêu dùng trong nước do dịch tái phát nghe có gì đó "sai sai", chưa thỏa đáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.