(iHay) 'Vỏ thì to, ruột thì nhỏ, nướng mỏi tay cũng không kịp ăn, sao mà mày khoái đến vậy', bạn tôi than. Bởi bạn chưa nếm thử, nên sao có thể biết, mỗi con điềm điệp nướng lên là mỗi hương vị của những ngày ấu thơ xa lắc.
|
Điềm điệp, người quê tôi hay gọi là con điệp, không phải là thứ sò điệp - điềm điệp vỏ dày, vân nâu vàng láng bóng mà người ta vẫn thấy dọc ven biển miền Trung. Điềm điệp ở đây là loại nhuyễn thể vỏ mỏng như tờ giấy, phẳng và to bằng bàn tay, lòng trong vỏ có những mảng màu lấp lánh như mặt biển lúc bình minh. Vẫn nghe người vùng biển khen điềm điệp ngon lạ, khách phương xa chắc chắn sẽ “giật mình” khi cạy miệng thứ hải sản này. Nằm trên mảnh vỏ trắng như chiếc đĩa sứ đẹp mắt, thế nhưng thịt điềm điệp chỉ bằng đồng xu cỡ nhỏ, và mỏng cũng chẳng kém gì lớp vỏ bao bọc nó. Vậy mà, điềm điệp nướng lại thu hút lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy, hơn cả sò, cả ngán, cả con hà khoái khẩu.
Ở quê tôi, vùng cửa sông Bạch Đằng đổ ra biển, nơi nước triều lên xuống hàng ngày, bãi triều trải dài như vô tận, điềm điệp giống như một thứ quà trời ban. Nước lên, điềm điệp ngập dưới bùn. Nước xuống, chúng nằm ghé mình trên bãi. Những cô, những bà cứ thế dùng cào bới lên, nhặt một lát đã được vài cân mang về.
Một dạo nhà nào cũng đi nhặt, vỏ điềm điệp chất đống một góc vườn. Cho đến mãi về sau, tôi mới biết rằng thứ vỏ vứt đi này lại được dùng để khảm đồ mỹ nghệ, tạo ra những màu sắc tuyệt mỹ bất ngờ. Còn khi ấy, điềm điệp rẻ như cho. Lũ nhóc chúng tôi chẳng chịu mất tiền mua, cũng học đòi ra bãi nhặt, mảnh điềm điệp cứa sứt sẹo chân tay suốt những ngày thơ ấu.
Xách cả bao điềm điệp về rồi, anh chị em hò nhau mang ra giếng rửa. Lớp bùn trôi đi, để lại mớ điềm điệp tròn trĩnh xếp lớp lên nhau thật thích mắt. Than củi cũng có rồi, cẩn thận gắp từng con nướng trên than hồng rực. Xèo xèo vài ba tiếng, điềm điệp mở miệng.
Vậy là chín rồi. Nhẹ nhàng tách vỏ ra, lớp thịt chín tái màu nâu hồng hồng còn sủi tăm chút nước, còn vương mùi khói, mùi bùn mặn mòi của làng biển. Ít nhưng tươi ngon, thơm nức mũi và ngọt lịm trên đầu lưỡi. Con nào con nấy chuyền tay nhau, hết veo khi chưa kịp đưa vào đĩa. Ngày ấy, cứ đi bắt điềm điệp về là bố lại gọi các chú sang. Mồi ít mà rượu cũng ít. Chỉ có câu chuyện là đầy lên, từ căn bếp nhỏ cho tới khoảnh sân nhà.
|
Xa quê rồi, món điềm điệp nướng cũng vì thế mà dần bị lãng quên. Ở phố biển này, người ta nhậu lai rai với hàu, với con ruốc hay sò, ngao... Người ta ngại điềm điệp vì nó ít quá, nướng lâu mà vỏ lại nhiều. Cả tôi cũng chẳng bao giờ gọi.
Thế rồi, chiều nay đi tắm biển bãi vắng, lại thấy các cô, các bà đi mò điềm điệp. Bất giác lại lội xuống lúi húi nhặt một mớ đầy tay, về lọ mọ bắc bếp than lên nướng, gọi vài người bạn thân với cút rượu nồng.
Có lẽ, nhớ vị ngon của điềm điệp chỉ là một phần. Nhớ là nhớ thứ điềm điệp tự tay mò về, nướng và thưởng thức ngay trên bếp hồng. Bên cạnh, đứa cháu nhỏ nghịch ngợm bóp vụn lớp vỏ mỏng manh, những dải màu lấp lánh bay đi theo gió.
Trường Giang
>> Tưng bừng lễ hội hải sản Vũng Tàu
>> Đến Đà Nẵng ăn hải sản tươi ngon ở đâu?
>> Hải sản vỉa hè Hạ Long ngon quên đường về
Bình luận (0)